Những trường hợp mẹ khiến con yêu mất ngủ

 Một số bà mẹ thường than phiền rằng con không chịu ngủ đêm nhưng lại không biết rằng mình chính là nguyên nhân.

1. Nơi ngủ thiếu an toàn

Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh chỉ cần đặt ở một môi trường xa lạ thì ít nhiều đều xuất hiện một sự sợ hãi nhất định. Thiếu cảm giác an toàn chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mất ngủ, khó ngủ.

Đối với những em bé như vậy, mẹ nên để con ngủ trong một không gian tương đối nhỏ, chẳng hạn như nôi hay xe đẩy. Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý cho bé ngủ giường cố định, sử dụng một bộ ga gối cố định, hướng nằm đồng nhất và nghe những bản nhạc quen thuộc.

con mất ngủ vì mẹ

2. Quá yên tĩnh

Một số gia đình sợ làm xáo trộn giấc ngủ của trẻ, nghĩ trẻ sợ âm thanh nên cố gắng không gây bất cứ một tiếng động nào khi con ngủ. Việc trao đổi của bố mẹ cũng chỉ qua cử chỉ, ánh mắt và đi lại thì “nói khẽ cười duyên”. Tuy nhiên, cách làm này lại hoàn toàn phản tác dụng. Lớn lên trong một môi trường quá yên tĩnh sẽ khiến em bé trở nên vô cùng nhạy cảm với âm thanh và chỉ cần một tiếng dộng nhỏ là có thể thức giấc. Chính vì vậy, ngay từ khi sinh ra, cha mẹ không nên cố tình sắp xếp để con ngủ trong môi trường hoàn toàn không tiếng động.

3. Ham nước xả thơm

Sử dụng nước xả thơm có mùi quá nồng cho chăn, mền, quần áo của bé sẽ khiến cho bé không ngủ được, ngủ hay giật mình và quấy khóc, bởi mũi của bé khá nhạy cảm với mùi hương. Hãy chọn những loại nước xả mùi nhẹ nhàng hơn hoặc ngừng dùng nước xả đối với đồ của bé.

4. Ôm con ru ngủ quá lâu

Cứ mỗi khi ru được con ngủ, vừa đặt xuống giường là bé lại choàng tỉnh – đó là tình cảnh trớ trêu mà rất nhiều cha mẹ gặp phải. Lý do là bởi ôm con quá lâu trên tay mẹ đã vô tình khiến bé trở nên phụ thuộc vào vòng tay mẹ. Theo thời gian, việc đặt con xuống giường sẽ ngày càng khó khăn hơn. Giải pháp để hoá giải tình thế là mẹ nên chịu khó chấp nhận buông con xuống giường vào chính xác một khoảng thời gian nhất định, thường khoảng 5-10 phút trên tay để bé dần quen.

5. Rung con khi ru con ngủ 

Không thể phủ nhận rằng những hành động rung lắc như thế này khiến bé được thư thái dễ chịu đi vào giấc ngủ, tuy nhiên điều này lại vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng của bé. Hành động này khiến não của bé dễ bị tổn thương.

Hầu hết trẻ sơ sinh đều thích được cha mẹ bế khi ngủ, điều này giúp bé có cảm giác an toàn khi ngủ. Thế nhưng, nó lại là điều kiện để trẻ sinh có thói quen ỷ lại vào cha mẹ. Khi còn nhỏ, trẻ sẽ quấy khóc và không chịu ngủ khi cha mẹ cho trẻ nằm giường. Khi bé lớn hơn, cha mẹ khó lòng thay đổi ‘sở thích’ được bế và đu đưa nhẹ nhàng trước khi ngủ của bé. Vì vậy, mẹ nên rèn cho bé tính tự lập khi ngủ và thói quen ngủ trên giường.

6. Trẻ đã phải chịu đựng những cú sốc vào ban ngày

Hệ thống thần kinh của em bé tương đối yếu. Nếu ban ngày trẻ bị sợ hãi, bị quát hay mắng thì ban đêm sẽ trở nên khó ngủ. Đối với trường hợp nhẹ, mẹ chỉ cần đánh thức bé dậy, tạo cho trẻ cảm giác bình yên, nhẹ nhàng, thoải mái thì chỉ 1,2 ngày là con sẽ trở lại bình thường. Trong trường hợp bé phải chịu những tổn thương tâm lý nghiêm trọng thì mẹ cần đưa con đến bệnh viện kiểm tra và có thể còn phải uống một số loại thuốc an thần đặc biệt theo đơn dành cho trẻ nhỏ.

con mất ngủ vì mẹ

7. Quá nhiều sự chú ý đổ dồn vào trẻ

Trẻ sơ sinh ngay từ nhỏ đã rất nhạy cảm và đủ tỉnh táo để cảm nhận được những đôi mắt của mọi người nhìn vào mình. Nếu ai đó cứ nhìn con chăm chăm thì bé sẽ khó có thể tiếp tục giấc ngủ.

8. Cho con ăn vào ban đêm

Đang đêm, nhiều bé bị mẹ lay dậy để cho bú, làm bé tỉnh giấc khi đang say ngủ. Thói quen này khi đã được hình thành sẽ khiến bé quen giấc, sau này khi cai sữa rồi, bé vẫn giữ thói quen tỉnh dậy giữa đêm để ăn.

Để khắc phục thói quen này, bạn chỉ nên cho con bú đêm khi bé khóc đòi và sau khi bú xong thì để bé tự ngủ lại chứ không nên bế ẵm con ru ngủ, bé sẽ bị lệ thuộc vào hành động đó của cha mẹ.

Bạn nên biết rằng, với trẻ sẽ có 2 trạng thái ngủ là : ngủ sâu và ngủ nông. Đối với trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, tỷ lệ giữa giấc ngủ sâu và ngủ nông là 50/50 và 2 trạng thái này thường đan xen nhau. Lúc ngủ sâu, bé hoàn toàn thả lỏng cơ thể nghỉ ngơi, không có bất kì hoạt động nào khác ngoài việc đôi khi khẽ giật mình hay khẽ nhếch miệng. Khi ngủ nông, tay, chân và cả cơ thể bé sẽ vẫn động đậy, trên mặt bé vẫn có những biểu hiện như nhíu mày, mỉm cười….

Vì thế, nếu bé có động đậy, hay chỉ giật mình nhẹ thì cha mẹ đừng vội vỗ nhẹ, bế bé hoặc cho bé bú ngay mà nên quan sát một lúc xem bé có ngủ tiếp hay không. Chỉ khi bé bật khóc hoặc cử động mạnh thì lúc đó cha mẹ mới nên bế bé lên dỗ dành và cho bú.

9. Bị bắt ép đi ngủ

Khi con chưa muốn ngủ mà bố mẹ càng cố gắng ru con, bắt trẻ ngủ thì thường không bao giờ hiệu quả. Người lớn chúng ta cũng vậy, khi chúng ta thức đến một thời điểm nhất định và bỗng thấy buồn ngủ thì sẽ đi vào giấc ngủ rất nhanh. Vậy nhưng nếu chưa buồn ngủ mà cứ cố ép bản thân thì chúng ta sẽ lại càng trằn trọc khó ngủ hơn. Khi trẻ chưa buồn ngủ, mẹ hãy cứ để con chơi thoải mái và đừng tạo sức ép cho bé. Đến thời điểm con sẽ mệt, tự ngủ và ngủ nhanh, ngủ sâu.

 

 

theo: phunutoday

Leave a Reply

Or