Rửa mông bé: Giấy ướt hay nước chè?

BS Nguyễn Thị Thanh Hà (Trưởng khoa sơ sinh, BV Phụ sản TW) chia sẻ nguyên tắc chăm trẻ sơ sinh.

Một độc giả tâm sự về việc có nên dùng giấy ướt lau mông bé: “Con tôi mới sinh được vài ngày, cô em dâu em toàn mua cả thùng giấy ướt về để vệ sinh mỗi khi thay bỉm cho thằng bé. Nhưng em thấy, làm mẹ như vậy thật là quá lười. Như em đây dù chăm con gái vất vả thật đấy, nhưng ngày nào em cũng đun nước chè xanh rửa mông cho con. Trộm vía mông bé lúc nào cũng khô thoáng mịn màng. Còn như giấy ướt chùi vớ vẩn, lại toàn tẩm ướp hương liệu với các loại chất hóa học, chà đi chà lại lên mông con thì thể nào dăm bữa nửa tháng thằng bé cũng bị hăm. Nói thật là bây giờ em thấy cũng không hiếm mẹ thích dùng khăn ướt vệ sinh mông bé khi thay bỉm như em dâu em”

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà (Nguyên Trưởng khoa sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản TW) cho biết, trong sản phẩm khăn ướt có thể sử dụng những chất bảo quản để khăn không bị mốc, không bị nhiễm khuẩn. Và có thể những hóa chất đó ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, vì da em bé mỏng manh, non nớt. Cho nên, trẻ rất dễ bị nhiễm độc như nhiễm độc gan, ảnh hưởng đến nội tiết.

 

“Người sử dụng phải xem thành phần trên bao bì có được phép của Bộ Y tế hay không, nếu thành phần không được cấp phép của Bộ Y tế thì không nên sử dụng. Theo tôi, khi đi đâu xa, bắt buộc mới phải dùng, còn không thì hạn chế”, bác sĩ Thanh Hà lưu ý.

 

Về việc dùng nước lá chè tươi, theo bác sĩ Thanh Hà, cũng không nhất thiết ngày nào cũng phải dùng. Chỉ cần dùng trong một số trường hợp như bị viêm nhiễm, hăm loét, khi rửa sẽ giúp da khô, se lại các vết loét.

Rửa mông bé: Giấy ướt hay nước chè? - 1
Người sử dụng nên xem thành phần trên bao bì khăn ướt có được phép của Bộ Y tế hay không (ảnh minh họa)

Tắm, rửa cho trẻ sơ sinh

 

Sơ sinh được tính trong 4 tuần đầu tiên của trẻ, việc chăm sóc cũng cần những lưu ý. Mặc dù, chỉ 4  tuần nhưng trẻ có những thay đổi liên tục. Về nguyên tắc chăm trẻ sơ sinh đặc biệt là vào mùa đông cần chú ý: Giữ ấm, giữ vệ sinh, đảm bảo ăn sữa mẹ đầy đủ. Tuy nhiên, tùy theo lúc trẻ khỏe hay ốm sẽ có sự điều chỉnh mức độ.

 

Bác sĩ Thanh Hà cho biết: “Mùa đông không cần thiết phải tắm hàng ngày, có thể tắm 2 lần/tuần, khu vực tắm đảm bảo kín gió, nước sạch và ấm. Các đồ dùng khi tắm phải chuẩn bị đầy đủ, không phải tắm xong mới đi tìm. Khi dùng sữa tắm cần phù hợp da của trẻ sơ sinh, không được tùy tiện. Da trẻ sơ sinh đặc biệt nên chỉ dùng sữa tắm có pH thấp”

 

Về việc tắm từng phần hay tắm toàn cơ thể trẻ, theo bác sĩ Hà, điều đó tùy thuộc quan niệm của từng người. Trong điều kiện đứa trẻ khỏe mạnh, nước đảm bảo sạch, đun sôi, rốn không nhiễm trùng vẫn có thể cho đứa trẻ vào chậu nước. Khi đứa trẻ bị ốm, nước không sạch hoặc rốn có viêm nhiễm thì cần phải tắm từng phần cơ thể.

