Phạt con nói dối, con nói dối giỏi hơn!

Phạt trẻ nhỏ vì tội nói dối chỉ dạy con nói dối tốt hơn, các nhà tâm lý học khẳng định. Vậy cha mẹ có thể dạy con nói thật bằng cách nào?

 

20120221-134445-1-8b8Day-con-noi-xin-loi

Phạt con nói dối (Ảnh minh họa: Internet)

Sau khi nghiên cứu về hành vi nói dối và nói sự thật của trẻ nhỏ, các nhà khoa học đã nhận ra rằng các bậc phụ huynh thường không thể biết khi nào con nói dối.

Do đó, các chuyên gia cho rằng tốt hơn hết bạn nên sử dụng một chiến thuật khác: thay vì cố gắng nhận ra lúc con nói dối, hãy giúp con cảm thấy dễ dàng hơn khi nói cho bạn biết sự thật.

“Phạt trẻ nhỏ vì tội nói dối chỉ dạy con nói dối tốt hơn”, nhà tâm lý học Laura Markham, tác giả của cuốn sách “Peaceful Parent, Happy Kids” cho biết.Tốt nhất, bạn hãy giúp con cảm thấy dễ dàng nói cho bạn biết sự thật từ khi con còn nhỏ.Tuy nhiên, nếu con bạn đã ở độ tuổi thanh thiếu niên, vẫn chưa muộn để cho con thấy rằng con có thể thành thật với bố mẹ.

“Có thể phải mất một năm liên tục thay đổi cách bạn phản ứng với những lời nói dối, vậy mới giúp con tin tưởng bạn để nói sự thật”, bác sĩ chuyên khoa Joe Broome ở Washington (Mỹ) giải thích.

Để bắt đầu xây dựng lại mối quan hệ giữa bố mẹ với con, bạn cần tuân thủ những điều sau:

Dành thời gian với con bạn mỗi ngày

Hãy chia sẻ những sự kiện trong ngày với con, dù đó chỉ là những việc nhỏ nhặt. Theo Markham, bạn nên cùng con tham gia những hoạt động mà chúng ưa thích, ví dụ như sơn móng tay hoặc chơi điện tử.

day-con-giaoduc.net.vn

Dành thời gian nói chuyện với con (ảnh minh họa)

Chuẩn bị sẵn sàng cho “bài kiểm tra phản ứng” con dành cho bạn

“Con sẽ không tâm sự với bạn ngay lập tức”, Markham cho biết. “Con có thể kể với bạn rằng bạn Robbie đang gặp vấn đề nào đó. Chuyện của Robbie chỉ là một bài kiểm tra. Nếu bạn không nhận ra và nói những câu như “Bố mẹ Robbie có biết chuyện này không?”, con sẽ không bao giờ nói sự thật một lần nữa. Ngược lại, nếu bạn nói “Robbie hẳn phải rất lo lắng. Mẹ tự hỏi không biết cậu ta thực sự cảm thấy như thế nào”, đó chính là hành động khuyến khích con tâm sự nhiều hơn.

Không phản ứng thái quá.

Khi con bạn kể cho bạn nghe một điều gì đó khiến bạn tức giận, hãy cố kiềm chế và hít thở. “Khi con bạn bắt đầu tin tưởng và tâm sự với bạn, việc điều chỉnh cảm xúc của bạn trở nên vô cùng quan trọng”, Markham cho biết. Điều này không có nghĩa là con không phải gánh chịu hậu quả của hành động sai trái. Bạn cần phải xác định rõ ràng cho con rằng bạn sẽ phản ứng như thế nào nếu con nói dối và bạn đánh giá cao sự trung thực đến mức nào. Dĩ nhiên, sau đó bạn sẽ phải tuân thủ những nguyên tắc mà mình đã đề ra.

Giúp con giải quyết vấn đề

Thay vì nói cho con những điều bạn nghĩ về điều con vừa kể, hãy hỏi xem con nghĩ gì. Theo Markham, “nếu con kể cho bạn về việc những đứa trẻ khác đang uống rượu và lái xe, bạn sẽ rất dễ mất kiểm soát. Nếu bạn quát rằng “Không được làm những hành động đó”, cuộc nói chuyện sẽ chấm dứt tại đây. Thay vào đó, bạn có thể nói những câu như “Có lẽ con cảm thấy rất khó khăn và sợ hãi khi một ai đó uống rượu lại muốn mời con ngồi vào xe. Vậy chúng ta có thể làm gì để tình huống đó không xảy ra?”. Nếu con bạn nhận thấy những lời khuyên của bạn hữu ích, chúng sẽ luôn tin tưởng tâm sự và chia sẻ với bạn mọi vấn đề.

Bậc cha mẹ nào cũng muốn có được một “viên đạn bạc” để ứng phó với những lời nói dối. Tuy nhiên, không có “viên đạn bạc” nào thực sự tồn tại, cũng như không có cách nào để phát hiện hoàn toàn những lời nói dối. “Tất cả đều xoay quanh việc xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng”, Broome kết luận. “Các bậc phụ huynh phải là những người đi đầu trong việc đó”.

 

theo: mecon

One thought on “Phạt con nói dối, con nói dối giỏi hơn!

Leave a Reply

Or