Những vấn đề cân nặng của bé mẹ cần lưu ý

Vấn đề cân nặng, chiều cao của bé luôn được mẹ rất quan tâm. Cân nặng của bé chịu ảnh hưởng từ di truyền, sức khỏe và dinh dưỡng của mẹ trong thời kỳ mang thai. Nhưng theo các chuyên gia về dinh dưỡng và sức khỏe nhi khoa, cân nặng của bé lúc mới sinh không phải là điều quan trọng nhất. Sự phát triển và mức độ lên cân của bé theo từng giai đoạn tăng trưởng sau này mới là điều đáng quan tâm hơn.

Dưới đây là những vấn đề về cân nặng của bé mẹ cần lưu ý nhé.

Vấn đề cân nặng, chiều cao của bé luôn được mẹ rất quan tâm. Ảnh: Internet

Bé giảm cân sau khi sinh, đừng lo lắng

Từ lúc mới chào đời, tất cả các bé đều giảm cân sinh lý, đây là điều bình thường. Lý do chính là do việc giảm lượng nước trong cơ thể bé (vốn có trong cơ thể bé khi còn trong bụng mẹ). Lượng nước này mất đi qua nước tiểu và phân su. Ngoài ra, do bé phải có thời gian làm quen với cách hấp thụ dinh dưỡng mới, theo đường từ ngoài vào chứ không thông qua nhau thai truyền từ mẹ sang như trước đây. Nhiều em bé sụt cân đến 10% trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, bé sẽ tăng cân trở lại sau 10 ngày tuổi.

Mốc phát triển cân nặng của một đứa trẻ sinh đủ tháng

Cân nặng bình thường của một trẻ mới sinh khoảng 3000 – 3500g. Nếu bé có cân nặng <2500g, mà sinh đủ tháng, thì là trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai, còn sinh thiếu tháng thì gọi là bé sinh non.

Tuần thứ nhất bé có thể sụt cân sinh lý từ 5 – 10% cân nặng. Từ tuần thứ 2 bé bắt đầu tăng cân nhanh.

Trung bình 3 tháng đầu, bé tăng từ 1000 – 1200g/tháng, từ 3 – 6 tháng tăng khoảng 600g/tháng, từ 6 – 12 tháng tăng 300 – 400g/tháng. Trên 1 tuổi đến 10 tuổi bé tăng trung bình 2 – 2,5 kg/năm.

Các mốc cân nặng chính của bé

10 – 14 ngày tuổi: Phục hồi cân nặng lúc sinh.

5 – 6 tháng tuổi: gấp đôi cân nặng lúc sinh.

1 tuổi: Gấp ba cân nặng lúc sinh.

Mẹ thường xuyên theo dõi và dựa vào các mốc cân nặng này để xem mẹ đã cho bé ăn đủ và đúng cách chưa, bé nhà mình có phát triển bình thường hay không.

Cân bé như thế nào cho đúng

Cân ít nhất 1 lần/tuần trong khoảng từ 6 – 8 tuần đầu tiên, sau đó có thể giảm xuống còn 1 -2 lần/tháng cho đến khi con được 4 tháng. Từ 5 tháng đến 2 tuổi, cho bé cân 1 lần/tháng. Ở độ tuổi mẫu giáo, trẻ cần được theo dõi cân nặng mỗi tháng để biết cơ thể có phát triển tốt hay không. Mẹ nên cân bé vào một ngày nhất định trong tháng (có thể chọn ngày bé chào đời) rồi vẽ ra “con đường sức khỏe” để tiện theo dõi.

Để biết cân nặng của bé đã đạt chuẩn hay chưa, mẹ có thể tính cân nặng của bé theo độ tuổi bằng công thức sau đây:

Công thức tính cân nặng bé trai

X = 9.5kg + 2(N-1)

Trong đó: 9.5kg là cân nặng trung bình lúc 1 tuổi, 2 là số cân nặng tăng trung bình 1 năm, N là số tuổi. Ví dụ, nếu con bạn 3 tuổi, ta tính như sau:

X = 9.5kg + 2(3-1) = 13,5kg. Vậy cân nặng của bé trai 3 tuổi trung bình là 13,5kg.

Công thức tính cân nặng bé gái

X = 9kg + 2(N-1)

Trong đó N là số tuổi.

Ví dụ: Bé gái nhà bạn 3 tuổi ta tính như sau:

X = 9kg + 2(3-1) = 13kg.

Vậy cân nặng trung bình của bé gái 3 tuổi là 13kg.

Bí quyết đảm bảo cân nặng lý tưởng cho bé

Cân bằng dinh dưỡng bằng một thực đơn đa dạng cho bé. Từ 6 tháng, bé bắt đầu ăn dặm, bạn phải tập cho bé quen dần với thức ăn đặc, làm quen với thức ăn giống của người lớn. Ở tuổi mẫu giáo, bé cần có một chế độ ăn đa dạng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ thể. Chế độ ăn đa dạng là một chế độ ăn trong đó mỗi bữa ăn có đầy đủ các nhóm thực phẩm quan trọng. Chẳng hạn như các bữa ăn hàng ngày cùng với các bữa phụ sẽ đảm bảo được nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của cơ thể trong từng giai đoạn, mà không phải áp dụng thêm chế độ ăn đặc biệt nào.

Vì vậy, nếu bé nhà bạn ăn 3 bữa 1 ngày và có từ 3 – 4 bữa phụ, với các thực phẩm như hoa quả tươi, rau xanh, ngũ cốc, các thực phẩm chứa tinh bột như bánh mì, cơm, mì, thịt cá, trứng, các loại hạt, đậu đỗ, sữa, sữa chua, phô mai và các chế phẩm khác thì bạn có thể an tâm rằng ngay cả khi bé bỏ một bữa hay thậm chí là bỏ ăn cả ngày thì dinh dưỡng trong cả tuần hay cả tháng vẫn đáp ứng được nhu cầu cửa cơ thể bé.

Khuyến khích bé vận động

Mẹ cũng cần tạo điều kiện cho bé chơi, vận động ngoài trời ít nhất 30 phút mỗi ngày. Sẽ chẳng có bé nào đến bữa lại không đói, đến giấc lại không ngủ nếu bé được vận động đầy đủ. Ăn được ngủ được chắc chắn sẽ lên cân đều đặn.

Chăm sóc giấc ngủ cho bé

Hãy tạo cho bé một thói quen tốt như đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc, có ngủ trưa vì chính giấc ngủ sẽ giúp cho trẻ nghỉ ngơi lấy lại sức sau khi đã chơi, đùa nghịch cả ngày. Giấc ngủ sẽ đảm bảo cho bé của mẹ được khỏe mạnh và cân nặng cũng sẽ được cải thiện hơn.

 Theo ebe

Leave a Reply

Or