Những hiểu lầm của mẹ khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Với các chị em lần đầu làm mẹ, những kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh luôn được các mẹ quan tâm tìm hiểu. Tuy nhiên có những quan niệm về chăm sóc trẻ sơ sinh tuy sai lầm, nhưng vẫn được nhiều mẹ áp dụng cho bé nhà mình.

Không thể phủ nhận những kinh nghiệm của ông bà khi xưa truyền lại, có những điều rất tuyệt vời mà chúng ta cần học hỏi. Tuy nhiên cũng có những quan niệm chăm con ngày xưa đã lỗi thời. Là một bà mẹ hiện đại, bạn cần nhận biết đâu là những điều không nên áp dụng để chăm sóc em bé mới sinh nhà mình. Dưới đây là những quan niệm sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh mà mẹ cần tránh.

Ảnh minh họa: Getty Images

Chạm vào thóp trẻ sơ sinh sẽ gây tổn thương não bé

Thóp giúp xương sọ được mềm dẻo trong quá trình sinh nở và phù hợp với sự phát triển của xương sọ khi bé lớn dần. Thóp được chia thành thóp trước và thóp sau. Khi bé được 3 tháng tuổi, thóp sau sẽ ‘biến mất’ do khớp nối xương sọ được liền kín lại, còn thóp trước phải đợi đến khi bé được hơn 1 tuổi. Do đó, nhiều mẹ vì nghe các kinh nghiệm truyền lại mà không dám động vào thóp trẻ sợ phần này mềm làm tổn thương não.

Trên thực tế, các bác sĩ cho rằng không cần phải quá lo lắng như vậy, bởi não của bé tạm thời chưa được lấp kín bằng xương nhưng lại được bảo vệ bằng 3 lớp vỏ bọc: lớp mềm (mô liên kết, trải khắp các rãnh não), mạng nhện (tạo cơ sở cho vị trí của các mạch máu) và lớp cứng (bao vỏ não cứng và đàn hồi).

Ngoài ra, khoảng không gian giữa các lớp bọc đầy chất lỏng thực hiện vai trò giảm chấn động. Da cũng chính là lớp bảo vệ cuối cùng nên mẹ hãy yên tâm khi có thể chải đầu nhẹ nhàng cho bé, và có thể gội đầu đúng cách cho bé nhé.

Phải tắm hàng ngày cho bé

Theo quan niệm của người xưa, trẻ sơ sinh cần được tắm gội mỗi ngày để bé ăn ngon, ngủ yên.

Tuy nhiên, mẹ cần biết rằng, tắm cho bé sơ sinh quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tổn hại cho làn da mỏng manh của bé. Làn da của bé lúc này rất mỏng manh và siêu nhạy cảm. Xà phòng hay sữa tắm chuyên dùng cho bé cũng vẫn chứa những chất khiến da bé bị khô và dị ứng.

Theo lời khuyên của bác sĩ, một tuần mẹ chỉ nên tắm cho bé khoảng 2 đến 3 lần là đủ. Những ngày còn lại, mẹ có thể vệ sinh vùng cổ, bẹn, nách cho bé bằng nước ấm.

Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc

Lâu nay, các bà mẹ vẫn hay thường có thói quen cho trẻ sơ sinh uống nước lọc tráng miệng và làm sạch lưỡi. Với suy nghĩ nước lọc lành tính, lại giúp bé đỡ táo bón, nên một số mẹ cho con uống nước vô tội vạ mà không hề biết rằng, trẻ sơ sinh uống nước lọc sẽ để lại nhiều hệ lụy.

Theo các chuyên gia, tốt nhất là không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc. Ở giai đoạn này, sữa mẹ và sữa bột là nguồn dưỡng chất cần thiết nhất cho trẻ. Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó bắt đầu ăn dặm và tiếp tục cho bú mẹ đến ít nhất 24 tháng tuổi.

Sau 6 tháng tuổi, mẹ có thể cho con uống thêm nước trắng, nhưng chỉ với số lượng khoảng 59 – 118ml mỗi ngày. Sau 12 tháng, có thể cho bé uống hỗn hợp đồ uống ít đường trong chế độ ăn của trẻ cùng với nước bao gồm trái cây tươi và hoa quả.

Nếu mẹ không lưu ý mà vẫn cho trẻ uống quá nhiều nước lọc trong giai đoạn này có thể khiến trẻ còi xương, chậm lớn; nhiễm độc nước, gây co giật, thậm chí hôn mê…

 Theo ebe

Leave a Reply

Or