Những sai lầm của nhiều bà mẹ hay mắc phải khi cho trẻ ăn

Theo các chuyên gia, khẩu phần ăn đóng vai trò quan trọng và liên quan chặt chẽ với sức khỏe con người. Đối với trẻ em, ăn uống không chỉ tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và sức khỏe mà còn gián tiếp tác động đến khả năng tiếp thu và thành tích học tập của trẻ. Vì thế, cha mẹ cần biết những sai lầm khi cho con ăn để tránh những bệnh tật đáng tiếc xảy ra đối với trẻ.

Không phải bà mẹ nào cũng có đầy đủ kiến thức và hiểu biết để  nuôi con một cách khoa học, giúp bé phát triển tối đa về cả thể chất và tinh thần. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong quá trình nuôi con, rất nhiều bà mẹ lúng túng, thậm chí nhiều bậc cha mẹ mắc phải không ít sai lầm khi nuôi con nhỏ. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng hoặc béo phì.

Các chuyên gia dinh dưỡng khẳng định, chế độ ăn uống lệch lạc dù thiếu hay thừa đều dẫn đến hậu quả  như: Suy dinh dưỡng, béo phì. Nếu cho bé ăn quá nhiều thịt, cá, trứng, sữa…. lâu dần sẽ khiến cơ thể bé  dư thừa protein dẫn đến béo phì hoặc nhiều bệnh khác.

Sai lầm khi cho trẻ ăn dẫn đến trẻ thấp còi hoặc béo phì

Theo các chuyên gia sự lo lắng thái quá đôi khi khiến các ông bố bà mẹ dễ mắc sai lầm khi chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ. Và nghiêm trọng nếu các bậc phụ huynh không nhận thức rõ những sai lầm của mình, từ đó khiến tình trạng biếng ăn ở trẻ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Chia sẻ tại buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề ” Những sai lầm hay mắc phải khi cho trẻ ăn” trên Suckhoedoisong.vn, PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, khẩu phần ăn sẽ ảnh hưởng dinh dưỡng cho bé, chính vì vậy, phụ huynh cần hiểu con mình cần gì, nhu cầu thay đổi theo giới, theo tuổi, theo từng bé. Những sai lầm mà một số cha mẹ mắc phải thì rất nhiều, ví dụ như em bé 6 tháng tuổi, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trẻ nên bắt đầu ăn dặm, vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển khá hoàn chỉnh nên có thể hấp thu những thức ăn phức tạp hơn so với sữa mẹ, trẻ thật sự cần những thức ăn bổ sung để cơ thể phát triển khỏe mạnh vì nguồn sữa mẹ sau 6 tháng đã không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của trẻ nữa. Tuy  nhiên nhiều cha mẹ cho rằng cho trẻ ăn dặm sớm giúp trẻ cứng cáp hơn- đây là một sai lầm hoàn toàn, thậm chí có bà mẹ còn cho trẻ ăn liền 3 bữa bột/ ngày.

nhung-sai-lam-cua-nhieu-ba-me-hay-mac-phai-khi-cho-tre-an-1

PGS.TS Lê Bạch Mai – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Theo PGS Mai, ở giai đoạn 6 tháng tuổi khi trẻ mới ăn dặm nên cho trẻ ăn từ từ, ít một rồi tăng dần lên 200ml mỗi bữa, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Mỗi lần chỉ cho một loại thức ăn mới. Loại thức ăn nào khi bắt đầu cho bé ăn cũng cho ăn ít một sau đó ăn tăng dần. Không nên bắt ép trẻ ăn đủ số lượng nhiều từ ban đầu và không nên lo lắng khi trẻ chưa chịu ăn.  Và từ 7-8,9 tháng tuổi bé mới cần 2 bữa bột cho đến 9 tháng trở lên mới cần ăn 3 bữa bột / ngày.

Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung Ương cũng cho biết, với trẻ từ 4-6 tháng tuổi là bắt đầu mọc răng nên khi cho bé ăn dặm quá sớm điều này không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ, bởi như vậy sẽ làm tăng nguy cơ ăn không tiêu, đi ngoài phân sống và một số bệnh lý liên quan đến rối loạn tiêu hóa. Nếu cho trẻ ăn dặm quá muộn  cũng không tốt ,  vì lúc này đường tiêu hóa bắt đầu thay đổi bắt đầu xuất hiện răng cửa, các răng mọc dần lên. Sau 6 tháng các enzym trên đường tiêu hóa tiết ra các chất tiêu hóa tiết nhiều hơn để tiêu hóa được protein có tính chất thô hơn nếu cha mẹ không cho trẻ ăn dặm, sẽ ảnh hưởng đến vị giác của trẻ. Ngoài ra, hệ tiêu hóa trẻ em không như người lớn, khi bé ăn  dặm các thức ăn bổ sung sẽ giúp cho sự phát triển của hệ vi sinh đường ruột thay đổi, kích thích  hệ miễn dịch trên đường ruột của bé sẽ tốt hơn.

nhung-sai-lam-cua-nhieu-ba-me-hay-mac-phai-khi-cho-tre-an-2

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà – Trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Trung Ương .

