Sinh thường thai ngôi mông – Ca đỡ đẻ hóc búa với bác sĩ sản khoa và sản phụ

Thai ngôi mông chiếm tỷ lệ không cao so với thai ngôi thường và không gây nguy hiểm trong quá trình mang thai nhưng lại khiến cả mẹ và bé có thể gặp nguy hiểm khi sinh.

Mang thai là cả một hành trình dài mà ở đó, người mẹ phải đối mặt với rất nhiều những nỗi lo như con có phát triển đúng chuẩn không, con có được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng không hay mẹ có bị thiếu ối hay dư ối, vị trí nhau thai có bất thường không… Và trong vô vàn lo lắng đó thì ngôi thai cũng là một trong nỗi lo đáng quan tâm đối với mẹ bầu.
Thông thường khi thai nhi 32 tuần tuổi, thai sẽ quay đầu, tức là đầu bé nằm trong khung chậu của mẹ, đây là ngôi thai thuận. Ngôi thai này sẽ giúp quá trình sinh nở của mẹ được thuận lợi hơn và bé chào đời không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ngôi thai của bé không được thuận lợi như vậy, bé có thể xoay phần mông hoặc chân xuống dưới. Trường hợp này người ta gọi là sinh ngôi mông hoặc ngôi ngược.
Ngôi mông

Các dạng thai ngôi mông mẹ có thể gặp phải.

Theo thống kê, tỷ lệ sinh ngôi mông khá thấp, chiếm khoảng 3-4% trong các ca sinh nở. Tuy nhiên, đây cũng là trường hợp khá “hóc búa” đối với các y bác sỹ sản khoa bởi nó có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh nở của bà bầu, thậm chí khiến các bác sĩ phải áp dụng biện pháp sinh mổ cho bà bầu vào thời điểm đó.
Mới đây, trên mạng xã hội facebook, một video về ca thực hành mô phỏng quá trình đỡ đẻ trong trường hợp sinh con ngôi mông đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cư dân mạng khi có tới 38.357.300 lượt xem và 262.639 lượt chia sẻ sau chưa đầy 1 tuần đăng tải. Trong video mô hình, có thể thấy bà bầu mang thai ngôi mông vẫn có thể sinh thường được. Nhưng người xem nhận ra việc sinh thường của thai ngôi mông không hề đơn giản.
Thai ngôi mông khiến cả mẹ và bé gặp nguy hiểm thế nào trong quá trình sinh nở?
Với cả mẹ và bé, việc mang thai ngôi mông không gây nguy hiểm gì đến sức khỏe của cả hai mẹ con trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, trong quá trình sinh nở, thai ngôi mông có thể khiến mẹ và bé gặp những nguy hiểm sau.
– Sinh thường khi thai ngôi mông sẽ khiến mẹ mệt và đuối hơn nhiều so với ngôi thuận. Lý do là với mọi loại ngôi, tử cung co thắt như nhau, tuy nhiên, áp lực tác dụng lên vùng mông sẽ không nhiều bằng vùng đầu nên thời gian chuyển dạ có thể sẽ kéo dài hơn.
– Ngôi mông có thể gặp phải biến chứng sa dây rốn khi sinh. Nếu là ngôi thường, đầu bé sẽ chiếm đầy vùng chậu của mẹ. Trong khi mông và chân thường ít chiếm thể tích hơn nên không gian rộng rãi đủ chỗ cho dây rốn trượt xuống và ra ngoài. Khi sa dây rốn, không khí và nhiệt độ bên ngoài sẽ làm dây rốn co quắp lại, khiến quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho bé sẽ bị ngưng trệ. Ngoài ra, dây rốn có thể bị chèn ép làm oxy không chuyển đến cho thai được. Đây là lúc cấp cứu sản khoa phải mổ cứu bé ngay lập tức.
Clip sinh thường ngôi ngược
Clip sinh thường ngôi ngược
Clip sinh thường ngôi ngược
Clip sinh thường ngôi ngược
Clip sinh thường ngôi ngược

Hình ảnh về một ca sinh thường thai ngôi mông.

– Một trong những điều dễ nhận thấy khi mẹ bầu mang thai ngôi mông sinh thường là phần mông của bé sẽ được đưa ra trước khi phần đầu được đưa ra. Điều này khiến cho bé có thể bị thiếu oxy, đồng thời khiến thời gian sinh kéo dài hơn, rất nguy hiểm cho bé.
Nếu quá trình sinh thuận lợi, bé cũng có thể sẽ gặp phải một số biến chứng sau khi được sinh ra:
– Một số bé sẽ bị bầm ở mông do mông va chạm với xương chậu của mẹ lúc chui ra.
– Vùng sinh dục của bé cũng có thể bị bầm và bị phù. Các bé trai có thể bị ứ nước trong tinh hoàn.
– Có thể gặp biến chứng trật khớp hông.
– Nếu quá trình sinh diễn ra quá nhanh hoặc sinh non, đầu bé có nguy cơ bị tổn thương. Do đó, thỉnh thoảng có thể phải dùng đến kẹp để giúp phần đầu sinh ra thuận lợi hơn. Một cách khác là bác sĩ sẽ dùng chính tay của họ để kiểm soát phần đầu cho bé. Điều này có thể không có lợi cho bé.
Ngôi mông

Thai ngôi mông nếu sinh thường có thể khiến mẹ và bé gặp một số nguy hiểm nhất định.

Các biện pháp phòng ngừa thai ngôi mông
Có nhiều lý do để dẫn đến việc mẹ bị thai ngôi mông. Nhưng nếu nguyên nhân thai ngôi mông xuất phát từ việc mẹ có khung chậu hẹp, rau bám thấp, tử cung không bình thường (tử cung phát triển không đầy đủ, tử cung hình ống, tử cung đôi…) hoặc do nước ối ít thì không có cách nào thay đổi tư thế của thai khi nó đã là ngôi mông. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân của bà bầu không nằm trong 2 nguyên nhân trên thì mẹ có thể phòng ngừa hoặc thay đổi ngôi thai của mình bằng những cách sau:
– Nếu đẻ non, tỉ lệ ngôi ngược sẽ cao hơn, vì thế cần chăm sóc thai nghén để bà mẹ không đẻ non. Đây là cách giảm tỉ lệ đẻ ngôi ngược.
– Với các bà mẹ có tử cung bình thường mà bị ngôi ngược thì có thể thử dành khoảng 1 giờ mỗi ngày để tập theo tư thế: quỳ đầu gối, đầu cuối xuống giường, mông chổng ngược lên để thai tự quay đầu xuống dưới (trở thành ngôi đầu).
– Sử dụng phương pháp xoay ngôi thai ECV (External Cephalic Version). Tuy nhiên, phương pháp này không phổ biến tại Việt Nam và tỷ lệ thành công chỉ 50%.
 Phương pháp ECV (External Cephalic Version) (Ảnh minh họa)
Cuối cùng, tính tới thời điểm hiện tại, mổ lấy thai là phương pháp an toàn đối với thai nhi ngôi mông. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ việc sinh thường hay sinh mổ khi mẹ bầu gặp phải trường hợp thai ngôi mông.
Nguồn: Tổng hợp

Leave a Reply

Or