Nhật ký trồng nho trên sân thượng của cặp vợ chồng Sài Gòn

Chị Trân chọn giống nho Pháp ghép thân gỗ, cho thu hoạch sau 9 tháng.

Ngày 14/2 năm nay, thay vì khoe chocolate, hoa hồng như mọi người, chị Lê Thị Ngọc Trân đăng lên trang cá nhân vài bức ảnh chụp những chùm nho đỏ mọng được thu hoạch từ khu vườn sân thượng của vợ chồng chị. Đó là lúc anh chị chạm tay đến ước mơ về một giàn nho xanh, sạch đúng nghĩa và cũng minh chứng cho câu nói: “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Bởi dù đã có thâm niên làm vườn trong nhà phố 7-8 năm, vợ chồng chị Trân lại thất bại ngay lần đầu trồng nho. 

Chị Ngọc Trân kể rằng, cuối năm 2015, vợ chồng chị mua một gốc nho giá 200.000 đồng ngay khu Thành Thái (Sài Gòn) nhưng trồng mãi mà “cây không lớn nổi”. Mất nửa năm, tình hình không cải thiện được, chị quyết định bỏ cây, nhưng vẫn nung nấu ý định gây dựng một giàn nho sạch trên mái nhà. Sau này, khi đã tích lũy được nhiều kiến thức về nho, chị mới phát hiện ra gốc nho đó là nho dại và cách phân biệt với nho ghép là lá nho dại có nhiều lông tơ.

Ghi lại Nhật ký trồng nho sân thượng, chị Ngọc Trân không những muốn chia sẻ niềm vui khi thu hoạch trái ngọt mà còn muốn tạo động lực cho các nông dân không chuyên như vợ chồng chị thực hiện ước mơ. 

Nho thu hoạch từ vườn nhà chị Trân cho vị ngọt thanh.

Nho thu hoạch từ vườn nhà chị Trân cho vị ngọt thanh.

Vợ chồng chị Ngọc Trân chọn giống nho Pháp ghép thân gỗ, có khả năng chịu mưa hơn giống nho xanh Phan Rang, thời gian đậu trái nhanh (khoảng 9 tháng, trong khi với giống khác là hơn một năm). Quá trình gây dựng giàn như được chị Trân ghi lại tỉ mỉ.

Ngày 27/5/2017: Nhận hai gốc nho giống Pháp

Ngày 28/5/2017: Giai đoạn bón lót

– Chuẩn bị chậu trồng có kích thước 80×100 cm

– Xử lý đất trồng: Trộn đều một bao Tribat 50 dm3 với một bao phân bò hoai mục 20 dm3

– Cách trồng: Đổ hỗn hợp đất trên vào 1/3 chậu, đặt gốc nho vào và đổ tiếp một bao Tribat 50 dm3 để lấp thân. Lớp đất này chiếm 2/3 chậu. Kế tiếp, rải thêm một lớp 10 cm đất trộn phân bò đã xử lý ở trên, san đều.

– Đặt chậu ở nơi rộng để cây dễ leo, cố định dây leo với thanh tre dài ép sát nơi muốn cho cây leo giàn

– Tưới nước cho đất mềm, tưới phun sương nhẹ quanh lá

Niềm vui của chị Trân khi giàn nho đậu trái, cũng là lúc ước mơ của chị thành sự thực.

Niềm vui của chị Trân khi giàn nho đậu trái, cũng là lúc ước mơ của chị thành sự thực.

Ngày 31/5/2017: Bón phân

– 4 ngày sau khi cắm gốc, trộn đều 200 gr phân lân và 50 gr phân ba màu, bón quanh gốc hoặc rải mặt chậu, sau đó tưới nước

– Lựa chọn cành to, đẹp và dài hơn cả làm “cành cha”, chuẩn bị cắt hết tất cả cành búp khác trên thân gốc

Ngày 13/6/2017: Cắt cành

– Cắt tất cả các cành nhánh trên thân cây, cắt sát mắc (nách), chỉ chừa lại “cành cha” và chống cây tre cho dây nho leo giàn.

