Những đặc điểm cực đáng yêu ở bé lên 4

4 tuổi là giai đoạn quan trọng đánh dấu sự độc lập ở bé. Bé phát triển các kỹ năng như tự cởi áo khoác, không quấy khóc khi đi mẫu giáo…

Bé có thể hoàn thành tốt nhiều việc nếu được cha mẹ giao phó và chỉ dẫn cụ thể.

Đặc điểm độc lập ở bé được thể hiện bằng phản ứng mạnh: “Con biết rồi. Con tự làm được” khi bạn muốn giúp đỡ bé đánh răng, mặc quần áo, dọn bàn ăn hoặc bất cứ hoạt động nào khác.

Thể chất của bé đã dần hoàn thiện, vì vậy, nhiều bé không “ưa” nếu bị cha mẹ chỉ đạo phải làm thế này, thế khác. Những lúc như vậy, bạn nên kiên nhẫn uốn nắn những hành vi sai cho bé. Bạn không nên vội kết luận bé cứng đầu vì độc lập là một yếu tố có lợi cho bé.

4 tuổi, bé có thể tự mình mặc quần áo dù có cài nhầm cúc hoặc bé “ngố” đến mức luôn đi tất trái. Quần áo của bé, bạn nên xếp thành những ngăn riêng biệt trong tủ và để bé tự chọn lựa.

Bạn vẫn cần để mắt tới bé sau khi bé đánh răng hoặc rửa tay. Bé 4 tuổi chưa đủ nhận thức và kỹ năng để đánh răng hoặc vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Bạn có thể để bé tự làm nhưng nên quy định thời gian, các bước vệ sinh cơ bản và kiểm tra kết quả sau đó.

Bạn nên kiểm soát bé chặt chẽ hơn trong giờ ăn. Khuyến khích bé ăn đa dạng và chia nhỏ nhiều loại thức ăn để bé không bỏ phí.

Những đặc điểm cực đáng yêu ở bé lên 4 1
Ảnh minh họa

Bé hay tò mò

Bé 4 tuổi có tính tò mò cao. Bạn không nên để bé tự ý xem tivi hoặc chơi game trên máy tính vì bé có thể bị nghiện. Bạn không cần cấm đoán nhưng nên giới hạn thật nghiêm ngặt nội dung, thời gian và tần suất của bé trước màn hình.

Nếu đưa bé đi siêu thị hoặc dã ngoại, bạn cũng nên thường xuyên trông chừng bé. Bé thích khám phá thế giới theo cách riêng (ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ) nên dễ bị lạc hoặc xảy ra những tai nạn nghiêm trọng.

Bé dễ hòa nhập xã hội

Bé có xu hướng dễ làm quen và vui chơi với nhiều người thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là các em nhỏ bởi vì bé nhận thức được trách nhiệm làm anh (chị) của mình. Bất kể là bạn chơi đã thân thuộc hay những bạn chơi mới, bé cũng có khả năng kết bạn rất tốt mà không cần tới sự trợ giúp của cha mẹ.

Chia sẻ cảm xúc với người xung quanh

So với lứa tuổi trước, giai đoạn này, bé bớt ích kỷ hơn. Bé bắt đầu quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh – nhận ra họ đang vui hay đang buồn. Bé sẽ ôm ấp, an ủi khi thấy bạn khóc bằng một thái độ đồng cảm nhất.

Bé cảm thấy ngượng ngùng nếu bị người khác chê bai về ngoại hình hoặc giọng nói. Bởi vì giai đoạn này, vốn từ vựng của bé khá phong phú nên bé sẵng sàng tranh luận một vấn đề nào đó đến cùng với cha mẹ.

Thực tế, những bé càng nói nhiều hoặc bộc lộ cảm xúc bản thân nhiều là những bé dễ sẻ chia. Cha mẹ nên để bé bày tỏ nỗi buồn, sự giận dữ, sau đó, hướng dẫn bé cách gọi tên và kiểm soát cảm xúc theo hướng tích cực. Bạn có thể chia sẻ với bé: “Mẹ biết là con buồn và tức giận vì bạn Bin giật mất đồ chơi. Lần sau, con nên nói cho bạn ấy biết con không đồng ý với cách chơi này. Nếu bạn ấy cư xử xấu hơn, con có thể nói lại với mẹ để hai mẹ con mình cùng tìm cách giải quyết”.

Bạn nên nhấn mạnh để bé hiểu rằng, việc chia sẻ nỗi buồn với cha mẹ là cách an toàn và hiệu quả. Bạn luôn sẵn lòng lắng nghe bé nói và không bao giờ chế giễu bé.

Hành vi chia sẻ và trợ giúp những người hoạn nạn xung quanh sẽ hình thành cho bé lòng nhân ái. Bạn có thể cùng bé biếu quà cho một người hàng xóm bị ốm, đưa người già qua đường…. Bạn nên nói với bé rằng: “Mẹ rất vui nếu con biết giúp đỡ người khác”.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or