Rèn luyện kĩ năng tự bảo vệ cho con

Cuộc sống hàng ngày luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro. Với khả năng nhận thức còn hạn chế, kinh nghiệm xử lí các tình huống nguy hiểm còn ít ỏi, đứa con thân yêu của bạn rất cần được giúp đỡ để trải nghiệm và rèn luyện kĩ năng tự bảo vệ.
Thống kê gần đây nhất trong bản Báo cáo tổng hợp về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em Việt Nam của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy tai nạn thương tích như bỏng, ngã, ngộ độc, động vật cắn, giao thông, ngạt, đuối nước, điện… là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trung bình 8.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. Có thể thấy cuộc sống hàng ngày luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro; trái tim yêu thương và bản năng che chở khiến những bậc cha mẹ đôi khi không khỏi nhói lòng lo lắng cho những thiên thần nhỏ.

Bản tính trẻ em thích tự mình tìm những trò chơi, những cách giải trí để tìm hiểu thế giới xung quan. Trong 3 năm đầu đời, trẻ bắt đầu khám phá không gian trong nhà; 3 năm tiếp theo, trẻ ngày càng cảm thấy ngày càng độc lập hơn và mở rộng sang thế giới bên ngoài. Tìm hiểu về tâm lí và sự phát triển của con trẻ, cha mẹ cần chấp nhận một thực tế rằng con mình sẽ trải qua giai đoạn hành động mà không suy nghĩ chỉ để thỏa mãn sự tò mò, hiếu kì.
Những lời khuyên sau đây có thể giúp bạn đáp ứng và tác động tích cực đến hành vi tự bảo vệ bản thân của con mình, đặc biệt trong giai đoạn từ 2- 5 năm tuổi.

Khoanh vùng không gian giám sát con
Cha mẹ cần thiết lập và thống nhất thực thi các quy tắc và giới hạn để giúp các con hiểu được mối nguy hiểm tại những khu vực, không gian trong nhà và bên ngoài chẳng hạn như cháy ở nhà bếp, trượt ngã ở ban công, nhà tắm, cầu thang…; đuối nước ở ao hồ, sông suối, trượt ngã từ núi đá, lạc ở siêu thị, kẹt thang máy ở các khu chung cư… Không gian trong nhà cần được bố trí an toàn: lưu trữ các sản phẩm độc hại ngoài tầm với của con, sử dụng bịt an toàn trên tất cả các ổ điện; dựng hàng rào xung quanh ao hồ; khóa cửa vào ban đêm… Tuy nhiên, giám sát con chặt chẽ không có nghĩa là lúc nào cũng giữ bé kè kè bên cạnh bố mẹ. Ở những phạm vi mà những ẩn họa được loại trừ, hãy thả cho bé tự tin, tự do khám phá.
Thực hành thói quen sinh hoạt lành mạnh
Ở lứa tuổi đầu đời, trẻ em thường tiếp thu những kĩ năng liên quan đến bản thân thông qua quan sát những thói quen của những người thân trong gia đình. Muốn dạy bé những kĩ năng tự bảo vệ tối thiểu, bản thân bố mẹ chính là những hình mẫu sinh động cho bài học thực tế. Nếu bố mẹ rửa tay trước khi ăn, con trẻ cũng sẽ làm theo. Việc hình thành những thói quen sinh hoạt lành mạnh hàng ngày như rửa tay trước khi ăn, giữ đồ chơi sạch sẽ, đánh răng sau khi ăn… giúp bảo vệ trẻ chống lại bệnh tật và nhiễm trùng.

Lên kế hoạch đối phó tình huống nguy hiểm
Hàng tuần, các thành viên trong gia đình có thể cùng nhau chơi trò đố vui về tự bảo vệ. Bố mẹ có thể hỏi bé câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì nếu…” trong các tình huống nguy hiểm: bỏng nước sôi, cháy nhà, bị rắn, chó, mèo cắn, bị ngã xuống nước, trượt cầu thang, nuốt phải dị vật…  và yêu cầu bé trả lời. Bố mẹ và bé có thể cùng nhau lên danh sách những đồ vật có khả năng gây tai nạn thương tích như những mảnh vỡ kính, dao, kéo sắc nhọn; những mẩu đồ chơi nhỏ; những loài cây có nhựa độc; bật lửa, bếp ga; ổ điện…  để khi gặp những đồ vật đó, bé sẽ cảnh giác, thận trọng hơn. Bố mẹ cũng cần giúp con phân tích tình huống nào thì tự xử lí ngay được; tình huống nào cần gọi người trợ giúp. Những số điện thoại khẩn cấp không được quên, chẳng hạn gọi đến số điện thoại 114 bất kỳ sự cố nào liên quan đến cháy nổ, đuối nước, sập nhà, kẹt thang máy… để được lực lượng cứu hỏa và cứu hộ cứu nạn đến giúp đỡ.
 
Thực hành phản ứng với kịch bản nguy hiểm giả định
Bố mẹ cũng có thể tạo ra những kịch bản để xây dựng kỹ năng tự bảo vệ của trẻ. Sắp xếp một tình huống mà các con sẽ ở một mình trong khi tiếp xúc với các mối đe dọa an toàn mô phỏng, bố mẹ quan sát những hành vi phản ứng của con và sau đó có sự điều chỉnh, nhận xét để giúp con không lạ lẫm với tình huống thực tế. Giả sử với kịch bản bắt cóc trẻ em, bố mẹ đóng vai người lạ có ý định tấn công bé và hướng dẫn bé phản ứng la hét để gây sự chú ý, dùng hết sức lực để vùng vẫy, cắn xé, chạy trốn tìm người giúp khi có cơ hội… Cho con bạn tham gia một vài khóa học tự vệ cơ bản, học võ chẳng hạn, cũng sẽ giúp con bạn tự tin, chủ động hơn khi xử lí những tình huống bất thường trong cuộc sống.
Chăm sóc, kiểm soát bản thân 
Một trong những nguyên nhân đưa đến tai nạn thương tích cho trẻ là do cha mẹ hoặc người chăm sóc bất cẩn, mệt mỏi, bất ổn về tâm lí từ nhiều nguyên nhân khác nhau: chuyển nhà mới, mâu thuẫn vợ chồng, phụ nữ mang thai đứa con tiếp theo… Thậm chí những đứa trẻ vô tội có thể trở thành nạn nhân bị chính cha mẹ sát hại trong trạng thái trầm cảm bệnh lí, không kiểm soát được hành vi. Vì vậy, cha mẹ chăm sóc bản thân luôn khỏe mạnh, minh mẫn cũng đã góp phần đảm bảo cho con an toàn.
Hãy nhớ rằng không ai có thể trông chừng từng cử động của một đứa trẻ hoặc đảm bảo ngôi nhà của bạn tuyệt đối an toàn 100%. Những gì cha mẹ có thể làm là cố gắng cân bằng giữa việc giám sát con mình, có những biện pháp giáo dục để hình thành cho con những kĩ năng cần thiết để tự bảo vệ cơ thể với việc cho phép con bạn tự tin, mạnh dạn khám phá thế giới.
theo: kienthucgiadinh

One thought on “Rèn luyện kĩ năng tự bảo vệ cho con

Leave a Reply

Or