Cũng theo BS Hà, nếu cha mẹ ép trẻ ăn trong khi bé không có nhu cầu, trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến tiêu hóa và tâm lý. Tệ hơn nữa,  khi bé không chịu ăn thì đánh mắng hoặc bóp miệng bé để đút cho bé ăn. Điều này là vô cùng tại hại , bởi  trẻ phải ăn trong tâm lý sợ hãi, căng thẳng gây ức chế thần kinh cho trẻ dẫn đến dịch vị của trẻ không tiết ra để kích thích tiêu hóa và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ. Do đó cần cho bé ăn dặm đúng độ tuổi nếu cho bé ăn dặm sớm hay muộn đều không tốt ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, tầm vóc và thể trạng của bé.

1000 ngày “vàng” quyết định đến chiều cao, bệnh tật và bộ não của trẻ

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 1000 ngày đầu đời được tính từ thời gian mẹ mang bầu cho tới khi bé được 2 tuổi. Đây được xem là giai đoạn vàng trong phát triển của trẻ cả về chiều cao lẫn cân nặng.  Trẻ có cân nặng gấp đôi cân nặng sơ sinh trong 4-5 tháng đầu và gấp 3 lần cân nặng sơ sinh vào cuối năm thứ nhất. Khi bé tròn 1 tuổi, chiều cao của trẻ tăng gấp rưỡi so với khi sinh.

Trong năm đầu tiên, trẻ có thể tăng 25cm và tăng thêm 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo (đến khi trẻ 3 tuổi) nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Các nhà khoa học nhận định, giai đoạn này quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.

Theo PGS. TS. Bạch Mai,  việc chú ý vào dinh dưỡng cho bé trong thời điểm vàng sẽ giúp không chỉ tăng trưởng về chiều cao, cân nặng, nuôi dưỡng đúng cách trong giai đoạn 1000 ngày đầu đời còn giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt, trí tuệ phát triển… tạo bước đệm cho tương lai. Ngược lại, nếu trong giai đoạn vàng trẻ không được chăm sóc đúng cách sẽ dễ bị thấp còi, suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến chiều cao khi trưởng thành và bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa cả về thể chất lẫn trí tuệ.

1000 ngày vàng đầu đời được chia thành các giai đoạn như sau: 270 ngày mẹ mang thai + 365 ngày nuôi con năm đầu tiên + 365 ngày nuôi con năm thứ 2. Vì vậy, việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tạo đà phát triển tốt nhất cho con cần được các bà mẹ chú ý, BS Mai khuyến cáo.

nhung-sai-lam-cua-nhieu-ba-me-hay-mac-phai-khi-cho-tre-an-3

Dinh dưỡng đúng cho trẻ sẽ giúp bé phát triển tốt về chiều cao và trí tuệ, sức khỏe.

Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu cần đảm bảo đa dạng các nhóm chất (chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất). Cần chú ý khẩu phần ăn giàu canxi (từ tôm, cua, cá, đậu phụ, rau xanh lá, nước cam, sữa và chế phẩm từ sữa…), giàu sắt (thịt lợn, bò, gà, trứng, rau xanh đậm…), trái cây theo mùa, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt hay nước uống có gas có thể gây tiểu đường thai kỳ. Đặc biệt, mẹ bầu cần bổ sung vitamin D,sắt, Axit folic,  DHA,… giúp phát triển hệ xương khỏe mạnh, tăng chiều dài cơ thể.

Theo BS Mai, trẻ từ khi sinh ra nên được bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã khuyến cáo, mẹ nên cho bé bú trong 6 tháng đầu đời và có thể kéo dài cho đến khi bé 2 tuổi.  Từ 6 tháng trở đi, bố mẹ nên tập cho trẻ làm quen với các thức ăn khác ngoài sữa. Lưu ý, nên cân đối các thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn của bé, nhớ cho bé ăn đa dạng ( khoảng gần 20 thực phẩm khác nhau) ; đủ 5 trong 8 nhóm thực phẩm( chất béo bắt buộc từ 40-50%)…

Hiện nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn cao, theo thống kê cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi. Một nghiên cứu cho thấy, suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng rất lớn đến tầm vóc, ví dụ 1 trẻ không bị suy dinh dưỡng thấp còi lúc 3 tuổi thì có thể cao tới 1,71m nếu suy dinh dưỡng thì lúc trưởng thành chỉ cao 1,58m. Và nhiều nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng là một trong nhiều nguồn bệnh có thể mắc khi trưởng thành. Ví dụ như, béo phì, đái tháo đường, tim mạch, thậm chí cả ung thư. Vì vậy có thể nói suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng rất nhiều đến trí tuệ, thể lực, sức khỏe hôm nay mà đến tận trưởng thành… do đó theo PGS.TS Lê Bạch Mai dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời của bé là rất quan trọng.

Theo Suckhoedoisong

Leave a Reply

Or