Những em bé bằng bàn tay kiên cường vượt cửa tử

Trẻ sinh non phải đối mặt nguy cơ suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, vàng da, xuất huyết não, phổi, tan máu, mù lòa, bại não…, giữ mạng sống đã khó, việc nuôi dưỡng còn khó khăn hơn.

Đến thăm Trung tâm chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, mọi người sẽ được tận mắt chứng kiến hàng loạt đứa trẻ sinh non bé nhỏ đang gồng mình chiến đấu với tử thần. Chúng chào đời khi còn quá nhỏ, có bé chỉ được ở trong bụng mẹ 6 tháng, có bé ra đời nặng 500 g nhưng tất cả đều đang cố gắng sống sót một cách kỳ diệu.

Đang xếp hàng chờ đến lượt vào thăm con, anh Hoàng Minh (Gia Lâm, Hà Nội) tâm sự: “Bé nhà tôi sinh non khi mới được 28 tuần, nặng 800 g. Bé bị suy hô hấp và đang được các bác sĩ điều trị. Gia đình chỉ được mang sữa mẹ và vào thăm con theo giờ chứ không được vào thăm thường xuyên. Bác sĩ nói con tôi có tiến triển tốt, mong sao cháu kiên cường vượt qua cửa ải này… “.

Cũng trong tâm trạng lo lắng, chị Thanh Hằng đang chờ đến lượt đưa sữa mẹ vào cho con chia sẻ: “Thai kỳ diễn ra bình thường, bác sĩ chẩn đoán đến đầu tháng 7 mới sinh, vậy mà không hiểu sao cháu mới được gần 7 tháng đã ra đời. Con còn nhỏ quá, mới được hơn một kg”.

IMG-3045-JPG-2584-1461127098

Bác sĩ Lê Minh Trác thăm khám trẻ sinh non. Ảnh: Lê Nga.

Ngày nay trẻ sinh non thiếu tháng rất nhiều, nếu trước đây trẻ ra đời từ tuần 34-37 đã được coi non tháng thì ngày nay có nhiều trường hợp trẻ chào đời ở tuần thứ 23-27. Những trẻ sinh non tháng thường kèm thấp cân nên rất khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng.Thạc sĩ, bác sĩ Lê Minh Trác – Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc và Điều trị trẻ sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trung bình mỗi ngày trung tâm tiếp nhận 10-12 ca trẻ sinh non, chiếm 17-18% tổng số ca đẻ của bệnh viện. Các bé sinh ra ít cân phần nhiều do đẻ non, số ít các trường hợp đủ tháng nhưng cân nặng vẫn thấp là do suy dinh dưỡng bào thai.

Bác sĩ nhấn mạnh, trẻ sinh non phải đối mặt với hàng loạt các nguy cơ bệnh tật. Trẻ non tháng, các bộ phận nội tạng trong cơ thể đều non và yếu. Các nguy cơ trẻ thường gặp phải bao gồm: Suy hô hấp, hạ thân nhiệt, nguy cơ nhiễm trùng, viêm ruột hoại tử, vàng da, xuất huyết não, phổi, tan máu, các bệnh lý về võng mạc dẫn đến mù lòa, bại não, trí tuệ không bình thường… Với các nguy cơ này, giữ mạng sống cho trẻ đã khó, việc nuôi dưỡng còn khó khăn hơn.

IMG-3064-JPG-3594-1461127099

Trẻ sinh non được chăm sóc đặc biệt. Ảnh: Lê Nga

Bác sĩ cho biết, ở các bệnh viện tuyến tỉnh, nuôi trẻ sinh non còn khó khăn, còn Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã nuôi sống thành công nhiều cháu có cân nặng dưới một kg thậm chí là 500-600 g. “Theo thống kê của trung tâm, tỷ lệ sống trẻ 600-900 g là 23%, riêng trẻ trên 1,5 kg tỷ lệ sống hơn 96%. Để mang lại sự sống cho trẻ sinh non, trung tâm có phương pháp, điều kiện nuôi dưỡng tốt nhất”, nam bác sĩ nói.

