Phòng ngừa và điều trị ho do giao mùa ở trẻ

Thời tiết giao mùa với những thay đổi lớn về nhiệt độ, độ ẩm liên tiếp khiến trẻ dễ mắc phải các bệnh về đường hô hấp cùng các triệu chứng ho, ho khan, ho có đờm, đau họng, sổ mũi, và sốt…

Theo Bác sĩ CK2 – Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, bệnh về đường hô hấp chiếm phần lớn trong các bệnh mắc phải ở trẻ nhỏ. Bệnh hầu như xảy ra quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa lạnh hay mùa nắng nóng, hoặc trong giai đoạn giao mùa; lúc trẻ mới đi học lần đầu hay giai đoạn trẻ đang mọc răng hàm… Những cơn ho dai dẳng khiến trẻ mất ngủ, kém ăn, tiếng thở khò khè, hơi thở nặng nề… Để cải thiện điều này, bác sĩ Thanh đã giải đáp các thắc mắc và chia sẻ với bạn đọc những phương pháp giúp phòng ngừa và điều trị ho ở trẻ trong thời điểm giao mùa

Phòng ngừa và điều trị ho do giao mùa ở trẻ - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh – Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh (Bên phải)

Thưa bác sĩ, thời tiết khó chịu như thế này nên làm thế nào để bé luôn khỏe? Làm sao để bé không bị lây nhiễm các bệnh về hô hấp khi tiếp xúc với trẻ khác? Nên cho bé bổ sung thêm chất gì để có thêm sức đề kháng chống lại bệnh?

Khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ dễ bị nhiễm bệnh do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức đề kháng kém hơn. Các bệnh do siêu vi như Sởi, Quai bị, Viêm màng não, Tiêu chảy nhiễm trùng… cũng dễ lây lan hơn. Do đó nên tiêm chủng đầy đủ cho bé để đề phòng các bệnh, nhất là vào mùa nắng nóng.

Bên cạnh việc tiêm chủng đủ, trẻ cần được cho bú sữa mẹ càng sớm và càng lâu càng tốt vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể.

Với trẻ lớn hơn, cần lưu ý:

– Bé đi học nên mặc quần áo bằng cotton để dễ hấp thu mồ hôi, tránh bệnh ngoài da

– Đội mũ rộng vành khi ra nắng

– Cho bé uống nhiều nước, không uống nước đá

– Giữ vệ sinh thật tốt, tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với động vật

– Không ăn quà vặt lề đường

– Ăn nhiều trái cây

– Nếu chảy nước mũi, nên nhỏ nước muối sinh lý

– Khi bé ho, có thể uống sirô ho chiết xuất từ lá cây thảo dược.

Phòng ngừa và điều trị ho do giao mùa ở trẻ - Ảnh 2.

Vậy khi trẻ chẳng may mắc bệnh về hô hấp, các gia đình nên chăm sóc, điều trị như thế nào để đạt hiệu quả tốt nhất? Có nên cho trẻ dùng kháng sinh để mau khỏi bệnh hơn?

Nguyên nhân gây ra bệnh hô hấp ở trẻ đa số do siêu vi, khởi phát rất ít khi do vi khuẩn, do đó việc dùng kháng sinh ngay từ đầu không có lợi trong điều trị cho trẻ mà còn làm kéo dài thêm  thời gian dùng thuốc, có thể có tác dụng phụ. Chưa kể việc dùng kháng sinh không phù hợp làm trẻ có thêm trải nghiệm khó khăn khi dùng thuốc, tâm lý sợ thuốc đắng, thuốc hôi…

Cha mẹ nên lưu ý, ho là một phản xạ tự nhiên của cơ thể khi có dị vật kích thích đường thở như: khi bị viêm nhiễm, có đàm nhớt,… Ở trẻ, ho là một phản xạ để bảo vệ phổi, ít khi cần phải dùng thuốc. Nhưng khi ho do co thắt trong bệnh lý suyễn hay viêm thanh khí phế quản thì nên dùng thuốc ho có tính chất giãn phế quản sẽ giúp trẻ dễ thở hơn.

Trên thị trường hiện có rất nhiều thuốc ho. Các loại thuốc ho có tác dụng lên hệ thần kinh trung ương, làm ức chế cơn ho mà không điều trị tận gốc được nguyên nhân gây ho, không nên dùng cho trẻ nhỏ. Phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sỹ và dựa trên những tiêu chí sau đây để lựa chọn thuốc ho cho trẻ:

– Hiệu quả: thuốc có hiệu quả đã trải qua các nghiên cứu lâm sàng, chứng minh về cơ chế tác dụng.

– An toàn: thuốc có nghiên cứu lâm sàng chứng minh an toàn, đặc biệt là cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hiện nay các loại thuốc thảo dược được ưu tiên hơn vì tính an toàn để sử dụng lâu dài. Trong khi đó, 1 số thuốc ho, cảm tân dược được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nếu không được bác sĩ chỉ định.

– Ngoài ra, các gia đình nên lưu ý chọn loại thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm duyệt và được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Với trẻ nhỏ, nên chọn dạng thuốc lỏng như siro có mùi vị dễ uống…

Thưa bác sỹ, với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi hay bị cảm cúm, ho sốt lúc giao mùa thì có thể điều trị ở nhà không hay cần phải đến bệnh viện ạ?

Trẻ bị cảm cúm, ho, sốt vẫn có thể điều trị ở nhà. Có thể cho trẻ uống hạ sốt nếu nhiệt độ trên 38 độ C và rửa mũi cho trẻ. Khi trẻ ho cũng đừng quá lo lắng vì đó là phản xạ để bảo vệ phổi trẻ thường sẽ ho nhiều vào buổi tối và buổi sáng khi đàm nhớt ứ đọng ở mũi trẻ sẽ ho nhiều để tống ra khỏi phế quản. Tuy nhiên, khi trẻ ho nhiều, mất ngủ hoặc ho từng cơn, ho dai dẳng, có thể cho trẻ uống siro ho nguồn gốc thảo dược, có chỉ định dùng được cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để điều trị tận gốc nguyên nhân gây ho. Đưa trẻ đi khám nếu trẻ khó thở, bỏ ăn, nôn ói hoặc sau 2 ngày sốt không giảm.

 Theo afamily

Leave a Reply

Or