Những “món quà” giáo viên mầm non mong nhận ở phụ huynh học sinh

Nếu các mẹ thường xuyên phàn nàn về việc con đi học mầm non với vô số điều không vừa lòng về trường lớp hay những cô giáo mầm non thì xin hãy một lần bớt chút thời gian để nghe các cô kể về những khó khăn gặp phải trong nghề.

Sắp đến ngày 20/11, nhóm phóng viên đã gặp gỡ trò chuyện với đội ngũ giáo viên mầm non dạy tại một số trường Quốc tế, công lập tại TPHCM và một trường mầm non cấp huyện tại một tỉnh miền Tây. Dù ở ba môi trường khác nhau nhưng các cô đều đi đến kết luận: “Giáo viên mầm non không chỉ cực mà là quá cực”.

Trẻ không chỉ ăn, mà còn phải học

Nhiều phụ huynh luôn thắc mắc về các khoản đóng cho dụng cụ học tập. Phụ huynh sẵn sàng bày tỏ: “Tuổi này các cháu ăn với ngủ thôi chứ học gì!” Cô T.D. (hiệu phó trường mầm non công lập M. – TPHCM) đánh giá: “Lứa tuổi mầm non mẫu giáo các bé phải học rất nhiều thứ. Chỉ đơn cử như việc phân biệt màu xanh – đỏ cũng là cả một vấn đề”. Dù là dạy ở môi trường quốc tế, cô L.T. cũng thừa nhận: “Giáo viên mầm non như người sưu tầm phế liệu vậy, vì phải dạy trẻ trực quan. Bất cứ thông tin nào đưa ra cũng cần vật tương ứng”. Điều các cô mong mỏi là các vị phụ huynh hãy quan tâm tới việc giáo dục con chứ không chỉ lúc nào cũng chăm chăm vào ăn tốt, ngủ tốt.

Những "món quà" giáo viên mầm non mong nhận ở phụ huynh học sinh 1
Ảnh minh họa

Ăn cũng là cả một nghệ thuật

Cô T.K., (hiệu phó một trường mầm non cấp huyện tại một tỉnh ở miền Tây) từng gặp phải sự phẫn nộ: “Sao không cho con tôi ăn uống đàng hoàng, chỉ toàn là cho ăn rau không vậy?”. Cô giải thích: “Bé có tình trạng béo phì đến mức đáng lưu tâm. Dĩ nhiên không ai nhẫn tâm để bé đói nhưng chế độ ăn cần phải giảm tinh bột (chỉ giảm thôi chứ không cắt), tăng cường rau củ. Tuy nhiên phụ huynh đã không hiểu điều đó”. Vậy nên cô T.K. cũng mong rằng các vị phụ huynh cần tin tưởng và phối hợp với nhà trường trong quá trình chăm sóc trẻ.

Trẻ không nói dối nhưng rất giỏi tưởng tượng

Đôi khi trẻ về kể với mẹ rằng: “Con đang ngủ thì bạn Hoàng sang đánh liên tục. May mà có bạn Huy đến ngăn cản bạn ấy”. Hay: “Con đi vệ sinh xong thì cô nhốt con bên ngoài luôn. Vậy là con phải trèo vô”…

Phụ huynh rất tin vì cho rằng trẻ con không nói dối nên hôm sau sẽ tìm gặp cô để bày tỏ bức xúc. Cô L.T. cười sảng khoái: “Bé không nói dối nhưng bé giỏi tưởng tượng. Bé tưởng tượng về bạn Huy người hùng nào đó, thay vì chơi với các bạn khác, thì Huy sẽ luôn giúp đỡ bé khi bé cần. Hoặc bé sẽ là siêu nhân, bị bỏ rơi, bị lạc rồi tự giải cứu được mình”. Bởi vậy, nên cha mẹ cần tỉnh táo và nghe từ nhiều phía chứ đừng nhìn giáo viên với con mắt phiến diện quá.

Những "món quà" giáo viên mầm non mong nhận ở phụ huynh học sinh 2
Ảnh minh họa

Tai họa đến như thế nào?

Cô T.K chia sẻ về trường hợp xảy ra cách đây 2 tuần tại khuôn viên trường mình: Hai cô đang dẫn các bé ra quan sát vườn rau. Bất ngờ bé này đẩy bé kia té. Bé bị ngã đã bị rách da đầu phải đưa vào bệnh viện, cạo tóc, khâu chỉ chỗ da bị rách. Cô xót xa: “Nhìn một đứa bé dễ thương nhất lớp bị cạo tóc đi, vết khâu lộ rõ, giáo viên rất đau lòng. Thêm phần phải đối mặt với phụ huynh, thật sự không giáo viên nào muốn thế. Nhưng trong trường hợp đó, làm sao cô giáo nào đỡ kịp”. Hai cô giáo đã chuẩn bị tinh thần thôi việc. May thay, phụ huynh bé trai ấy chỉ buồn chứ không làm lớn chuyện.