 

“Nếu dùng tã vải thì cứ đi vệ sinh là có thể thay. Còn hiện nay phụ huynh dùng bỉm có thể hút khô đã đảm bảo sự khô ráo. Trước bữa ăn có thể thay bỉm, không phải cứ ướt là thay, bao nhiêu cho đủ. Khi đại tiện bắt buộc phải rửa, cần dùng nước sạch, nếu nước được đun sôi thì càng tốt”, bác sĩ Hà nói thêm.

 

Giữ vệ sinh cho trẻ

 

Theo bác sĩ Thanh Hà, trong việc giữ ấm cho trẻ, phòng trẻ ngủ phải ấm áp, tránh gió lùa, đảm bảo nhiệt độ 26-28 độ C. Khi đã đảm bảo nhiệt độ như vậy, không cần phải mặc quá nhiều quần áo. Lưu ý giữ ấm, đầu, tay, quần áo không quấn quá chặt, cần đảm bảo đứa trẻ có thể cựa quậy, khua khoắng được. Tuyệt đối không ủ ấm quá, khiến trẻ ra mồ hôi rất dễ bị viêm phổi.

 

Chăm sóc rốn sau sinh cũng cần phải lưu ý, rốn của trẻ sau khi sinh thường có đoạn dây rốn, cho nên việc chăm sóc rất quan trọng. Bởi vì, ở khu vực đó có các mạch máu, nếu không cẩn thận, vi trùng theo mạch máu vào cơ thể, gây nhiễm trùng huyết.

 

Việc giữ vệ sinh là cần thiết, người lớn đi ở bên ngoài trời lạnh không được bế ẵm trẻ sơ sinh ngay. Vì nguyên tắc, nhiệt độ truyền từ nơi cao sang nơi thấp sẽ khiến trẻ bị mất nhiệt. Khi đi bên ngoài về, bụi bặm bám vào quần áo dễ làm trẻ bị viêm nhuễn. Trước khi tiếp xúc với trẻ, lưu ý rửa tay bằng xà bông diệt khuẩn sạch sẽ.

 

Một vấn đề khác mà phụ huynh lưu ý trong giai đoạn trẻ sơ sinh là hiện tượng vàng da. Nếu vàng da sinh lý thì không cần điều trị, còn vàng da bệnh lý phải điều trị kịp thời. Nếu điều trị vàng da bệnh lý không kịp thời có thể gây biến chứng lên não, gây vàng da nhân và có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng.

 

“Vàng da sinh lý bắt đầu từ ngày thứ 3, tiến triển từ từ, đến ngày thứ 7 thì không vàng thêm nữa. Sau ngày thứ 7, mức độ giảm dần, trẻ ăn ngủ bình thường. Còn vàng da bệnh lý, trẻ có thể xuất hiện vàng da ngày từ 1-2 ngày đầu tiên. Có thể trẻ bị vàng da bệnh lý xuất hiện vàng da từ ngày thứ 3 nhưng tiến triển nhanh, vàng đậm như nghệ, kéo dài từ 10-15 ngày. Trong 10 ngày đầu tiên đã có thể gây biến chứng ở não, các bà mẹ thường chủ quan chỉ đưa trẻ đến khi con đã bỏ bú… Vì vậy, phụ huynh lưu ý theo dõi để phát hiện và đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa kịp thời”,bác sĩ Thanh Hà chỉ rõ.

 

Ngoài vàng da, trẻ sơ sinh có thể mắc các viêm nhiễm như nhiễm trùng rốn, viêm phổi, ăn uống không phù hợp có thể bị bệnh về đường tiêu hóa…

 

theo: eva

Leave a Reply

Or