Nhà báo Thu Hà nói về khủng hoảng đầu lớp 1 của con: Hay chăng cũng chỉ là “cơn bão trong tách trà”?

Nhiều mẹ bảo nhau đưa quà cho cô ngày con vào lớp 1 để mong cô ưu ái con mình! Xin đừng! Cô càng ưu ái thì con càng dễ hỏng chứ được cái gì đâu. Ba mẹ đâu có chạy theo con cả đời để lo lót được?

Được biết tới là một trong những người mẹ có phương pháp nuôi dạy con hiện đại được rất nhiều bà mẹ tin tưởng, nhà báo Thu Hà – mẹ của hai bé Xu và Sim mới đây nhất, đã có những quan điểm rất thẳng thắn về câu chuyện trước thềm con vào lớp 1.

Nhà báo Thu Hà nói về khủng hoảng đầu lớp 1 của con: Hay chăng cũng chỉ là cơn bão trong tách trà? - Ảnh 1.

Con vào lớp 1, con đi bộ đội!

Chỉ khoảng 2 tuần mà tôi nhận hàng trăm tin nhắn trong inbox, hầu hết là lo lắng hoảng hốt của ba mẹ vào năm học mới, con vừa vào mẫu giáo hay lớp 1. Tôi xin lỗi ko thể trả lời được hết. Con khóc nhè, con kém cỏi, cô chê học chậm, viết xấu, kém bạn bè, con không thể làm hết bài tập, cô không công bằng, cô vô lý …

Có phải là chúng ta đang kỳ vọng quá ko? Giáo viên cũng là con người. Đối diện với 40, 50, thậm chí 60 trẻ, mà đứa nào cũng là con vàng con bạc, công chúa hoàng tử ở nhà không à. Ở nhà 1 mình nó bạn đã muốn xỉu rồi. Còn cô, trong cái nóng tháng 9, với cái quạt trần lừ khừ, với bộ áo dài tha thướt, tay áo, cổ áo kín, lượt thượt, vướng víu, đi, đứng, ngồi xổm, ngồi bệt đều khó khăn… bạn sẽ làm sao?

Nhiều mẹ bảo nhau đưa quà cho cô để mong cô ưu ái con mình! Xin đừng! Cô càng ưu ái thì con càng dễ hỏng chứ được cái gì đâu. Ba mẹ đâu có chạy theo con cả đời để lo lót được?

Đó là chưa kể con còn bị ghẻ lạnh khi mọi người nhận ra sự ưu ái bất thường đó. Sẽ có bàn tán, xì xầm, và những ánh mắt, hic hic… ánh mắt thôi đã đủ cứa tím tim gan rồi, nhất là ở lứa tuổi nhạy cảm này. Áp lực lắm, học kém thì bị chê, điểm cao thì bị coi thường, không có vui gì đâu à nha.

Nhà báo Thu Hà nói về khủng hoảng đầu lớp 1 của con: Hay chăng cũng chỉ là cơn bão trong tách trà? - Ảnh 2.

Trong cuốn “How will you measure your life?”, Giáo sư Clay M. Christensen nói: “Ngẫm lại, tôi thấy thành công của mình đến từ những thứ cha mẹ tôi KHÔNG cho tôi!”. Ông đã đúc kết công thức thành công của những đứa trẻ gồm 3 yếu tố:

1. Resources: Nguồn lực kiến thức, kỹ năng, năng khiếu, cơ hội.

2. Processes: Năng lực xử lý/ giải quyết vấn đề và sức chịu đựng dẻo dai của đứa trẻ.

3. Priorities Các mối ưu tiên để tự ra quyết định.

Nên là, cứ bình tĩnh, các mẹ ạ! Đi học lớp 1 đâu phải là tập viết, là cộng trừ các số trong phạm vi 10 hay 100 đâu! Nếu chỉ có thế thì để con ở nhà học lẹ hơn nhiều.

