Phụ huynh Hà Nội nghỉ việc để tìm trường cho con vào lớp 10

Con được 44,5 điểm, cao hơn chuẩn năm ngoái của trường đăng ký chỉ 0,5 điểm, chị Oanh thức trắng đêm tính toán, xin nghỉ việc để tìm chỗ học cho con.

Từ lúc Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 ngày 22/6 đến khi có điểm chuẩn tối 29/6, chị Oanh ở quận Đống Đa như ngồi trên đống lửa. “Cực kỳ khổ, chưa bao giờ trong đời tôi thấy áp lực như thế”, người mẹ 41 tuổi nói.

Minh, con trai chị Oanh, năm nay thi vào lớp 10 và đăng ký nguyện vọng 1 vào THPT Việt Nam – Ba Lan. Điểm xét tuyển của Minh là 44,5, chỉ cao hơn 0,5 điểm so với chuẩn năm trước của trường. Thấy nhiều bạn cùng lớp con được trên 50 điểm, người mẹ bồn chồn vì năm nay số thí sinh thi vào lớp 10 công lập của Hà Nội đông kỷ lục, gần 94.500, tăng hơn 18.700 so với năm ngoái. Với chỉ tiêu 63.050, thành phố có 31.900 em phải vào trường tư thục có chi phí đắt đỏ, hoặc học trường nghề, giáo dục thường xuyên.

“Biết điểm của con, vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ vì không dám chắc con có cơ hội đỗ vào trường công. Mấy đêm vợ chồng thức trắng bàn tính, tìm trường dân lập đăng ký cho con để chắc chỗ vào học lớp 10. Chúng tôi thậm chí phải nghỉ làm 3 ngày để đến các trường tìm hiểu. Những ngày sau đó, dù có đi làm cũng chẳng làm gì được vì đầu óc chỉ quay cuồng chuyện trường lớp”, chị Oanh kể.

Với 44,5 điểm của con, chị Oanh tìm đến trường THPT dân lập không thuộc tốp đầu của thành phố. Người mẹ phát hoảng vì điểm sàn nộp hồ sơ của các trường này là 45. Sau nhiều lần trao đổi, chị ghi tên cho con vào danh sách dự phòng của trường THPT Tạ Quang Bửu (thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội) vì là một trong những người đăng ký sớm nhất.

Chị Oanh kể, không khí gia đình những ngày chờ điểm chuẩn trường công lập vô cùng căng thẳng. Bố mẹ dễ cáu gắt, con trai trốn trong phòng, bữa ăn không dám nhìn ai. Sau những cuộc điện thoại khóc nức nở khi được hỏi thăm chuyện thi cử của con, chị Oanh bỏ máy, không trả lời điện thoại nữa.

“Một ngày với tôi dài như một năm”, người mẹ kể và than phiền về việc Hà Nội năm nay chậm trễ thông báo điểm chuẩn. Thời gian từ lúc biết điểm thi tới khi công bố điểm trúng tuyển là một tuần, trong khi các năm trước chỉ 2-3 ngày.

Người mẹ động viên con trước kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Người mẹ động viên con trước kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành.

Giống chị Oanh, nhiều phụ huynh mất ăn mất ngủ vì điểm thi vào lớp 10 của con chỉ bằng hoặc thấp hơn điểm chuẩn năm trước của trường THPT công lập đăng ký nguyện vọng 1. “Không ai tự tin con mình đỗ. Cả tuần chúng tôi không làm được việc gì vì lo tính toán, lên phương án tìm trường cho con. Dù nuôi hy vọng con đỗ vào trường công, chúng tôi vẫn phải có phương án dự phòng, tìm chỗ ở trường ngoài công lập”, chị Hồng (quận Cầu Giấy) chia sẻ.

Theo quy định của một số trường THPT tư thục, chị Hồng phải nộp 4-6 triệu đồng để “giữ chỗ” cho con ở mỗi trường. Số tiền này, dù sau đó con chị không nhập học, cũng không được trường trả lại.

Tối 29/6, khi Hà Nội công bố điểm chuẩn của 110 trường công lập, chị Hồng, chị Oanh bật khóc thấy con đỗ nguyện vọng 1. Người mẹ than thở, nếu Hà Nội công bố sớm điểm chuẩn, phụ huynh sẽ đỡ “đau tim” và không mất tiền oan để giữ chỗ ở trường ngoài công lập.

Một đại diện của Sở Giáo dục Hà Nội cho biết, thời điểm công bố điểm thi vào lớp 10 sát lịch thi THPT quốc gia (25-27/6) nên lãnh đạo Sở chưa thể sắp xếp các cuộc họp để thống nhất điểm chuẩn. “Ngay sau khi kết thúc kỳ thi THPT quốc gia, chúng tôi đã họp bàn liên tục để công bố điểm chuẩn sớm hơn một ngày so với dự tính ban đầu”, đại diện này nói.

Về việc một số trường THPT tư thục không trả lại phí nộp hồ sơ và gây khó khăn trong việc rút hồ sơ của thí sinh, Sở Giáo dục Hà Nội đã ra công văn yêu cầu “thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh năm 2018-2019”. Công văn nhấn mạnh hiệu trưởng nhà trường phải phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực trong thời gian tuyển sinh đến hết ngày 15/7 (kể cả thứ bảy, chủ nhật) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tạo thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Học sinh trúng tuyển đã nộp hồ sơ vào trường, khi có nhu cầu được quyền rút hồ sơ, nhà trường phải tạo điều kiện.

Sở đồng thời chỉ đạo tất cả trường THPT công lập không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh hoặc cha mẹ kể cả bán hồ sơ. Các trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.

Đến ngày 2/7, một số THPT tư thục đã thông báo hoàn trả phí nộp hồ sơ cho phụ huynh, học sinh đã đăng ký vào, nhưng không nhập học.

*Tên nhân vật đã thay đổi.

Quỳnh Trang

Theo Vnexpress

Leave a Reply

Or