Những dấu hiệu không được coi thường khi mang thai

Cơ thể người mẹ khi mang thai có rất nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là những dấu hiệu bất thường mẹ bầu cần được kiểm tra và điều trị dứt điểm để bảo vệ con yêu khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ.

Bạn không thể biết được một cơn đau bất thường là hiện tượng bình thường của cơ thể hay là dấu hiệu cảnh báo một ca bệnh khẩn cấp. Dưới đây là các triệu chứng bạn cần hết sức chú ý khi mang thai.

Nhưng ngay cả khi gặp phải những dấu hiệu khác không nằm trong danh sách này thì bạn cũng nên đề phòng hơn là chịu đựng hàng giờ đồng hồ.

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng này phụ thuộc vào thời kì mang thai và tình hình sức khỏe của bạn ở thời điểm đó. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi gặp phải các dấu hiệu bất thường trong quá trình mang thai của bạn.

– Thai nhi ít chuyển động hoặc ít đạp hơn bình thường (tính từ khi thai biết chuyển động đều đặn). Bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia khi muốn giám sát hoạt động của thai nhi bằng việc đếm số lần chuyển động của thai hàng ngày. Họ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn cách đếm và thời gian đếm.

– Đau bụng dữ dội và dai dẳng.

– Xuất huyết âm đạo hoặc xuất hiện các vết đốm ở âm đạo.

nhung-dau-hieu-khong-duoc-coi-thuong-khi-mang-thai

– Tăng dịch tiết âm đạo hoặc dịch có những dấu hiệu bất thường như dịch loãng, nhớt hoặc có máu. Lưu ý rằng: Sau tuần thứ 37, lượng dịch nhầy gia tăng là dấu hiệu bình thường.

– Đau vùng chậu (khiến bạn có cảm giác thai nhi đang đẩy xuống), đau lưng dưới, đau bụng, hoặc bị co thắt hơn 4 lần trong một giờ (ngay cả khi cơn co không làm bạn đau) trước tuần thứ 37.

– Đau buốt khi đi tiểu, tiểu ít hoặc không buồn tiểu.

– Nôn nhiều và kéo dài, nôn kèm theo các cơn đau hoặc sốt.

– Ớn lạnh hoặc sốt trên 38 độ.

– Rối loạn thị giác như nhìn một thành hai, nhìn nhòe và mờ hoặc có đốm sáng ở mắt.

– Đau đầu nặng và kéo dài hoặc đau đầu kèm theo các dấu hiệu như mờ mắt, nói lắp.

– Sưng mặt hoặc sưng bọng mắt, phù nề chân tay nặng bất thường, tăng cân nhanh không thể kiểm soát (tăng gần 2kg trong một tuần).

– Bị chuột rút hoặc đau bắp chân dai dẳng làm bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi duỗi chân và trỏ ngón chân về phía mũi hoặc khi đang đi bộ hoặc khi một chân bị sưng to hơn bất thường.

Tăng cân không kiểm soát cũng là một dấu hiệu bất thường khi mang thai.

– Chấn thương vùng bụng (do ngã hoặc tai nạn xe hơi).

– Ngất xỉu, hay chóng mặt, tim đập nhanh và huyết áp tăng.

– Khó thở, ho ra máu, đau ngực.
– Táo bón kèm theo đau bụng hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một ngày.

– Ngứa dai dẳng phần thân, cánh tay, chân, lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc ngứa toàn thân.

– Nhiễm cúm hoặc có các triệu chứng bị cúm. Cả cúm thông thường và (cúm heo) H1N1 rất nguy hiểm đối với phụ nữ mang thai. Vì vậy, hãy báo cho bác sĩ ngay nếu bạn có tiếp xúc với người bị cúm hoặc nếu có bất kỳ triệu chứng nào của cúm như sốt, đau họng, ho, chảy nước mũi, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau nhức cơ thể, cảm lạnh và có khi cả nôn mửa và tiêu chảy.

– Bị thủy đậu hoặc sởi Đức khi không có khả năng miễn dịch tốt hay khi đã có dấu hiệu nhiễm bệnh.

– Trầm cảm và lo lắng quá mức. Nếu bạn cảm thấy buồn hay vô vọng, thậm chí là hoảng loạn và không thể giải quyết nổi những vấn đề thường ngày hoặc có ý nghĩ làm đau chính mình thì hãy tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia ngay lập tức.

– Khi gặp bất kì vấn đề về sức khỏe khác bạn cũng nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ ngay cả khi nó không ảnh hưởng tới việc mang thai (như bệnh hen hoặc cảm lạnh)

Cơ thể của phụ nữ mang thai thay đổi rất nhanh vì thế khó có thể biết được những sự thay đổi mà các mẹ đang trải qua là bình thường hay không. Nếu bạn không chắc chắn về các triệu chứng đó hay cảm thấy khang khác, không thoải mái thì hãy gọi ngay cho bác sĩ. Họ sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ bạn cũng như làm bạn cảm thấy an tâm hơn.

Nếu bạn đang đến gần ngày dự sinh, cần phải chú ý các dấu hiệu chuyển dạ để biết cần chuẩn bị những gì và khi nào thì nên gọi cho bác sĩ.

Nguồn blogtamsu

Leave a Reply

Or