Những loại dị ứng thường gặp ở trẻ và cách phòng ngừa

Mẹ có biết rằng ngoài thức ăn ra, bé cưng nhà mình cũng có thể bị dị ứng với những thứ khác nữa không? Những thứ tưởng chừng như rất bình thường như mạt bụi nhà, phấn hoa, động vật, cao su, vết côn trùng cắn… đều có thể trở thành nguyên nhân gây dị ứng cho bé.

Đầu tiên, mẹ nên tìm hiểu xem nhóc nhà mình bị dị ứng ở mức độ nào, nặng hay nhẹ, để đưa ra cách xử lý tốt nhất. Nếu bé có những phản ứng như phát ban, nổi mề đay, mặt, mắt, môi bị ngứa hoặc sưng phù hay đau bụng hoặc ói mửa thì bé đang bị dị ứng ở mức độ nhẹ và trung bình. Nghiêm trọng hơn, nếu như bé có các biểu hiện như khó thở hoặc thở ra tiếng, sưng lưỡi, họng, khó nói hoặc giọng khản đặc, chóng mặt, hen suyễn…thì mẹ nên cẩn thận. Bé cưng đang bị dị ứng rất nặng đấy!

Tốt nhất mẹ nên chuẩn bị sẵn thuốc dị ứng trong tủ thuốc ở nhà để có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Nên sử dụng loại không gây buồn ngủ cho bé. Nếu bé nhà bạn là một đứa “bất trị” mỗi khi uống thuốc thì có lẽ Siro là một lựa chọn tuyệt vời cho bạn.

di ung o tre

Dưới đây là một vài loại dị ứng thông thường và cách phòng ngừa mà mẹ có thể tham khảo thêm:

Dị ứng mạt bụi nhà

Mạt bụi nhà là những con bọ tí hon ăn các mảnh vụn hữu cơ như vảy da và nấm mốc, chúng được tìm thấy ở hầu hết các gia đình. Dị ứng với mạt bụi nhà thường xảy ra quanh năm, không theo mùa và không làm bé bị phát ban nhưng bé có thể bị hắt hơi, ngứa mắt, viêm da dị ứng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, hen suyễn…

Giảm thiểu sự tiếp xúc của bé với mạt bụi nhà là cách phòng ngừa duy nhất trong trường hợp này. Mẹ có thể trải giường cho bé bằng một tấm phủ ngăn mạt bụi nhà để bé không bị mạt bụi cắn khi đang ngủ. Thường xuyên giặt ra giường và vỏ gối của bé với nước nóng 55 độ C cũng là một cách hay để hạn chế mạt bụi.

Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý giữ nhà cửa sạch sẽ và ngăn nắp. Nếu trong nhà có sử dụng thảm, mẹ nên thường xuyên hút bụi và hạn chế dùng thảm ở những chỗ không cần thiết.

Dị ứng vật nuôi

Một vài bé có thể bị dị ứng với lông và nước bọt của động vật như mèo, chó, ngựa và thỏ. Dị ứng vật nuôi thường ngứa da, nổi mề đay, khiến mắt, mũi trẻ bị ngứa và chảy nước. Nó cũng có thể làm bệnh chàm hay hen suyễn của bé nặng thêm.

Cũng có thể bé sẽ không bị dị ứng với vật nuôi của mình nhưng sẽ dị ứng với vật nuôi của người khác. Nếu bé nằm trong trường hợp này, mẹ nên cho bé uống thuốc dị ứng trước khi đến những nơi có những con vật mà bé bị dị ứng. Thay đồ cho bé ngay khi vừa về tới nhà và cho bé đi tắm có thể giúp ngăn chặn bé đem các tác nhân gây dị ứng vào nhà.

Dị ứng với cỏ trồng, cỏ dại và phấn hoa

Dị ứng với phấn hoa, cỏ trồng và cỏ dại là loại dị ứng phổ biến nhất, rất thường gặp. Loại dị ứng này có xu hướng trở nên nghiêm trọng hơn vào mùa xuân và mùa hè, khi cây cỏ và các thực vật khác đang tích cực phát triển.

Nếu bé bị phát ban hay nổi mẩn mỗi khi chạm vào cỏ, mẹ nên cho bé mặc áo dài tay và quần dài những lúc ngồi chơi trên cỏ. Mỗi khi đi chơi về, mẹ nên tắm rửa sạch cho bé. Đặc biệt trong những ngày lộng gió, mẹ nên để bé ở trong nhà. Vì gió lớn sẽ làm phân tán phấn hoa khắp nơi trong không khí.

di ung thuong gap o tre 1
Mẹ nên tắm rửa sạch sẽ cho bé mỗi khi đi chơi về.

Dị ứng với dược phẩm, hóa chất

Nếu bé có triệu chứng phát ban hay sưng phù sau khi uống 1-2 liều đầu của một loại thuốc nào đó, rất có khả năng bé đã bị dị ứng với loại thuốc đó. Mẹ nên nhanh chóng đưa bé tới bác sĩ để được tư vấn về phản ứng bé gặp phải. Nếu bé có những biểu hiện suy hô hấp, mẹ nên lập tức gọi cứu thương để đưa bé tới bệnh viện. Tuy nhiên, biểu hiện đau nhức, sưng tại chỗ kèm theo sốt nhẹ mỗi lần tiêm vắc-xin chỉ là những phản ứng thông thường, phổ biến. Dị ứng khi tiêm phòng là trường hợp rất hiếm khi xảy ra.

Những hóa chất trong các vật dụng thông thường như trang sức kim loại, chất nhuộm quần áo, băng dính và keo dán có thể gây các phản ứng dị ứng trên da, được gọi là viêm da tiếp xúc. Nếu làn da truyền thống của gia đình thuộc loại nhạy cảm, mẹ nên sử dụng sử dụng các sản phẩm “không gây dị ứng” cho da bé. Tốt nhất, mẹ nên thử bất cứ loại kem bôi nào trên một vùng da nhỏ của bé trước khi dùng.

Dị ứng với nhựa cao su

Nếu trên da bé xuất hiện các vết đỏ, phát ban hay sưng phù sau khi tiếp xúc với bóng bay, găng tay cao su, núm bình sữa hay núm vú giả hay bất kỳ một sản phẩm nào đó có chứa cao su thì không còn nghi ngờ gì nữa, bé cưng nhà bạn đã bị dị ứng với cao su rồi đấy.
Mẹ cần thông báo cho các bác sỹ, nha sỹ, chuyên gia chăm sóc sức khỏe của bé để họ tránh sử dụng các loại sản phẩm có chứa nhựa cao su khi khám cho bé.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or