– Tưới nước 2 lần/ngày nếu trời mưa nhiều; trời nóng không mưa thì tưới 3-4 lần/ngày

Ngày 16/6/2017: Làm giàn

– Chiều cao của giàn khoảng từ 1,8m đến 2m để tiện chăm sóc sau này.

Ngày 31/9/2017: Giai đoạn kích cành

Giai đoạn này kéo dài 4-5 tháng tính từ lúc cắm gốc bón phân lần đầu tiên. Lặp lại những thao tác dưới đây cho tới khi cây nho leo kín giàn

– Việc cắt ngọn lần đầu tiên được thực hiện khi “cành cha” cao hơn giàn 15-20 cm và cành chuyển thành màu nâu gỗ (chuyển thành thân gỗ). Dùng kéo bấm ở ngọn và vài ngày sau tại đó sẽ nứt ra 2-3 chồi con. Đây gọi là cành con “cấp 1”.

– Khi các cành con “cấp 1” dài được khoảng 100-120 cm và cành chuyển sang màu nâu gỗ, cắt ngọn cho các cành con cấp 1 này. Tại mỗi vị trí cắt sẽ nứt ra thêm 2-3 cành con nữa, gọi là cành con “cấp 2”.

– Thực hiện kỹ thuật cắt cành tương tự hai bước trên để có cành con “cấp 3, 4”. Cây leo kín giàn thì được chuyển sang giai đoạn kích trái.

– Lưu ý: Bón 50 gr phân ba màu khi bắt đầu giai đoạn kích cành, sau đó cứ 30 ngày lại bón 50 gr phân ba màu một lần và duy trì tưới nước 2 ngày/lần.

Cách bấm cành kích trái.

Cách bấm cành kích trái.

Ngày 20/12/2017: Giai đoạn kích trái

Giai đoạn này kéo dài 3-4 tháng kể từ khi nho đã leo kín giàn. Theo chị Trân, đây cũng là giai đoạn khó nhất và cần thực hiện các bước dưới đây.

– Sau giai đoạn kích cành, giàn nho sẽ ra nhiều cành thân gỗ, tiếp tục bấm cành tại tất cả các cành thân gỗ sẽ mọc ra “cành non”. Vị trí trên “cành non” mà có lá nho mọc trên cành gọi là mắc (hoặc nách) cành nho. Tiến hành cắt bỏ tại vị trí mắc từ 2 cm đến 3 cm trở đi, không cắt phần lá nho tại vị trí mắc.

– Nếu tiến hành đúng kỹ thuật thì sau 10-15 ngày, cây sẽ ra hoa tại các vị trí mắc đã bấm. 20 ngày tiếp, hoa sẽ chuyển sang trái non và trái bắt đầu ửng đỏ sau khoảng 20 ngày nữa. Nho có thể được thu hoạch sau 1 tháng từ khi trái chuyển đỏ.

– Trong giai đoạn bắt đầu kích trái cần bón 50 gr phân ba màu, sau đó cứ 30 ngày bón thêm một lần. Duy trì tưới nước 2 ngày/lần, không thực hiện bấm cành kích trái cho các cành nho đã chuyển sang thân gỗ. Nho đã chín có thể ở trên giàn được 1 tháng.

Ngày 6/1/2018: Giàn nho ra chùm hoa đầu tiên

Ngày 18/1/2018: Hoa kết thành chùm nho đầu tiên

Từ ngày 27/5/2017 đến 13/2/2019, chị Trân đã thu hoạch được 4 đợt trái. Sau một đợt, chị dọn sạch giàn, tỉa hết lá và tiến hành bấm ngọn như trên.

Theo Ngoisao.net

Leave a Reply

Or