Sự phát triển tâm thần vận động ở trẻ em

Sự phát triển tâm tần vận động ở trẻ em phát triển rất nhanh trong 3 năm đầu, sự phát triển này phụ thuộc vào sự phát triển của não.

Trong quá trình não trưởng thành trẻ phát triển tâm thần, vận động  tuỳ theo tuổi, người ta có thể đánh giá bằng: Tình hình phát triển vận động của trẻ; Sự khéo léo kết hợp các động tác; Sự phát triển của lời nói; Mối quan hệ của trẻ với người xung quanh .

1.Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh hoạt động chủ yếu do các phản xạ do trung tâm dưới vỏ não chi phối nên trẻ không chủ động được mọi động tác, trẻ có những vận động tự phát, không trật tự, không phối hợp, xuất hiện đột ngột ở cả hai bên như: Tư thế nằm ngửa, hai tay co, bàn tay nắm chặt, hai chi dưới co hoặc một co một duỗi, đùi gấp và dạng ra ngoài; tư thế nằm sấp, chậu hông nhô lên và đầu gối gấp dưới bụng; tư thế treo ngang bụng thì đầu rủ hoàn toàn.

Sự phát triển tâm thần vận động ở trẻ

Trẻ sơ sinh có một số phản xạ tự nhiên như:

– Phản xạ bú (hình thành khoảng tháng thứ 7 của thai kỳ ).

– Phản xạ nắm tay (cho gì vào tay thì trẻ nắm chặt lại).

– Phản xạ vồ vập (vỗ mạnh vào giường làm trẻ giật mình, hai tay dạng ra rồi ôm choàng lấy thân).

2. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 2–3 tháng

Trẻ biết hóng chuyện, mỉm cười, mắt biết nhìn theo vật sáng di động, ở tư thế nằm sấp cất được đầu trong chốc lát.

Vẫn còn các phản xạ bẩm sinh.

Thời gian thức nhiều hơn, ngủ giảm dần.

Khi ngủ hai chi dưới có thể duỗi hết, không co như ở tháng đầu.

3. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 4-5 tháng

Tuổi này trẻ nhanh nhẹn thích cười đùa với người xung quanh, biết quay đầu về phía có tiếng động.

Biết đưa đồ vật lên miệng, có thể phát âm một vài phụ âm.

Lẫy được từ ngửa sang sấp, nằm sấp thì ngẩng được đầu lâu hơn.

4. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 6–8 tháng

Biết đưa tay với đồ chơi, trẻ có thể ngồi được nhưng chưa vững.

Khi nằm sấp biết xoay tròn và trườn, lật, không còn phản xạ tự nhiên nữa.

Biết chuyển đồ chơi từ tay này sang tay kia, có thể đứng nếu được xốc nách.

Trẻ bắt đầu bập bẹ hai âm tiết và bắt đầu nhận biết mặt mẹ và người quen.

5. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 9–12 tháng

Trẻ tự ngồi được vững vàng.

Đứng vịn được, biết đi men.

Có thể nhặt đồ vật nhỏ bằng ngón tay cái và ngón tay trỏ.

Biết chỉ tay vào đồ vật ưa thích.

Biết phát âm: bà bà, ma ma….

Rất thích đồ chơi có tiếng động, thích đập đồ chơi vào bàn rồi quẳng xuống đất.

6. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ13–15 tháng

Đi men giỏi, bắt đầu tự đi một mình được vài bước, có thể sử dụng ngón tay dễ dàng, có thể cầm chén uống nước, xúc cơm nếu được giúp đỡ. Biết đáp ứng mệnh lệnh đơn giản. Biết sử dụng vài từ ngoài từ bố và mẹ.

7. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ16–18 tháng

Trẻ đi vững, đứng lên ngồi xuống được, tự làm được một số việc phụ cá nhân như xúc cơm, đi dép.

Tập nói có phản xạ, biết gọi khi đi tiểu hoặc đại tiện, bắt chước nói câu được một vài từ.

8. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 2–3 tuổi

Biết lên xuống cầu thang

Thích bắt chước người lớn làm một số động tác và việc làm đơn giản, tự mặc quần áo.

Biết nói câu từ hai đến ba từ. Số từ phong phú dần lên.

Trẻ đặt nhiều câu hỏi, lời nói phát triển nhanh.

Học thuộc được một ít bài hát ngắn.

Biết đòi đi vệ sinh.

9. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 3–6 tuổi

Trí tuệ phát triển nhanh, ngôn ngữ phát triển nhanh, vốn từ phong phú dần, bắt đầu nói thành câu, thích nghe kể chuyện.

Tay khéo léo dần, biết cầm đũa, biết dùng kéo cắt giấy, biết cầm bút đễ vẽ, biết buộc dây giầy…

10. Sự phát triển tâm thần, vận động ở trẻ 7–15 tuổi

Trẻ bắt đầu đi học, tiếp xúc với môi trường xã hội, chịu tác động của nhà trường, bạn bè.

Trẻ đã khôn lớn, có khả năng sáng tạo và óc tưởng tượng.

Trẻ bắt đầu làm được những việc khéo léovì các cơ nhỏ ở bàn tay đã phát triển.

Từ 12 – 15 tuổi cơ thể trải qua một đột biến đó là hiện tượng dậy thì, mở đầu cho tuổi trưởng thành.

Leave a Reply

Or