Cô T.D cũng lấy ví dụ những tình huống rất dễ xảy ra tai nạn khác: bé chỉ thích ngồi trên nửa ghế, hoặc bỗng dưng “chơi trò” lắc đầu liên lục rồi mất thăng bằng ngã sang một bên; cô yêu cầu bé đi nhưng bé cứ chạy, vướng chân vào nhau, té; cầm đồ chơi rồi bất ngờ quơ tung tóe, văng vào mắt bạn; hai bé cùng cúi đầu xuống tìm đồ chơi, va đầu vào nhau… Những trường hợp như vậy, phản ứng thường thấy ở phụ huynh là: Cô giáo đâu mà để trẻ bị như thế? Cô T.D thở dài:“Phụ huynh xót con là đúng. Nhưng thậm chí đối với chính con mình, bé đứng trước mặt tôi rồi trượt té, tôi cũng không đỡ kịp”.

Của biếu là của lo

Cô T.K. cho biết: Mỗi năm lớp chỉ có 50% số học sinh được nhận giấy khen loại giỏi. Nhưng quy định tại các cơ quan, chỉ khi nào con của cán bộ nhân viên có giấy khen loại giỏi, cơ quan mới tặng quà 1/6. Mà đa phần phụ huynh đều muốn con có giấy khen loại giỏi để nhận phần quà từ cơ quan mình. Vô tình áp lực lại nặng thêm đối với giáo viên. Chính vì vậy đôi khi việc ĐÃ nhận quà tặng từ phụ huynh trở thành gánh nặng cho các cô giáo mầm non trong việc đánh giá xếp loại học sinh. Mà kiên quyết không nhận, sẽ ít nhiều khiến phụ huynh tổn thương, hoặc bị qui là “chê quà không quí giá”, hoặc trở nên khác biệt với đồng nghiệp, nội bộ mất vui. Vậy nên, nếu tất cả các phụ huynh “dũng cảm” không quà cáp vào những dịp đặc biệt thì giáo viên cũng lấy làm mừng.

Những "món quà" giáo viên mầm non mong nhận ở phụ huynh học sinh 3
Ảnh minh họa

Ai cho chúng tôi hơn 24 giờ?

Khung thời gian của cô giáo mầm non L.T. tại một trường quốc tế (TP.HCM) là từ 6g30 cho đến 16g30. Trong thời gian ấy cô phải luôn bên trẻ: dạy, chơi, chăm bé ăn, cho bé ngủ, tắm rửa… Công việc cuối ngày của cô là cẩn thận trả từng bé một cho phụ huynh hoặc cho xe đưa đón theo đúng giờ qui định.

Với các trường công lập thì khung thời gian này của các cô lại nới rộng hơn.“Cũng có mặt lúc 6g30 để chuẩn bị bàn ghế, phòng đón trẻ. Nhưng ở môi trường công lập, giờ trả trẻ lại có phần lâu hơn, phụ huynh đến sớm, trễ không đều nhau. Có khi phụ huynh đến trễ, giáo viên trả bé, dọn dẹp xong thì đã 19g. Về đến nhà thì mệt rã rời, không thể chăm sóc gia đình trọn vẹn. Đơn cử như việc con chúng tôi học trường khác, chúng tôi sẽ không thể tự đưa đón được” – cô T.D chia sẻ. Vậy nên, việc đưa đón trẻ đúng giờ của phụ huynh cũng làm giảm vất vả cho các cô phần nào.

Ai trân trọng giáo viên mầm non?

Cô L.T. cho biết: Nội dung dạy ở cấp mầm non luôn được cập nhật thường xuyên. Do mầm non là cấp khởi đầu, nên các nhà quản lí dễ dàng thí điểm, thay đổi, chỉ có giáo viên là bị quay như chong chóng. Giữa chương trình học tại trường CĐ – ĐH và chương trình dạy, quản lí thực tế cũng khác nhau, và khác nhau theo từng năm. Do vốn dĩ chương trình mầm non có nhiều trường phái, khi thay người quản lí, trường phái cũng thay đổi theo.

“Hiện giáo dục mầm non ở các nước phương Tây rất được coi trọng. Tại Việt Nam vai trò của các cô chưa được đánh giá đúng mức về tiền lương lẫn cách nhìn nhận của xã hội, giáo viên mầm non gần như là ô sin tại trường vậy” – Cả ba cô đều nhắc đến thực trạng này.

Điều các cô mong muốn nhận được phụ huynh là: “Không chỉ thông cảm, mà là rất thông cảm để chúng tôi bớt phần nào áp lực”.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or