Những lưu ý khi cúng Rằm tháng 7 – Lễ xá tội vong nhân, tháng cô hồn

Những lưu ý khi cúng Rằm tháng 7 - Lễ xá tội vong nhân, tháng cô hồn

Mâm cỗ cúng chúng sinh được người dân chuẩn bị gồm nhiều món chay. Ảnh: T.L

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, hàng năm, cứ đến Rằm tháng 7 âm lịch, người dân cả nước lại sắm sửa mâm đồ lễ cho ngày lễ Xá tội vong nhân hay còn gọi là cúng cô hồn và lễ Vu Lan báo hiếu.

Hai lễ đều được cúng vào ngày Rằm tháng 7 nhưng xuất phát từ những điển tích riêng biệt.

Lễ Vu lan mang tính chất là ngày lễ báo hiếu – một trong những lễ vô cùng quan trọng của Phật giáo. Đây là lễ để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát.

Vào ngày này, tại các chùa cũng tổ chức lễ Vu Lan, vốn được coi là ngày dành cho mẹ, những người có mẹ còn sống sẽ cài một bông hồng đỏ lên áo và những người mẹ đã mất sẽ đeo một bông hồng trắng, tới chùa cầu kinh để linh hồn mẹ được an lành, siêu thoát.

Ngoài ra, ông bà ta quan niệm rằng, để tưởng nhớ ông bà tổ tiên, các gia đình thường làm một mâm cỗ mặn, tiền vàng và một số món đồ hàng mã để dâng lên bàn thờ tổ tiên vào ngày 14 hay đúng Rằm tháng 7 (15 tháng 7 âm lịch).

Những lưu ý khi cúng Rằm tháng 7 - Lễ xá tội vong nhân, tháng cô hồn - Ảnh 1.

Mâm cỗ mặn cúng ông bà tổ tiên ngày Rằm tháng 7. Ảnh: T.L

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam), trong những ngày này, các gia đình không nên đốt quá nhiều vàng mã, mà chỉ nên hóa 9 lễ tiền vàng và thấp nhất là 3 lễ, một bộ quần áo, để đổi lấy sự yên tâm, thanh thản trong tâm hồn.

Còn lễ Xá tội vong nhân , theo tín ngưỡng dân gian, đây là lễ cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng.

2 lễ này có nguồn gốc khác nhau, cùng được thực hiện vào Rằm tháng 7. Đặc biệt đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn, đề cao việc tri ân, tưởng nhớ ông bà tổ tiên, người đã khuất.

– Nên cúng vào ban ngày

Vào ngày Rằm tháng 7, những gia đình có điều kiện thường chuẩn bị hai mâm cỗ cúng:

Một mâm cỗ mặn để cúng tổ tiên tại bàn thờ và một mâm cỗ chay để cúng chúng sinh – gọi là cúng cô hồn đặt ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè.

Quan niệm dân gian cho rằng, lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào xẩm tối vì lúc này mặt trời đã lặn, cửa âm phủ đã đóng.

Không nên cúng cô hồn bằng món mặn

Lễ Xá tội vong nhân (cúng cô hồn) thường là các món chay. Dân gian quan niệm không cúng cô hồn món mặn vì sẽ khơi dậy lòng tham, sân, si… Đặc biệt, khi cúng phải đặt lễ cúng trước cửa nhà.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Cường (Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam), mâm cúng cô hồn gồm có các lễ vật: Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc, các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu, đĩa gạo trộn lẫn với muối (đĩa này sẽ được rắc ra vỉa hè phía xa nhà), ngô, khoai lang luộc để cúng cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

Khi rải tiền vàng ra mâm cúng phải để 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hướng từ 3-5-7 cây hương. Bày lễ và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Kết thúc lễ cô hồn, gạo, muối được vãi ra sân, đường, sau đó là đốt vàng mã.

Ở một số nơi, người ta cho phép trẻ con cướp cỗ cô hồn (giật cô hồn) khi việc cúng đã xong. Tuy nhiên, hiện nay đối tượng cướp cỗ có thể là bất kỳ ai.

Leave a Reply

Or