Nghén mặn có nguy hiểm?

Nghén mặn là tình trạng nghén vô cùng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều loại bệnh nghiêm trọng cho mẹ bầu và thai nhi.
 Vất vả kìm hãm sở thích ăn mặn của mẹ bầu

Nghe chị em đồn thổi ăn mặn sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ như bị phù, cao huyết áp thai kỳ, chị Loan (Biên Hòa, Đồng Nai) lo nơm nớp vì ngay từ khi còn trẻ chị đã là “cao thủ” ăn mặn. Đến khi có bầu bé Sóc, không giống như các chị em khác thèm ngọt hay thèm chua, chị lại toàn thèm các món mặn như kho quẹt, cá khô, mắm tôm hay mắm ruốc. Mặc dù cố gắng ăn ít, nhưng chị vẫn thấy lo khi đến tháng thứ 6 của thai kỳ, chị bị phù nề khá nặng.

Trong khi đó, chị Xuân (Lái Thiêu, Bình Dương) lại không hề có thói quen ăn mặn lúc còn con gái, nhưng đến khi có thai lần đầu thì chị thay đổi “180 độ” làm chồng và cả nhà choáng váng với sở thích ăn các món mặn rất hỡi ơi của mình. Biết rằng ăn rau rất tốt cho thai nhi, nhưng anh Hải, chồng chị, vẫn cảm thấy lo lắng không yên khi lần nào ăn rau chị cũng kè theo một chén nước chấm to đùng. Ăn xoài, ổi hay trái cây, chị lại chỉ ăn muối chấm là chủ yếu. Mặc dù nghe nói bà bầu thèm mặn sẽ sinh con trai, bản thân lại rất mong có một cậu quý tử, nhưng anh Hải lại rất khó chịu khi nhìn thấy vợ ăn mặn vì sợ ảnh hưởng sức khỏe hai mẹ con. Thế là, trong khi chị vẫn thèm thuồng món mặn, anh liên tục ép chị phải ăn nhạt hoặc ăn các món ngọt, món chua… Sau một tuần áp dụng chế độ ăn “đặc biệt” của anh Hải, chị Xuân chẳng những không bỏ được món mặn, mà với các món ăn khác chị cũng quyết từ bỏ không thương tiếc. Kết quả là không chỉ thất bại khi áp dụng thực đơn kiêng mặn, hai vợ chồng còn nảy sinh tranh cãi vì chị Xuân cho rằng chồng không hiểu và chìu chuộng mẹ con chị, còn anh Hải lại nghĩ vợ chẳng biết thương con vì ăn mặn sẽ ảnh hưởng không tốt đến bé.
Nguy cơ rình rập vì mẹ bầu nghén mặn

Nước lọc, nước hoa quả không đường giúp bà bầu đáp ứng được
nhu cầu về nước của cơ thể. (ảnh minh họa)

Nguyên nhân và ảnh hưởng từ việc bà bầu ăn mặn

Thay đổi hormone trong thời kỳ mang thai, tình trạng ốm nghén hay thiếu nước, bà bầu thường thấy nhạt miệng do cơ thể dự trữ nước nhiều hơn khi bầu bí làm tăng nhu cầu về muối natri…, đây được cho là những nguyên nhân khiến nhiều chị em thèm ăn mặn. Một nguyên nhân khác của tình trạng “nghén” món mặn là do cơ thể bà bầu đang bị thiếu muối trầm trọng, thường là hậu quả của thói quen ăn nhạt trước đó.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thông thường, một phụ nữ tiêu thụ khoảng 1000 – 2000 mg muối/ngày. Khi mang thai, nhu cầu về muối có thể tăng lên gấp đôi, khoảng 2000 – 4000 mg/ngày. Nhu cầu về muối tăng, kéo theo sở thích chọn các món mặn trong thực đơn của bà bầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chị em có thể tha hồ ăn món mặn tùy thích hay tăng thêm lượng muối khi nêm nếm thức ăn, bởi ăn mặn thiếu kiểm soát được xem là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe khi mang thai.

Ảnh hưởng đầu tiên của việc ăn mặn quá độ trong thai kỳ chính là việc bà bầu sẽ thường xuyên bị khát nước và cảm thấy thiếu nước, lượng chất trong cơ thể vì thế cũng mất cân bằng gây ra tình trạng mệt mỏi, khó ở. Thói quen ăn mặn còn làm giảm sự bài tiết nước bọt, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi trùng trong đường hô hấp sinh sôi, dẫn đến sức đề kháng niêm mạc miệng yếu đi và bà bầu dễ bị chứng viêm họng hoành hành. Tác hại lớn nhất của việc thường xuyên ăn quá mặn là xát suất bà bầu phải đối mặt nguy cơ phù nề và cao huyết áp bất thường tăng cao hơn thường lệ.

