Nỗi ám ảnh của mẹ 9X sinh mổ, bị tác dụng phụ của thuốc gây tê

Em bé vừa được lôi ra ngoài, vẫn còn nằm trên bàn mổ, Phương bị tác dụng phụ của thuốc gây tê nên “giật đùng đùng”.

Phải sinh mổ chủ động khi mang thai 39 tuần 3 ngày, trải nghiệm về lần đầu làm mẹ của Hà Phương, một bà mẹ trẻ ở Hà Nội, thật chẳng dễ dàng và vẫn nhớ như in cảm giác như “chưa bao giờ đau đến thế”.

Nằm trên bàn mổ chỉ… sợ chết

Phương kể: “Lúc chuẩn bị vào mổ, ở phòng cách ly theo dõi tim thai em bé, mình thỏ thẻ hỏi anh bác sĩ: ‘Anh ơi, mổ đẻ có đau không? Anh ý thật thà bảo: ‘Đau em ạ’. Rồi, ok, cảm thấy bỗng dưng hèn đi 10 lần. Lại hỏi: ‘Anh ơi, tiêm tê vào tuỷ sống có đau không? Anh ý trả lời: “Như em đi tiêm thôi ý, như bị chích ý, tiêm vào một cái là em thấy chân em nặng nặng, bác sĩ làm gì em cũng biết nhưng sẽ không đau đâu! Rồi, cảm thấy được an ủi và lấy lại mấy phần công lực”.

Sau cuộc nói chuyện đó, bà mẹ trẻ tưởng như đã có thể thở phào nhưng khi được đẩy vào phòng phẫu thuật, nhìn thấy hai sản phụ khác trong tình trạng nude 100% nằm cong như con tôm đợi gây tê thì Phương lại phải đối diện với những khó khăn khác mà bắt đầu là “gây tê tủy sống”. Cảm giác của Phương khi ấy là: “Đau, vừa đau còn vừa sợ. Phải có một phụ mổ lấy 2 tay co người mình lại và giữ cho mình bình tĩnh. Tiêm dọc cột sống chắc tầm 6-7 mũi gì đấy xong thấy luồn luồn dán dán gì vào cột sống (lúc sau mới biết là chai truyền giảm đau)”.

noi-am-anh-cua-me-9x-sinh-mo-bi-tac-dung-phu-cua-thuoc-gay-te

Bụng của Hà Phương bị rạn khá nhiều trong lần mang bầu đầu tiên.

Thời gian tiêm xong không lâu, chỉ khoảng 10 giây – Phương áng chừng, cô đã bị lật ngửa, sát trùng từ bụng xuống đùi, chắn khăn trắng trước mặt và mổ. “Bắt đầu mổ sẽ cảm giác một đường rạch, sau đó những lực rút để kéo đứa con ra, cái cảm giác nó ghê khó tả lắm, kiểu ai rút gì trong người mình ra bằng lực rất mạnh, phụ mổ lấy cánh tay ép vào bụng mình để đẩy em bé. Nói chung từ lúc gây tê xong thì đúng một phút là em bé ra đời”, bà mẹ 9X chia sẻ.

Em bé vừa được lôi ra ngoài, vẫn còn nằm trên bàn mổ, Phương bị tác dụng phụ của thuốc gây tê nên “giật đùng đùng” tay và thân trên, hai hàm răng va lập cập vào nhau, líu lưỡi không nói được. Bây giờ nhớ lại, Phương bảo: “Lúc ý thề là sợ chết. Cứ dán mắt vào máy đo nhịp tim bên cạnh…”. Sau đó, cô được tiêm một mũi để “giảm run” nhưng chỉ đỡ được khoảng 2 phút rồi lại run nhiều hơn. Và đến khi ra phòng hậu phẫu thì cô phải chịu thêm cả “ngứa”.

