Phát hiện và định hướng tài năng của con

Mỗi đứa trẻ đều là một thiên tài. Và, mỗi thiên tài đều chỉ xuất chúng ở duy nhất một hoặc vài lĩnh vực nhất định nào đó. Là cha mẹ, bạn đã thật sự biết cách để “khai quật” và phát triển những điểm sáng tài năng của con mình hay chưa?

phat-hien-tai-nang-cua-con_1

Tìm hiểu các loại tài năng

Năm 1983, nhà tâm lý học Howard Gardner (GS ĐH Harvard) lần đầu tiên đã đưa ra lý thuyết đa thông minh. Lý thuyết đa thông minh chỉ ra rằng mỗi con người cụ thể có những khả năng thiên bẩm trong một hay một vài lĩnh vực khác nhau và được phân ra thành 8 dạng thông mình  cơ bản như sau:

1. Ngôn ngữ: Giỏi trong việc đọc, viết cũng như kể chuyện với cách dùng từ ngữ chính xác và đặc biệt, thường học rất tốt thông qua việc đọc sách, ghi chú, nghe giảng và thảo luận.

2. Logic – toán học: Giỏi trong các lý luận (ở bé con sẽ là trình độ “lý sự”), logic, trừu tượng và số học. Những người này có khả năng về toán học cao, nghiên cứu khoa học và điều tra. Khả năng này rất tương đồng với khái niệm chỉ số thông minh, IQ.

3. Hình ảnh – không gian: Những bé này có khả năng tưởng tượng về vật thể và không gian rất cao. Chơi trò xếp hình rất tốt. Các bé thường có trí nhớ hình ảnh tốt và có thiên hướng về nghệ thuật.

4. Âm nhạc: Rất nhạy với âm thanh, nhịp điệu và âm nhạc. Bé có khả năng hát, chơi nhạc và thậm chí là soạn nhạc. Những trẻ này có khả năng tiếp thu kiến thức tốt bằng việc lắng nghe cô giáo giảng bài.

5. Cảm xúc vận động: Loại thông minh này giúp bé tiếp thu kiến thức tốt khi làm trực tiếp hoặc thông qua các hoạt động thể chất, thay vì đọc hay nghe hướng dẫn. Trẻ cũng rất giỏi trong các môn thể thao.

6. Quan hệ giao tiếp: Rất giỏi và thích giao tiếp với người khác. Về mặt lý thuyết, những trẻ có loại hình thông minh này cao thường là hướng ngoại. Bé thường học rất tốt thông qua thảo luận nhóm hoặc tranh luận.

7. Nội tâm: Những trẻ có khả năng thông minh này thường là hướng nội, thích làm việc một mình. Bé thường nhận thức về khả năng cũng như là cảm xúc, mục tiêu và động lực bản thân rất tốt. Bé cũng học rất tốt khi tự tìm hiểu về lĩnh vực đó một mình.

8. Tự nhiên: Những trẻ có trí thông minh này có khả năng rất cao trong việc cảm nhận môi trường xung quanh cũng như môi trường tự nhiên. Bé thích thú trong việc chăm sóc cây cảnh hay thú nuôi. Bé cũng thường nhận biết được những thay đổi nhỏ trong môi trường xung quanh và có khả năng nhận biết sự thay đổi của thời tiết.

Phát triển tài năng của bé như thế nào?

Để phát hiện và phát triển tài năng của con, các bậc cha mẹ cần chú ý làm theo những nguyên tắc sau:

1.  Quan sát khi con chơi: Trẻ con thường bày tỏ cảm xúc yêu ghét rất rõ ràng, đặc biệt trong những lúc chơi đùa. Trẻ càng nhỏ thì sự thể hiện hai thái cực tình cảm này càng rõ nét. Bạn hãy để tâm quan sát xem con có sự đáp ứng hào hứng đối với những hoạt động vui chơi nào? Bé thích đối đáp, thích vẽ tranh, hứng thú với việc đếm số và cộng toán, thường hay hát theo ca sĩ hay bé chỉ thích chơi một mình? Riêng đối với những trẻ đặc biệt thích chơi một mình, cha mẹ cũng cần lưu tâm tìm hiểu để phòng ngừa tình trạng trẻ bị tự kỷ.

2.  Khuyến khích con thử nhiều loại đồ chơi: Chỉ khi bạn cho bé thử càng nhiều hoạt động vui chơi thì bạn và con mới có khả năng phát hiện ra những loại hình chơi đùa nào mà bé thích nhất. Một điều mà mẹ cần hết sức lưu ý, đây là tài năng của con, khả năng của con, chứ hoàn toàn không phải là tài năng mà cha mẹ đang mong muốn con mình sẽ có. Do bé yêu còn nhỏ và chưa thể có định hướng rõ ràng, cha mẹ chỉ nên là người gợi mở và hướng dẫn (khi cần thiết) chứ quyền quyết định mô hình nào đó có phù hợp với con hay không thì vẫn nên thuộc về con trẻ. Chẳng hạn, nếu bạn nghĩ bé có khả năng về âm nhạc. Hãy khuyến khích con tham gia lớp học piano trong vòng 6 tháng. Sau đó, nếu hoạt động âm nhạc này không tạo nên sự hứng khởi lâu dài nơi bé con thì tốt nhất bạn nên tôn trọng quyết định của bé.

Một lời động viên đúng lúc có sức mạnh thúc đẩy tài năng của bé nhiều hơn bạn tưởng đấy.

Một lời động viên đúng lúc có sức mạnh thúc đẩy tài năng của bé nhiều hơn bạn tưởng đấy.

3.  Khuyến khích trẻ thể hiện: Khi con đã tìm ra được một niềm đam mê hoặc đơn giản chỉ là niềm vui nào đó trong những việc bé làm, hãy không ngừng khuyến khích trẻ phát triển và lan rộng kết quả của loại hình đó. Ví dụ, bé thích kể chuyện mỗi khi đi học về, cha mẹ hãy là những thính giả trung thành của con vì biết đâu sau  này nhà bạn sẽ có thêm một MC nổi tiếng. Hoặc giả, nhóc tì của bạn có khả năng vẽ liên tục và không hề thấy mệt mỏi (dù cho nét vẽ của bé vẫn còn ngô nghê và đơn giản). Cha mẹ hãy luôn là người tò mò và khuyến khích con giải thích thêm về ý nghĩa của những bức hoạ cũng như trân trọng và giúp con lưu giữ lại hết những tác phẩm ấu thơ này. Ai mà biết được một ngày nào đó chúng ta sẽ có được một Picasso của Việt Nam từ những nét vẽ ban sơ.

Bạn có biết rằng mỗi bé khi sinh ra đều có đủ 100 tỷ tế bào thần kinh như nhau. Do đó, việc bé con nhà bạn có phát huy được sức mạnh trí não của cả 100 tỷ tế bào này hay không là tuỳ thuộc một phần vào sự phát hiện và định hướng đúng của chính bạn đó. Chúc bạn luôn rạng ngời tự hào mỗi khi con mình tự tin thể hiện tài năng của bé.

Theo Babymarry

2 thoughts on “Phát hiện và định hướng tài năng của con

Leave a Reply

Or