Sinh con ở Nhật, tôi được dạy từ cách thay bỉm

Điều đặc biệt ở đây là số lần khám thai rất nhiều, khoảng 30 lần và sản phụ được ở lại bệnh viện một tuần sau sinh để học kỹ năng làm mẹ.

Mang thai và sinh con ở Nhật đã cho mình những trải nghiệm tuyệt vời về y tế và phúc lợi xã hội của xứ sở hoa anh đào. Sau khi đi khám lần thứ 2, khi chắc chắn là mình đã mang bầu, phòng khám đã phát cho mình một loạt tài liệu, nào là dinh dưỡng thời kỳ bầu bí, chăm sóc phụ nữ mang thai với những điểm cần lưu ý như nhuộm tóc, sơn móng tay… quá trình tăng cân của bé trong bụng mẹ, cách chăm sóc trẻ sơ sinh, những đồ cần phải chuẩn bị trước khi bé ra đời, đồ phải mang tới bệnh viện khi sinh… Rồi ở mỗi quận và bệnh viện đều có lớp học tiền sản cho cả hai vợ chồng cùng tham gia. Do có những thông tin chi tiết, đầy đủ như thế nên bên này, phụ nữ hầu như không tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai và cũng không tốn quá nhiều tiền cho việc ăn uống, tẩm bổ.

Điểm đặc biệt của quá trình thai sản bên Nhật là việc đi khám thai rất nhiều. Tổng số lần khám của cả thai kỳ có lẽ phải lên tới 30 lần, nhiều nhất là giai đoạn đầu và giai đoạn cuối. Tuy nhiên, nhà nước lại hỗ trợ chi phí phần lớn, từ chi phí khám thai sản (mỗi lần khám thai chỉ phải trả 1000 sen tương đương 200 nghìn đồng), đến chi phí đi lại trong trường hợp bất đắc dĩ và chi phí sinh nở. Tuỳ vào từng quận nhưng thường mức hỗ trợ cho một quá trình sinh nở từ 3.500-4.000 USD. Do vậy, thực tế chi phí một gia đình phải trả cho quá trình bầu bí, sinh nở không quá nhiều.

phong-cho-2733-1440558217.jpg

Phòng chờ của sản phụ và nơi cho người nhà tới thăm được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

Thêm vào đó, sau khi biết tin mình mang thai thì việc cần làm ngay lập tức là chọn bệnh viện để đặt. Bệnh viện bên này nhiều nhưng mỗi bệnh viện chỉ tiếp nhận một số lượng có hạn để phục vụ cho tốt. Nếu không đặt được chỗ ở bệnh viện trên thành phố, các mẹ bầu phải đăng ký sinh ở các bệnh viện dưới quê. Do cơ địa, đến tháng thứ 5, mình phải nhập viện vì có khả năng sinh non. Mình nhập viện và làm tiểu phẫu nhỏ được một tuần thì xuất viện và sau đó vài hôm có thể đi lại được bình thường. Ở trong bệnh viện, mình được các y tá chăm sóc vô cùng cẩn thận, từ đi lại, ăn uống, gội đầu… Mình cảm nhận được tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc nghiêm túc, không nề hà cũng như sự nhẹ nhàng của đội ngũ y bác sĩ.

Sau 9 tháng, ngày con chào đời cuối cùng đã tới. Hai vợ chồng đưa nhau vào viện lúc 2-3h sáng. Ở nhật có hình thức Tachiai, nghĩa là chồng bên cạnh vợ trong suốt quá trình sinh nở để động viên và hỗ trợ những việc như tiếp nước… Chồng mình cũng quyết định Tachiai nên giây phút con chào đời, cả hai cùng được chứng kiến. Sau khi cho con tiếp xúc da skin to skin với mẹ thì con được chuyển sang phòng dành cho trẻ sơ sinh, còn mẹ ăn uống và nghỉ ngơi để từ ngày hôm sau bắt đầu hành trình mới.

sosinh-6405-1440558218.jpg

Trẻ sơ sinh được nằm ở nôi riêng và được mặc đồ thoải mái.

Mình ở bệnh viện một tuần (đây là quy định của bệnh viện). Ngày đầu tiên, mình được các y tá dạy cách thay bỉm, cách cho bú đúng, cách cân bé trước và sau khi bú để đo lượng sữa… Lần đầu tiên, ngày đầu tiên bỡ ngỡ, vụng về nhưng đến ngày thứ 2 trở đi là đã bắt đầu thuần thục. Phòng cho sản phụ cũng đầy đủ tiện nghi, tuy chỉ có một chiếc giường nhỏ nhưng có cả ti vi, tai nghe… giúp sản phụ có được tâm trạng thoải mái, thư giãn.

Các bác sĩ ở đây luôn khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng trong thời gian đầu, mẹ có thể cho bé bú dặm thêm sữa công thức theo nhu cầu của bé chứ không nhất thiết chỉ cho bé uống sữa non của mẹ trong 36h-72h đầu. Vì dạ dày của bé nở ra hàng ngày, ban đầu chỉ bú được một chút nhưng lần sau, lượng sữa bú sẽ tăng lên. Con nhà mình đến ngày thứ 2-3 đã bú được hơn 120 ml sữa rồi. Mình nuôi con sữa mẹ hoàn toàn nhưng tháng đầu tiên vẫn dặm thêm sữa công thức. Bác sĩ luôn khuyên mình cố gắng giữ tâm trạng thoải mái sau sinh chứ đừng cực đoan chuyện sữa mẹ, sữa công thức mà ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

skin-9561-1440558353.jpg

Hai mẹ con da tiếp da sau sinh.

Ngày cuối cùng, khi xuất viện, bệnh viện hướng dẫn cho cả bố và mẹ cách tắm cho bé, lau tai, mặc quần áo. Bệnh viện còn tặng hoa kèm một bưu ảnh có ảnh và tiếng khóc của con lúc mới chào đời cho bố mẹ. Sau đó, vợ chồng mình chỉ cần làm thủ tục xuất viện và tính toán chi phí, còn tiền viện phí trong khoảng thời gian nhất định thì đóng lúc nào cũng được, đó là điều làm mình cảm thấy bất ngờ. Ở đây không có cảnh xếp hàng, chen lấn. Các máy thu tiền xếp cạnh quầy kế toán, chỉ cần cho thẻ hoặc cho tiền mặt vào là xong, vô cùng tiện lợi, đơn giản. Làm xong, hai vợ chồng đi về và một tháng sau cho bé đến kiểm tra sức khoẻ tổng hợp, uống vitamin K. Đến lúc này, quá trình sinh nở mới coi như kết thúc.

Theo ngoisao

Leave a Reply

Or