Nhắc mẹ bầu 8 việc quan trọng nhưng hay quên trong suốt thai kỳ

Hạn chế nằm ngửa, không tắm quá lâu hoặc không nên bồi bổ quá nhiều là những điều có thể mẹ bầu biết nhưng rất hay quên.

1. Hạn chế nằm ngửa khi ngủ
Khi mang thai, kích thước tử cung của phụ nữ tăng lên đáng kể nên nếu mẹ bầu nằm ngửa sẽ gây áp lực lên mạch máu của cột sống, dẫn đến giảm nguồn cung cấp máu đến não và thai nhi. Vì vậy, không chỉ mẹ bầu cảm thấy chóng mặt, tim đập thình thịch và có cảm giác khó chịu mà thai nhi cũng bị thiếu oxy dẫn đến thiếu máu cục bộ.
Ngoài ra, tư thế nằm ngửa còn có thể gây ảnh hưởng đến niệu quản, làm giảm lượng nước tiểu của mẹ bầu, lâu dần dễ sinh ra chứng phù chân tay. Các chuyên gia y tế khuyên mẹ bầu nên chọn tư thế nằm nghiêng (một số ý kiến cho rằng nằm nghiêng trái tốt hơn) trong khi ngủ để tốt cho cả mẹ và em bé trong bụng.
Nhắc mẹ bầu 8 việc quan trọng nhưng hay quên trong suốt thai kỳ 1
2. Không cúi gập người trong thời gian dài
Một số phụ nữ mang thai thường xuyên gập người, cong người trong khi làm việc nhà hoặc khi đi xe, lái xe và tin rằng điều đó không gây ảnh hưởng gì. Nhưng trên thực tế, tư thế gập bụng, cong người rất dễ gây kích ứng cho tử cung, khiến mẹ bầu tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
3. Không tắm nước quá nóng
Trong 15 – 56 ngày đầu tiên của thai kỳ, phôi thai mới đang trong giai đoạn đầu hình thành và phân hóa nên cực kỳ nhạy cảm với sự thay đổi của nhiệt độ, đặc biệt các mô thần kinh trong “cơ thể” thai nhai. Nếu mẹ bầu thường tắm nước quá nóng hoặc ở lâu trong môi trường có nhiệt độ cao có thể dẫn tới dị tật hệ thần kinh thai nhi, làm tăng nguy cơ nứt đốt sống thai nhi khoảng 3 lần. Mẹ bầu chỉ nên tắm nước nóng ở nhiệt độ 35 – 38 độ C là phù hợp.
Nhắc mẹ bầu 8 việc quan trọng nhưng hay quên trong suốt thai kỳ 2
4. Không tắm quá lâu
Mẹ bầu chỉ nên tắm trong khoảng 15 – 20 phút vì nếu thời gian tắm bị kéo quá dài sẽ khiến mẹ bầu dễ bị mệt mỏi, chóng mặt, cảm giác khó chịu. Nếu thời tiết lạnh, việc tắm quá lâu có thể làm mẹ bầu bị nhiễm lạnh, cảm hàn và làm tăng nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
5. Không ăn lẩu tái
Trong cơ thể của nhiều loài gia súc như bò, dê… có chứa rất nhiều kí sinh trùng toxoplasma gondi nên khi ăn lẩu, mẹ bầu chỉ nhúng qua hoặc chần tái thịt của những loại gia súc này sẽ dễ dàng bị nhiễm loại kí sinh trùng trên, có thể gây sẩy thai, sinh non.
6. Không sử dụng đồ uống có chất kích thích
Một số loại đồ uống có chứa chất kích thích như trà đặc, cà phê, socola… có thể làm tăng nguy cơ giãn cơ thực quản, thúc đẩy trào ngược axit trong dạ dày, gây nên chứng ợ nóng rất khó chịu cho mẹ bầu.
Nhắc mẹ bầu 8 việc quan trọng nhưng hay quên trong suốt thai kỳ 3
7. Không uống thuốc tùy tiện
Trong thời gian mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn đầu, mẹ bầu có nguy cơ cảm mạo, phát sốt hoặc xuất hiện một số triệu chứng bất thường khác. Gặp trường hợp như thế này, mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc (mặc dù có thể trước đây bạn đã sử dụng đơn thuốc này cho tình trạng bệnh tương tự) vì thai nhi đặc biệt mẫn cảm với các loại thuốc. Hãy tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và kê đơn thuốc phù hợp để đảm bảo vừa tốt cho sức khỏe mẹ bầu vừa không gây ảnh hưởng đến thai nhi.
8. Không nên ăn quá nhiều, quá bổ
Đúng là khi mang thai mẹ bầu cần tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể nhưng không nên hiểu quan niệm này một cách quá cực đoan bằng cách ăn không hạn chế và cứ thấy cái gì bổ là ăn. Bởi nếu ăn quá nhiều chất béo, chất bổ trong khi mang thai không chỉ dẫn đến cao huyết áp thai kỳ mà còn khiến thai nhi phát triển quá lớn, gây khó khăn cho việc sinh nở sau này.
Theo Afamily

Leave a Reply

Or