Người mẹ tội lỗi

Cô không thấy đau đớn gì, chỉ thấy sau mỗi lần ấy, cái hố sâu ngăn cách giữa cô và người mẹ tội lỗi ngày một sâu thêm, rộng ra.

Mẹ sinh ra cô năm mẹ 17 tuổi với bao điều tiếng dị nghị, dèm pha của thiên hạ bởi quá khứ chơi bời khét tiếng, giờ lại phạm phải một cái tội tày đình, ấy là tội “chửa hoang”. Nghe phong thanh có người kể lại, lúc mẹ sắp sinh cô, còn có người xông vào nhà chửi bới dọa giết vì họ nghĩ cô là “thành tựu” của mối quan hệ bất chính giữa chồng họ và mẹ.

Đang cơn đau, mẹ nghe có tiếng chửi bới mình, vẫn cố xông ra cửa tay đôi “chém chả” với người đàn bà kia. Hai bên “nộ khí xung thiên” chuẩn bị “giáp lá cà” thì mẹ khụyu xuống rồi ngất lịm đi. Hôm đó, nếu khống có mấy người láng giềng tốt bụng thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra?

Sau khi “mẹ tròn con vuông” được ít bữa, mẹ khăn gói rời làng ra đi, để cô lại cho bà ngoại chăm sóc. Hàng tháng mẹ chỉ đều đặn gửi tiền về, còn mẹ đi đâu, làm gì, chẳng ai hay biết.

Ở với bà ngoại được chục năm thì bà mất. Nhà chẳng còn ai, mẹ cô đành về bán hết ruộng vườn rồi đưa cô lên thành phố học tiếp. Cô chẳng nhớ gì nhiều thời gian đó, mà cũng chẳng muốn lưu tâm quãng đời đen tối ấy của mình. Nhưng có những kí ức xám xịt về người mẹ tội lỗi cứ đeo đẳng cô mãi đến giờ…

Khi cô còn nhỏ, nghe chúng bạn gièm pha, trêu chọc là “loại không cha”, cô ức lắm. Về nhà, cô mếu máo hỏi mẹ thì mẹ cô làu bàu “Hỏi làm gì? Bố mày là cái loại bỏ đi!” rồi xua tay đuổi cô ra ngoài.

Thêm vài lần uất ức, tủi thân nữa là ngần ấy cái xua tay đuổi đi của mẹ. Dần dần, cô không thiết tha chuyện biết bố mình là ai nữa. Cô đành để trong lòng suy nghĩ về một ông bố có tên là “đồ bỏ đi” ấy.

Mẹ có rất nhiều “bạn trai” đến nhà. Có người đến một vài lần, có người ngủ qua đêm rồi đi, có người ở liền mấy tuần. Người “bạn trai” nào đến nhà, mẹ cũng bắt cô ra chào rồi gọi bằng “bố”.

Lần đầu, cô ngây thơ hỏi “Bố con đây hả mẹ?”. Mẹ đằng hắng “Ừ, bố mày đấy! Mày nịnh khéo vào rồi bố mày mua quà cho”. Cô vui lắm, cứ tưởng bố mình thật, lân la làm thân rồi mè nheo đủ thứ. Chỉ đến khi bố 1 đi mất, bố 2 và  bố… n đến thì cô biết bố thật của cô chính xác là người đàn ông có tên “đồ bỏ đi” mà mẹ nói ngày trước.

Ăn mãi rồi cũng lớn, sống mãi trong cái cảnh khốn nạn ấy quen nên người ta cũng thấy bình thường. Cô vào cấp 3. Mẹ và cô dường như chẳng có điều gì để nói với nhau, mỗi người sống trong 1 thế giới riêng của mình.

Cô cứ ăn, đi học, về nhà là chui vào phòng, hậm hực với đời rồi đi ngủ. Mẹ cô thì thoảng vẫn bắt cô ra trình diện “bố” mới nhưng cô kiên quyết ở lì trong phòng giả điếc. Lúc “bố” về, cô mở cửa phòng ra thì cũng là lúc phải chịu trận của mẹ.

Hôm mẹ vui thì cô chỉ bị vài câu mắng qua loa: “Mày có phải là con tao không mà sao mày ngu thế? Mày nói vài câu thì mày có chết đâu…”, cô cứ lì mặt ra nghe chửi là xong chuyện. Nhưng hôm mẹ bực mình thì mẹ “thưởng” cho vài cái cán chổi, hoặc mấy cái bạt tai là chuyện thường.

Lúc đầu, cô cũng thấy oan ức lắm, giờ bị đánh chửi nhiều thành ra cũng quen. Cô chả thấy đau đớn gì. Chỉ thấy sau mỗi lần ấy, cái hố sâu ngăn cách giữa cô và người mẹ tội lỗi ngày một sâu thêm, rộng ra.

Nhiều khi cô cũng tự hỏi “Người mẹ tội lỗi ấy có phải là mẹ mình không? Sao mình thấy người đàn bà ấy xa lạ thế này?”. Nhưng câu hỏi ấy mãi mãi như nhát dao chém vào thinh không, cô chẳng thể tìm ra câu trả lời.

Một hôm, cô đi dã ngoại với các bạn trong lớp, chẳng may bị ngã gãy tay. Mẹ cô nhìn thấy cô về nhà với khuôn mặt xây xát vẫn còn nhiều vết máu khô và cánh tay bó bột trắng xóa, không một lời hỏi thăm hay một ánh mắt xót thương, mẹ làu bàu đay nghiến: “Mắt mũi mày để xuống… đít hay sao mà thành ra thế này? Đúng là ngu lâu!”.

Cô im lặng, chạy nhanh lên phòng đóng chặt cửa rồi úp mặt xuống gối khóc òa. Chẳng phải vì cánh tay đau, vì những vết xước trên mặt mà vì trái tim cô đang đau nhói trước những lời cay nghiệt của mẹ.

Một hôm lâu sau, cô thấy có tiếng mẹ khóc thảm thiết dưới nhà. Cô liền đi xuống hỏi nguyên nhân thì mẹ cô nức nở: “Ông T người yêu tao chết rồi!”. Cô im lặng, đứng dậy nhìn thấy mẹ đang vật vã đau khổ, trong lòng tự dưng dấy lên nỗi hờn ghen khôn tả: “Sao lúc con đau, mẹ chẳng khóc lấy 1 lời. Nhân tình của mẹ chết thì mẹ xót thương như thể gia quyến?”. Bất giác, cô nhếch mép cười…

theo: camnanggiadinh

Leave a Reply

Or