Hầu hết trẻ sinh non tại trung tâm được nằm trong lồng ấp đảm bảo vệ sinh và ấm áp, chống suy hô hấp bằng cách thở máy, thở oxy. Về dinh dưỡng thì phải cho trẻ ăn sớm qua đường miệng. Trẻ được ăn sữa mẹ bằng cách đặt ống thông dạ dày hoặc cho ăn bằng bơm tiêm điện. Ngoài ra, trẻ còn được truyền dịch nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạnh để đề phòng viêm ruột hoại tử. Tùythuộc vào cân nặng và tình trạng bệnh, trẻ được điều trị và thời gian nằm tại trung tâm khác nhau. “Trẻ dưới một kg thông thường phải nằm bệnh viện 3-5 tháng”, bác sĩ Trác nói.

Nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sinh non là cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức chuyên sâu về sơ sinh và xuất phát từ tâm. Nguyên tắc tối ưu là phải đảm bảo vệ sinh môi trường, chống nhiễm khuẩn. Trung tâm phải dùng máy lọc khí để diệt khuẩn, lồng ấp, chăn ga trẻ nằm phải đảm bảo được diệt khuẩn 100%. Trước khi thăm khám cho trẻ, bác sĩ, điều dưỡng đều phải rửa sạch tay bằng nước sát khuẩn chuyên dụng… “Mọi công tác chăm sóc đều do nhân viên y tế tiến hành, cha mẹ chỉ được vào thăm con theo giờ, người mẹ cũng đưa sữa cho nhân viên y tế theo giờ”, bác sĩ Trác nói thêm.

Hơn 20 năm công tác tại bệnh viện, bác sĩ Trác nhớ nhất một trường hợp sinh đôi ở Thái Bình. Hai bé trai ra đời khi mới được 24 tuần tuổi, nặng lần lượt 500 g và 600 g. Hai bé được chuyển về Trung tâm chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh trong tình trạng phản xạ thở yếu, toàn thân tím đen do xuất huyết dưới da, suy hô hấp nặng. Những cơn suy hô hấp tưởng chừng như cướp đi sinh mạng của chúng. Gia đình đều đã chuẩn bị tâm lý cho những điều xấu nhất. Song, các bác sĩ đều quyết tâm dùng mọi biện pháp để cứu sống hai bé. Cả hai được thở máy chống suy hô hấp, truyền máu, dùng vitamin K chống xuất huyết, tiêm hỗ trợ tránh mù lòa, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ… Sau 3 tháng chống chọi với tử thần, cặp song sinh đã được xuất viện, sức khỏe hoàn toàn ổn định. Cả hai được trở về trong vòng tay ấm áp của người mẹ. Chứng kiến cảnh tượng ấy không ít y bác sĩ phải rơi nước mắt vì vui mừng, hạnh phúc thay cho họ.

Bác sĩ Trác tâm sự, ngoài việc điều trị, chăm sóc cho con, các bác sĩ tại đây thường xuyên làm công tác tâm lý, động viên các cha mẹ. Hầu hết tâm trạng của họ đều lo lắng, nản chí, thậm chí có nhiều người bố, người mẹ còn bị trầm cảm. Trước những trường hợp này, bác sĩ đều động viên bố mẹ cần vững vàng cùng con vượt qua cửa ải khó khăn này.

Một số hình ảnh về các bé sinh non:

IMG-3044-JPG-3429-1461127099

IMG-3048-JPG-7639-1461127099

Trẻ được ăn sữa mẹ bằng cách đặt ống thông dạ dày hoặc bơm tiêm điện.

IMG-3055-JPG-2196-1461127100

Bé trai nặng 600 g chỉ to bằng chai nước truyền.

IMG-3057-JPG-7823-1461127100

Trẻ được đặt nằm úp trong lồng ấp để tránh suy hô hấp.

IMG-3069-JPG-4751-1461127100

Đôi chân nhỏ xíu của em bé sinh non nặng 800 g.

Nguồn: vnexpress

 

Leave a Reply

Or