Những rắc rối trong quá trình phát triển của bé mẹ cần lưu tâm

Từ 3 đến 5 tuổi là giai đoạn phát triển ngôn ngữ phong phú của bé. Tuy nhiên, đây là thời kỳ, bé dễ gặp phải một số rắc rối khi hòa nhập vào cuộc sống xung quanh như rối loạn về nhận thức, cảm xúc, hành vi và ngôn ngữ.

Bạn có thể tham khảo một số vấn đề chính sau đây:

1. Rối loạn ngôn ngữ

Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong quá trình giao tiếp của bé. Quá trình giao tiếp của bé bao gồm sự biểu đạt ngôn từ (sử dụng từ, đặt các loại câu) và sự tiếp nhận thông tin (hiểu được lời người khác nói và biết cách phản hồi đúng).

Các vấn đề thường gặp ở bé

Bé ít nói, thụ động hoặc tỏ ra khó khăn khi diễn đạt một vấn đề nào đó. Bé tỏ ra yếu trong quá trình phản hồi thông tin. Bé thường chậm chạp hoặc không trả lời rõ ý những câu hỏi của bạn.

Với bé 3 tuổi: Bé khó có thể nói hết một câu ngắn đầy đủ nghĩa.

Với bé 4 tuổi: Bé không biết cách hoàn thành một câu hoàn chỉnh gồm 3 từ trở lên. Bé cũng thường xuyên lẫn lộn khi sử dụng các đại từ nhân xưng.

Với bé 5 tuổi: Bé không phân biệt được các trạng từ đơn giản như bên trên, bên dưới, phía trước, phía sau…

Bé không nhớ được đầy đủ họ tên mình. Bé cũng ít tỏ ra hứng thú hoặc thích kể chuyện ở lớp mẫu giáo với bạn. Thậm chí, bạn hỏi gì bé mới trả lời.

Hướng dẫn dành cho bạn

Bạn nên thường xuyên cho bé tham gia chơi cùng các bạn khác. Bạn có thể tổ chức để các bé cùng hát, múa, cười đùa… Ở độ tuổi này, bạn nên cho bé đến trường mẫu giáo để bé có cơ hội hòa nhập với bạn bè.

Hình thành cho bé thói quen nghe một câu chuyện mỗi ngày và giúp bé đưa ra ý kiến khi kết thúc câu chuyện đó.

Thường xuyên trò chuyện và khuyến khích bé cách sử dụng từ ngữ trong giao tiếp hàng ngày.

Những rắc rối trong quá trình phát triển của bé mẹ cần lưu tâm 1
Ảnh minh họa.

2. Rối loạn các kỹ năng vận động

Bé không mấy hứng thú thậm chí tỏ ra thờ ơ với các trò vận động như chơi với bóng, chơi ôtô, xe máy hoặc tô vẽ màu…

Các vấn đề thường gặp ở bé

Bé khó khăn khi vẽ, chọn màu hay sắp xếp bố cục một bức tranh đơn giản. Bé lúng túng khi vận dụng các kỹ năng đá, bắt, ném khi chơi bóng.

Với bé 3 tuổi: Bé không thể tự mình lên xuống cầu thang nếu không có sự hỗ trợ của bạn.

Với bé 4 tuổi: Bé không biết cách ném một quả bóng nhựa, không biết đi xe đạp 3 bánh.

Với bé 5 tuổi: Bé không biết cách mặc chính xác những bộ quần áo đơn giản, khó khăn khi tự bé đánh răng hay rửa tay.

Hướng dẫn dành cho bạn

Bạn hãy thường xuyên khuyến khích và hướng dẫn để bé có thể hình thành và phát triển các kỹ năng vận động một cách tốt nhất.

3. Rối loạn cảm xúc

Quá trình phát triển cảm xúc của bé luôn song hành cùng quá trình phát triển thể chất. Cảm xúc là sự phản ứng của bé trước những yêu cầu hoặc mong đợi của cha mẹ.

Các vấn đề thường gặp

Với bé 3 tuổi: Bé ngại hoặc tỏ ra không quan tâm khi bạn muốn bé chơi cùng các bé khác. Bé ít chia sẻ cảm xúc với cha mẹ.

Với bé 4 – 5 tuổi: Bé tỏ ra sợ hãi và khóc không ngừng nếu không thấy sự có mặt của cha mẹ bên cạnh. Bé cũng không chịu trò chuyện với người nào khác ngoài người thân trong nhà bé.

Hướng dẫn dành cho bạn

Bạn hãy gợi ý để bé biết cách biểu lộ sự vui vẻ, lo lắng hay tức giận. Nếu bạn thấy bé có những dấu hiệu bất thường, hãy nhờ đến một chuyên gia về vấn đề này.

4. Rối loạn nhận thức

Bé không nhận biết và có ý thức chính xác với các hoạt động xung quanh mình.

Các vấn đề thường gặp

Với bé 3 tuổi: Bé khó khăn khi bạn yêu cầu tô lại một hình tròn. Bé không hiểu ý nghĩa của các chỉ dẫn đơn giản.

Với bé 4 – 5 tuổi: Bé không thể tập trung cho một hoạt động nào quá 5 phút. Không hào hứng với các trò chơi như các bạn cùng độ tuổi khác

Hướng dẫn dành cho bạn

Nếu bạn nhận thấy bé chậm phát triển trí tuệ và nhận thức, tốt nhất hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp cho bé.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or