Đi học lớp 1 là để con bước vào cuộc sống, va chạm và tương tác với những người lạ, để con học cách tôn trọng người khác, cách chơi cùng người khác, cách phản ứng với người khác, cách đi cùng, hợp tác với người khác.

Con học cách nhận lời khen, và quan trọng hơn, học cách nhận lời chê.

Con biết được rằng thế giới này không phải toàn màu hồng, không phải ai cũng chiều chuộng mình vô điều kiện như ở nhà.

Nhà báo Thu Hà nói về khủng hoảng đầu lớp 1 của con: Hay chăng cũng chỉ là cơn bão trong tách trà? - Ảnh 3.

Thế giới này có luật lệ, và có thưởng phạt.

Thế giới này có bất công và vô lý nữa.

Cho nên, tất cả những việc trên lớp, như cô giáo nặng lời, cô giáo nói năng cộc lốc, cô giáo khẻ vào tay con, hay việc bạn bè chảnh chọe khó chịu, hay việc cô giáo chấm điểm bất công, cô giáo phạt vô lý…. Tất cả những điều đó đều là bài tập về nhà!

Vậy nên, công việc của bố mẹ không phải là cầm tay con viết hết 1 trang, làm toán cho hết 5 bài cô giao… mà là trò chuyện với nhau thật nhiều, dành thời gian cho nhau thật nhiều, ôm nhau, ấu yếm, tâm sự, tìm hiểu ngóc ngách những chuyện xảy ra trên lớp với cô giáo và các bạn. Nhìn vào con thật sâu, xem con có khủng hoảng không? Con có vượt qua được những ấm ức đầu đời này không? Khi đối diện với những vô lý, bất công trên lớp con mình thế nào? Khóc lóc bỏ đi, đổ sụp, hay chửi lại, hay bất cần, hay tiếp tục tiến lên?

Những dặn dò con về viết và làm toán, nó sẽ quên ngay ấy mà, nhưng cách cha mẹ ứng xử với những khủng hoảng đầu năm này, cách ba mẹ lựa chọn, và thậm chí ánh mắt của mẹ lúc mẹ quyết định… sẽ là bài tập về nhà quan trọng của con, cả đời ấy ạ.

Ghi chú với những bà mẹ đắm đuối vì con (giống tôi) là đừng nhìn mọi việc bằng con mắt nhạy cảm quá. Con đã bị cô la mắng, về nhà lại nhìn thấy mẹ đau đớn, con càng dễ suy sụp.

Ngày xưa, có lần tôi ngồi trong chỗ khuất nhìn thấy Xu bị bạn bắt nạt. Xu buồn, tất nhiên, nhưng vẫn chơi tiếp được. Và khi tôi tới nơi, nhìn vẻ mặt xót xa của tôi, Xu đã òa khóc nức nở, và bỏ về!

Bạn có bao giờ thấy con mình, té ngã từ sáng, chỉ khóc chút chút, và đợi tới chiều gặp mẹ kể lại cho mẹ nghe và khóc nức nở đau đớn chưa?

Như khi ngồi trên máy bay bay qua vùng không khí nhiễu động, tốt nhất là cứ thắt chặt dây an toàn, ngồi yên chờ đợi. Lúc đó mà đoàn tiếp viên chạy loạn cào cào lên, xót xa, than khóc cầu cứu, vội vàng quyết định hành khách đeo dù nhảy qua ngoài… thì chán nhỉ! Mẹ phải vững hơn 1 bậc, đau đớn ít hơn con 1 bậc.

Bởi vì cuộc sống là như thế, không bao giờ trọn vẹn như ta muốn, mọi thứ đều có thể xảy ra. Nhưng luôn có đủ thời gian để chờ con mình và giáo viên bình tâm, để lớp đi vào ổn định.

Bài tập về nhà của mẹ là: làm sao biến to thành nhỏ, biến nhỏ thành không có, nhẹ lành mà đi lên.

Rồi sau này sẽ thấy, những khủng hoảng đầu lớp 1 cũng chỉ là “cơn bão trong tách trà” mà thôi.

Theo Tri Thức Trẻ

Leave a Reply

Or