Những người không nên ra ngoài vào sáng sớm mùa đông nếu không muốn nhập viện cấp cứu

Thời tiết chuyển lạnh đột ngột sẽ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, dễ xảy ra đột quỵ. Những đối tượng sau không nên ra ngoài sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm.

  Người có bệnh lý tim mạch không nên ra ngoài sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm
Người có bệnh lý tim mạch không nên ra ngoài sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm

Trời lạnh, người đột quỵ gia tăng 

Theo bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, thời tiết chuyển lạnh thì số ca đột quỵ có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do khi trời lạnh, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp dẫn đến lưu lượng máu đến não kém.

Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch. Với những người đã có biến chứng xơ vữa động mạch hay huyết khối, mạch máu dễ bị tắc, thậm chí có thể vỡ mạch máu dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ với nguy cơ tử vong cao hoặc để lại các biến chứng nặng nề.

Vậy nên, những ngày trời lạnh, cần biết cách chăm sóc sức khỏe, giữ ấm cơ thể để phòng ngừa đột quỵ. Đặc biệt, đột quỵ hay xảy ra vào buổi sáng nên những đối tượng sau không nên ra ngoài vào sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm.

Những ai không nên ra ngoài vào buổi sáng sớm?

  • Người cao tuổi

Người già thường có thể trạng yếu, lại hay mắc một số bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành… Khi gặp lạnh đột ngột, nhất là lúc người già ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến tai biến, nguy hiểm đối với tính mạng.

Vậy nên, trong những ngày mùa đông lạnh, để phòng ngừa đột quỵ, người cao tuổi nên giữ ấm cơ thể, giữ ấm phòng ngủ, không nên ra lạnh đột ngột.

Buổi sáng, khi tỉnh giấc, người già không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi và nên tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà hoặc nơi kín gió.

  Người cao tuổi là đối tượng không nên ra ngoài sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm
Người cao tuổi là đối tượng không nên ra ngoài sáng sớm kẻo đột quỵ viếng thăm

  • Người bị tăng huyết áp

Bệnh nhân tăng huyết áp thường có cơn tăng huyết áp vào sáng sớm. Hơn nữa, nhiệt độ chuyển lạnh làm các mạch co, huyết áp tăng cao hơn, nếu sáng ngủ dậy mặc không đủ ấm, lại đang bị tăng huyết áp thì rất dễ xảy ra tai biến.

Thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng động mạch. Mặt khác, nhiệt độ thấp cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, từ đó làm tăng nguy cơ tổn thương tim mạch.

Do đó, người bị tăng huyết áp khi ngủ dậy nên đo huyết áp ngay, nếu thấy huyết áp tăng cao thì uống thuốc ngay và theo dõi. Đồng thời người bệnh cũng cần giữ ấm cơ thể, nhất là buổi sáng sớm và buổi tối, không nên ra đường quá sớm vì dễ gặp phải tai biến.

Với những người phải ra đường sớm do điều kiện công việc, cần mặc đủ ấm, bịt khăn, khẩu trang, giữ ấm đầu, cổ, chân tay… để phòng đột quỵ hiệu quả nhất.

  • Người bị bệnh lý tim mạch

Khi thời tiết lạnh, cơ thể cần được giữ ấm, do đó tim phải làm việc nhiều hơn để đưa oxy tới các mô trong cơ thể, việc này làm cho trái tim đang bị bệnh phải gắng sức, khiến nguy cơ bệnh tái phát cao hơn.

Hơn nữa, khi gặp nhiệt độ lạnh đột ngột, cơ thể bị mất nhiệt nhiều hơn, tim càng phải làm việc nhiều và khi tim phải làm việc quá tải thì nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

Nhất là với người có bệnh mạch vành, khi gặp lạnh, nguy cơ xuất hiện dấu hiệu của các bệnh mạch vành như đau ngực, nhồi máu cơ tim cấp cũng nhiều hơn.

Đặc biệt, nhiệt độ thấp còn làm tăng số lượng tiểu cầu, tăng hồng cầu và độ nhớt của máu, làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não…

Vì vậy, người bị bệnh lý tim mạch không nên thức dậy quá sớm, khi tỉnh dậy không ngồi bật ngay dậy mà phải ngồi dậy từ từ, hoạt động chân tay trước khi ra khỏi chăn ấm.

Một điều cần lưu ý cho bệnh nhân tim mạch vào sáng sớm là nên để sẵn máy đo huyết áp, thuốc huyết áp và thuốc tim mạch ở đầu giường. Lúc ngủ dậy nên đo huyết áp, nếu thấy huyết áp tăng cao thì uống thuốc ngay và theo dõi.

Uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định, tái khám định kỳ, phải lắng nghe cơ thể mình để thăm khám và điều trị sớm khi có những dấu hiệu bất thường sẽ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Khi người thân có những dấu hiệu của đột quỵ cần ngay lập tức gọi cấp cứu để được xử trí kịp thời, đúng cách.

Để nhận biết các biểu hiện đột quỵ, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân các dấu hiệu  được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm: 

– F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. 

– A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.

– S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó. 

– T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

Theo Giadinhmoi

Leave a Reply

Or