Bí quyết giúp bà bầu hạn chế thèm món mặn

Nhận thức được nguy cơ có thể xảy ra khi ăn quá mặn trong thai kỳ sẽ giúp các mẹ bầu có thêm động lực thiết lập một chế độ ăn uống riêng nhằm hạn chế tối đa việc hấp thụ quá nhiều muối. Một số bí quyết loại bỏ bớt muối và đồ ăn mặn khá thú vị và bổ ích mà chị em có thể tham khảo ngay sau đây:

Từ từ thay đổi và thích nghi với chế độ ăn nhạt dần. Bất cứ thay đổi nào về sở thích hay thói quen đều cần có một giai đoạn chuyển giao và thích nghi nhất định, ngay cả việc thèm ăn mặn của bà bầu cũng vậy. Vì thế đừng đột ngột loại bỏ hoàn toàn các món mặn ra khỏi thực đơn của bà bầu mà nên thực hiện từ từ, từng bước một theo cách chế biến món ăn ngày càng nhạt dần. Đầu tiên có thể hạn chế dùng nước chấm trong bữa ăn hoặc pha nước chấm loãng hơn. Đồng thời lượng muối dùng nêm nếm các món ăn cũng nên giảm từ từ một cách hợp lý để cơ thể quen dần. Cũng có thể thay đổi thói quen chế biến món ăn như: thay vì cho nhiều muối vào cháo hay canh, bạn có thể thêm một lượng vừa đủ các loại rau xanh để góp phần dung hòa bớt vị mặn của muối, đồng thời tăng chất xơ và các vitamin cần thiết cho cơ thể; nên chọn những món luộc hay hấp thay cho các món xào, rang, kho; hạn chế ăn dưa muối, hành củ, củ cải muối…

Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn. Bà bầu thèm mặn thường tích trữ bên mình các món ăn chế biến sẵn như ô mai, mứt hoa quả sấy khô, khoai tây rán, bánh quy mặn… Các món ăn này chứa lượng muối khá lớn. Do đó, nếu quá thèm mặn, bạn chỉ nên mang theo một lượng nhất định, chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày và cố gắng ăn đúng khẩu phần đó. Điều này sẽ giúp bạn kiểm soát được lượng muối natri đưa vào cơ thể một cách từ từ. Đồng thời nên tránh ăn xúc xích, lạp xưởng, pho mát, cá khô, các loại mắm… vì những loại đồ ăn này thường dùng nhiều muối trong chế biến để bảo quản lâu hơn.

Tăng cường thực phẩm có ích cho sức khỏe. Chế độ ăn uống hợp lý và khoa học với sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, kết hợp nhiều rau xanh và trái cây tươi sẽ giúp bà bầu giảm dần thói quen ăn mặn. Đồng thời, các loại thực phẩm này lại rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và bé.

Uống nhiều nước. Bà bầu nên tạo thói quen uống nhiều nước trong ngày. Nếu cảm thấy nhạt miệng, bạn nên uống một cốc nước lọc hoặc nước hoa quả vì nước không chỉ giải khát mà còn giúp giải độc, loại bỏ bớt lượng muối trong cơ thể. Chưa kể nước hoa quả không thêm đường sẽ giúp bạn duy trì được quyết tâm kiêng mặn và bổ sung thêm các dưỡng chất hữu ích.

Ăn chậm nhai kỹ. Cách ăn này sẽ giúp bạn cảm nhận trọn vẹn mùi vị của món ăn, nhận thấy món ăn đậm đà hơn, đồng thời lại rất tốt cho hệ tiêu hóa và “đánh bay” cảm giác nhạt miệng – vốn là một trong những tác nhân gây nên chứng thèm mặn của bà bầu.

Khống chế lượng muối đưa vào cơ thể một cách khoa học và hợp lý góp phần rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé yêu, vì vậy, bạn nên kiên trì để chứng nghén mặn dần giảm bớt. Một tin mừng cho các mẹ bầu thèm mặn là hầu hết chứng nghén mặn này sẽ kết thúc khi bạn bắt đầu bước qua quý 2 của thai kỳ.

 

theo: kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or