Sơ cứu khi con bị say nắng

Vào mùa hè, trời nóng rất dễ gây ra các nguy cơ sức khoẻ cho các bé, nhất là các bé nhỏ như ngộ độc thực phẩm, say nắng, say nóng, phỏng nhiệt…Vì vậy, các mẹ nên chuẩn bị sẵn tâm lý và kỹ năng để kịp thời sơ cứu cho con khi gặp phải những trường hợp trên:

1365474637-chamsocbe

1/ Ngộ độc thức ăn: Dấu hiệu để biết là bé đau bụng, buồn nôn và nôn, tiêu chảy nhiều lần. Gặp trường hợp này, mẹ cần cho bé uống bù nước ngay bằng dung dịch oresol hoặc viên hydrite theo đúng hướng dẫn sử dụng, không chia nhỏ để pha nhiều lần. Sau đó, nên mang bé đến bác sĩ để được thăm khám và tư vấn chữa trị chính xác. Mẹ cũng nên duy trì chế độ ăn thích hợp với thức ăn mềm và lỏng hơn bình thường; cho bé ăn nhiều bữa nhỏ, nếu còn bú mẹ hoặc bú sữa ngoài thì vẫn tiếp tục duy trì.

2/ Say nóng: Nguyên nhân thường do bé vui chơi ở ngoài trời nắng nóng nhiệt độ quá cao; tiết trời quá nóng mà bé mặc quần áo dày, chật và bí; hoặc bé ở trong những căn buồng quá chật hẹp và nóng, không thông thoáng; ngột ngạt hơi người. Bé say nóng thường đột nhiên khóc, vật vã rồi sốt li bì, nhiều khi lên cơn giật.

Với bé đã lớn thì tự nhiên thấy tối tăm mặt mũi, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn. Mẹ nên sơ cứu bằng cách đưa bé ra chỗ mát, thoáng khí, cởi quần áo, lau người bằng nước mát… và bù nước, (có thể dùng nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội pha ít muối, đường). Cho bé uống bằng muỗng từ từ, nhiều lần cho tới khi đỡ khát, tỉnh táo, đi tiểu trở lại. Nếu chưa tỉnh táo và đi tiểu trở lại sau khi sơ cứu thì cần đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám kịp thời.

3/ Say nắng: Nguyên nhân là do cơ thể bé bị phơi nắng nóng quá lâu, vượt sức chịu đựng. Biểu hiện là bé mệt mỏi, mắt lờ đờ, cơ thể nóng ran, da khô không có mồ hôi, mặt đỏ gay, nhiệt độ cơ thể lên cao; nhịp thở nhanh, mạch yếu khó bắt hoặc không còn; trường hợp nặng có thể hôn mê và co giật. Trong trường hợp này, mẹ cần vừa sơ cứu vừa khẩn trương gọi xe cấp cứu hoặc chuẩn bị phương tiện để đưa bé đến cơ sở y tế. Sơ cứu bằng cách đặt bé nằm nơi thoáng mát, cởi quần áo; dùng khăn bông dấp nước mát đắp lên đầu, trán rồi lau khăn mát khắp mình và chân tay; cho uống nước đầy đủ; có thể cho uống nước quả tươi, nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội (uống từ từ ít một để tránh nôn).

4/ Phỏng nhiệt: Thường là phỏng nước sôi, cháo, canh. Sơ cứu bằng cách xả nước lạnh vào vết phỏng chứ không ngâm toàn thân bé vào nước, sau đó nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời. Chú ý không dùng đá lạnh hoặc các loại thuốc mỡ bôi lên vết phỏng; không dùng băng dính, vải, băng gạc có lông tơ đắp lên vết phỏng.

Chúc bé khoẻ mẹ vui và cả nhà có một mùa hè thật sảng khoái ^^

Theo Bsnhi

Leave a Reply

Or