“Ngứa như chưa bao giờ được ngứa. Tay run vẫn gãi khắp mặt, khắp ngực, răng vẫn lập cập vào nhau, rung cả giường cả chai truyền. Đầu ngón tay, móng tay tím dần lại… Mình nhìn khắp phòng chẳng thấy ai bị run như thế cả. Gây mê hay gây tê chết người là chuyện vẫn xảy ra, chẳng qua là số ít – là con của hai bác sĩ, mình càng hiểu nên càng sợ. Đúng 2 tiếng sau thì hết run, đầu ngón tay, móng tay dần dần bớt tím”, Hà Phương kể lại.

Vô vàn nỗi đau sau đẻ mổ

Cả đêm hôm mổ đẻ, Hà Phương không tài nào ngủ được. Cô thấy sản phụ bên cạnh dậy đi vệ sinh mà nể lắm vì “thật là đau dã man, ngồi dậy đi lại được sau có 12 tiếng sinh con là một kỳ tích”. Đến 7h sáng ngày hôm sau, khi đã tháo ống thông tiểu ra, Phương được y tá yêu cầu đi tiểu nhưng chuyện này cũng chẳng dễ dàng gì. Bà mẹ trẻ nói với y tá: “Chị ơi, em chưa đi tiểu được” thì nhận được lời giải thích: “Chị phải đi đi, không bàng quang chèn lên tử cung là bục vết mổ đấy”.

Nghe thấy vậy, Hà Phương rất sợ nên “đau đến mấy cũng cố mà ngồi dậy, nhờ mẹ cầm theo chai truyền đặt ở cột sống để đi vệ sinh. Nói chung là đau, rất đau, nhưng trong 24 tiếng sau mổ phải đi lại để không bị dính ruột, dù có đau cũng phải cố mà đi”.

Mỗi ngày, Phương được truyền 2 chai kháng sinh, tiêm thêm 2 mũi kháng sinh nữa nên “lắm lúc đi vệ sinh, một chai kháng sinh nhờ mẹ cầm hộ, một chai truyền giảm đau đeo chéo lên cổm dây dợ lằng nhằng khắp người”.

noi-am-anh-cua-me-9x-sinh-mo-bi-tac-dung-phu-cua-thuoc-gay-te-1

“Phần thưởng” cho bà mẹ trẻ chính là bé Đậu Đậu đáng yêu.

Sau khi ra viện, bà mẹ trẻ vẫn nhúc nhích đi lại được, ngày thứ 3 đã bế con nhưng khi ngồi dậy hay đứng lên thì phải có người giúp. Đến ngày thứ 4-5, cô cố gắng xoay xở loay hoay một lúc thì cũng tự ngồi dậy được. “Nhưng vết mổ thì tất nhiên rất đau, lưng chỗ gây tê cũng đau kinh khủng. Bạn cứ tưởng tượng vết mổ gồm 3 lớp: Người ta khâu tử cung – sau đó khâu cơ bụng – và cuối cùng mới là lớp da thịt bụng ngoài cùng đó! Chứ không phải khâu đơn giản nhẹ nhàng đâu nên cứ xác định là đau đi. Xoay người còn chảy nước mắt.

Nhất là những cơn co tử cung thì cảm thấy đau thắt cả người, cả bụng, cả xương sườn vào. Tử cung người ta đẻ thường co bóp đã đau, đây tử cung chằng chịt vết khâu mà co bóp thì mọi người cũng có thể tưởng tượng ra được đấy”, bà mẹ một con viết trên trang cá nhân của mình.

Cuối cùng, sau một hành trình vất vả để sinh bé Đậu Đậu nên dù vẫn biết làm mẹ là thiên chức thiêng liêng và phụ nữ ai cũng mong có con nhưng Hà Phương vẫn thẳng thẳn nói rằng: “Không biết đẻ thường như nào nhưng đẻ một đứa xong mình thấy chột cả đẻ. Nói chung là sợ đẻ… Phải là người chịu đựng đau đớn, nguy hiểm tính mạng mới hiểu. Đau như nào phải trải qua rồi mới thấm”.

 Theo ngoisao

Leave a Reply

Or