“Rước bệnh” vì kiêng cữ sau sinh

Có những sản phụ phải kiêng ăn uống, tắm gội, sinh hoạt trong suốt 3 tháng 10 ngày.

Người xưa thường nói, bà đẻ như con rắn vừa lột xác nên việc kiêng cữ là đương nhiên. Tuy nhiên, hầu hết những quan niệm kiêng cữ của các cụ đều chưa được khoa học chứng minh. Dù vậy, ngày nay trong một số gia đình vẫn áp dụng các quan niệm kiêng cữ này với sản phụ.

Sau sinh, phải kiêng ăn uống

Nhớ lại những ngày ở cữ hồi sinh bé Ken, chị Thanh (Hà Đông, Hà Nội) không khỏi rùng mình. Chị kể: “Mình không hề nghĩ rằng những ngày sau đẻ lại khủng khiếp đến thế. Mình ở với bố mẹ chồng nên các cụ bắt kiêng khem rất cẩn thận. Từ khi Ken chào đời, mình phải “tạm biệt” với tất cả mọi sở thích ăn uống. Cả 3 bữa trong ngày mình chỉ được ăn cơm trắng và thịt kho hoặc ruốc và rau ngót luộc. Thậm chí mẹ chồng còn không cho mình ăn canh rau ngót vì sợ có dầu, mỡ sẽ làm mình đau bụng. Phải công nhận là nhờ có thực đơn ăn uống đó mà bụng dạ hai mẹ con mình rất ổn, bé không hề bị đau bụng lần nào”.

Vậy nhưng ăn đến khoảng nửa tháng thì chị Thanh bắt đầu chán ngấy. Nếu như những tuần trước chị còn cố ăn được 2 bát cơm mỗi bữa thì giờ chị chỉ ăn được vài thìa. Mồi lần gắp miếng thịt lên miệng là chị không thể nuốt nổi vì quá khô. Đã thế mẹ chồng chị còn không cho uống nhiều nước luộc rau vì sợ sổ bụng. Vì vậy mà bữa cơm của chị vô cùng khô khan. Không chỉ riêng mẹ chồng, mỗi lần mẹ đẻ chị sang thăm cũng luôn nhắc nhở con gái phải kiêng khem cẩn thận cho hết 3 tháng 10 ngày. Chính vì thế mà dù có chán thịt kho + rau ngót luộc đến mấy chị cũng vẫn phải cố ăn vì lo ăn uống tạp nham sẽ ảnh hưởng đến con.

“Rước bệnh” vì kiêng cữ sau sinh - 1
Sau sinh, nhiều mẹ phải kiêng ăn uống đến cả tháng. (ảnh minh họa)

Thế nhưng đâu phải cứ ăn như thế là tốt. Sau sinh khoảng chừng gần một tháng thì chị bắt đầu đối mặt với chứng táo bón. Ban đầu là hiện tượng khó đi ngoài, cứ 3-4 ngày chị mới đi được một lần. Mà mỗi lần như thế cũng vô cùng khó khăn. Những ngày sau đó, tình trạng táo bón càng nặng nề hơn khiến chị mỗi lần đi vệ sinh như cực hình. Kể với chồng mà chị khóc nức nở vì đã ngồi trong nhà vệ sinh nửa tiếng mà vẫn chẳng đi được. Không chỉ riêng chị Thanh bị táo bón, vì Ken bú hoàn toàn sữa mẹ nên con cũng bị táo bón theo. Thấy thế, chồng liền đưaThanh đến bệnh viện khám, các bác sĩ kết luận cô bị táo bón nặng, sắp chuyển sang trĩ. Hỏi ra mới biết do chế độ ăn của Thanh khô khan quá. Bác sĩ đã lên cho chị một thực đơn ăn uống với đầy đủ thực phẩm và dặn đi dặn lại chị không phải kiêng khem quá mức, chỉ cần ăn chín uống sôi là được. Bác sĩ cũng nhắc thêm chị phải uống nhiều nước thì hệ tiêu hóa mới ổn định và tốt cho sữa mẹ.

Kiêng tắm gội – đương nhiên

10 mẹ sau sinh thì chắc chắn có đến 9 người đều kiêng chuyện tắm gội, tuy nhiên kiêng một cách thái quá đến 1 tháng liền như mẹ Phương (Ninh Bình) thì có lẽ ít mẹ làm được. Chị Phương làm việc ở Hà Nội nhưng thu nhập của cả hai vợ chồng đều không dư giả là mấy nên vẫn phải đi thuê nhà. Vì điều kiện cơ sở vật chất ở nhà trọ không đầy đủ nên chị quyết định về quê sinh con. Nhà nội, ngoại của chị gần nhau nên về quê rất tiện cho việc chăm sóc bé. Ban đầu chị hồ hởi lắm nhưng đến những ngày ở cữ thì thật kinh hoàng.

Chị kể: “Từ ngày sinh xong, mình không được đụng chân tay vào bất cứ việc gì. Mọi việc đều có mẹ chồng và mẹ đẻ làm cho từ việc giặt đồ cho con, nấu cơm, rửa bát và cả vệ sinh cá nhân. Và đương nhiên vì các cụ giữ cho mình cẩn thận thế nên cũng bắt mình kiêng luôn việc tắm gội. Ngay những ngày đầu sinh nở, mẹ đẻ đã dặn mình càng kiêng nước, kiêng gió được bao lâu thì càng tốt. Ngày ngày, mình và con chôn chân ở trong phòng, phòng thì kín mít mà chẳng được bật quạt đâu. Mình thì nực sữa, hai mẹ con lại ngày ngày ôm ấp nhau nên nóng nực, mồ hôi chảy ra đầm đìa khiến mình hôi như chuột chù. Ấy thế mà hai mẹ vẫn không cho mình tắm đâu. Đến việc rửa mặt mà mẹ cũng không cho mình tự đi giặt khăn.

Mà sợ nhất là cái chuyện kiêng đánh răng. Mẹ mình đã chuẩn bị sẵn cho mình chai nước muối bảo chỉ được súc miệng bằng nước này chứ không được đánh răng. Mình không tin mấy chuyện kiêng khem này đâu nhưng đang phải sống phụ thuộc vào bố mẹ chồng nên chẳng dám trái ý bà. Thế mà mình cũng kiêng tắm gội và đánh răng đến 1 tháng liền đấy các mẹ ạ. Hậu quả của việc kiêng cữ này là mình bị viêm da nặng. Da mình bắt đầu nổi những mụn nhỏ li ti, đi khám da liễu thì bác sĩ bảo mình bị viêm lỗ chân lông do không tắm rửa thường xuyên, mồ hôi và chất bẩn bám lại gây viêm. Mình sợ quá, đúng ngày tròn 1 tháng sau sinh, mình bảo mẹ đun cho một nồi nước lá rồi tắm, cảm giác lúc ấy như lột xác vậy. Cái mùi hôi cơ thể của 1 tháng ở cữ đến giờ vẫn còn ám ảnh mình. Không biết con trai có bị ám ảnh như mình không nữa. Nếu có tập 2 mình sẽ phải đấu tranh để không phải kiêng cữ khổ sở thế này nữa”.

“Rước bệnh” vì kiêng cữ sau sinh - 2
Một số người quan niệm rằng, sản phụ “yêu” sớm sẽ bị hậu sản. (ảnh minh họa)

‘Chuyện ấy’ – hết cữ nhé!

Quan niệm ở cữ của mẹ chồng chị Hải (Long Biên, Hà Nội) không chỉ có 1 tháng mà đến 3 tháng 10 ngày. Cũng thời gian đó, chị phải cách ly hoàn toàn với chồng. Chị kể: “Từ ngày mình đẻ, mẹ chồng luôn ngủ cùng mình và bé để phụ giúp mình bế bé lúc đêm vì con mình trong tháng đầu hay thức chơi đêm lắm. Vậy nhưng từ tháng thứ 2, bé cũng ngoan dần nhưng mẹ chồng thì vẫn cương quyết ngủ cùng mình và bắt chồng sang phòng khác để ngủ. Từ ngày sinh con xong, vợ chồng mình chẳng một lần được gần gũi ngay cả việc trò chuyện thôi. Ban ngày thì chồng đi làm suốt, tối về cứ ăn cơm xong là mẹ chồng đuổi ra khỏi phòng nên hai vợ chồng buồn lắm. Mà nói thật, mẹ chồng thì mình đâu có thể nhờ được mọi việc. Nhiều lúc ban đêm mình đói, thèm ăn thứ này thứ khác cũng chẳng dám gọi anh xã. Có lúc khát nước cũng đành phải chịu vì sợ làm tỉnh giấc mẹ chồng.

Đã gần 2 tháng sau sinh, mẹ chồng mình vẫn không có ý định cho hai vợ chồng ngủ cùng nhau. Khi chồng mình có ý hỏi mẹ thì mẹ bảo đàn bà đẻ phải kiêng chồng 3 tháng 10 ngày, nếu không sẽ bị hậu sản và chồng tiếp xúc nhiều với vợ đẻ cũng không tốt cho việc làm ăn. Lúc đó, chồng mình đã phải giải thích cho bà mãi bà mới chịu “thả” cho mình. Cũng may mẹ còn nghe lời chồng, không thì phải cách ly chồng 3 tháng 10 ngày chắc mình ốm mất.”

Chuyện có nên kiêng cữ sau sinh hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng. Tuy nhiên, kiêng khem quá mức đến nỗi mắc bệnh như những chị em nói trên thì không nên chút nào. Để không mất lòng các mẹ, chị em nên khéo léo cư xử, giải thích cho các mẹ hiểu để được thoải mái nhất trong những ngày ở cữ nhé.

 

theo: eva

One thought on ““Rước bệnh” vì kiêng cữ sau sinh

Leave a Reply

Or