NÊN PHẠT TRẺ THẾ NÀO?

Chắc hẳn bạn rất lo lắng mỗi khi phải phạt con. Nhưng bạn cũng biết rằng cần phải dạy cho con những nguyên tắc sống và ứng xử nhất định. Vậy bạn phải làm gì nếu con không nghe lời?

 Hình phạt cũng giống như hai đầu của chiếc gậy. Bạn cũng đau mà con cũng đau. Thứ nhất, khi phạt bé (kể cả vì có tội), thấy bé yêu khóc thút thít tự nhiên bạn cảm thấy có lỗi. Và bạn cùng khúc khích với bé để làm bé vui. Trẻ nhỏ rất nhạy với tình cảm của bố mẹ và sẽ nhanh chóng tận dụng tối đa sự “hối hận” của bạn. Kết quả là bé sẽ điều khiển bạn.

2bephat-con-1

 Ngoài ra, cũng có những bậc phụ huynh rèn con theo kiểu độc tài. Họ phẫn nộ mỗi lần bé không nghe lời và muốn nhanh chóng đưa bé vào trật tự. Những trường hợp này bé sẽ nguôi cơn nghịch và một thời gian như vậy sẽ trở nên nghe lời một cách vô điều kiện. Kết quả là sẽ có một cô cậu học trò rụt rè và trong tương lai những con người ấy như thế sẽ khó thuyết phục được ai, kém sáng tạo bởi họ luôn sợ mọi người và mọi hoàn cảnh, như đã từng sợ bố mẹ. Thực chất, ẩn trong sự nghe lời bên ngoài đó là cả một sự nổi loạn ngầm. Thành quả của sự giáo dục độc tài sẽ đổ lên đầu bạn khi con ở tuổi dậy thì – chẳng hay ho gì và còn đáng lo ngại. Vậy đó là mong muốn của bạn ư?

Lựa chọn thông minh

Nếu con không nghe lời, quấy khóc, làm mình làm mẩy, không có nghĩa là có thể bỏ qua thái độ đó. Tất nhiên là phải có cách, nhưng phải là cách dạy dỗ nhân hậu để giúp bé tiến bộ hơn. Vì thực ra bọn trẻ lúc nào cũng sẵn sàng “hợp tác” với người thân mà. Còn nếu bé kháng cự thì hẳn phải có lý do. Sau mỗi hành động của bé là một động lực. Vì vậy trước hết hãy lựa ra xem nguyên nhân do đâu, sau đó hãy bắt tay vào “giáo dục”.

Bạn hãy tìm nguyên nhân. Trẻ em dưới 3 tuổi thường quấy khóc không phải do muốn trêu ngươi bố mẹ (khác với trẻ ở tuổi lớn hơn), mà do quá tải về tinh thần cũng như thể xác. Bé vẫn chưa kiểm soát được cảm xúc của mình, vì vậy không nên phạt bé mà cần thương xót. Hãy ôm bé vào lòng và dỗ dành một lát. Có lẽ bé chưa nguôi ngoai ngay được, bạn hãy kiên nhẫn chờ đợi. Nhưng đừng thuyết phục bé rằng “đừng kêu la nữa, dừng lại”. Ngược lại, hãy để cho bé bày tỏ hết cảm xúc tiêu cực và bé sẽ thấy đỡ hơn. Còn lần sau thì hãy cố gắng không để đến mức bùng nổ như vậy. Hãy nhận biết sự quá tải cảm xúc của con để giúp con thư giãn kịp thời.

Cần tính đến đặc điểm phát triển của con. Mỗi bé sẽ phát triển theo một cạc khác nhau, không bé nào giống bé nào và rất có thể không hề giống với những gì mô tả trong sáh báo. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ không ngăn cản được việc bé cần học hỏi những gì. Khi bé lần đầu biết lẫy, mẹ sững sờ và vui sướng biết bao! Rồi khi đã lẫy thành thạo rồi, bé bỗng ngã từ trên đi-văng xuống, chẳng lẽ lúc đó bạn lại phạt bé sao? Bạn chỉ cần chú ý hơn thôi. Rồi nếu bé bò đến ngắm nhìn mấy cái ổ cắm điện xem chúng là cái gì? Hay bé lôi tuột chiếc khăn trải bàn trên bàn ăn thì sao? Hoặc bé bò vào đám bùn bẩn? Chắc hẳn bạn muốn phạt bé một trận ra trò. Nhưng trước hết, hãy suy nghĩ xem liệu có đáng phải phạt không? Vì thực ra khi thực hiện những hành vi đó, bé không ý thức được là đang quậy phá. Bé chỉ đang nghiên cứu thế giới quanh mình thôi. Còn nhiệm vụ của bố mẹ là giúp cho bé, tạo điều kiện an toàn xung quanh cho bé tìm tòi, hướng bé vào những “nghiên cứu” cần thiết. Và phải giải thích cho bé điều gì được phép, điều gì thì không.

Bạn sẽ không phải phạt con nếu…

• Cho phép bé chạy nhảy nhiều và không “hãm phanh” trí tò mò của bé.

• Biết cách đánh lạc hướng bé đúng lúc.

• Cho phép bé thử nghiệm trên kinh nghiệm bản thân, ví dụ như cho bé thử chạm tay vào ấm trà nóng và biết rằng có thể bị bỏng.

• Đặt ra ít luật lệ nhưng phải có trọng lượng và có tính chất bắt buộc (không được chơi bóng trên vỉa hè, không được ngồi vắt vẻo trên bệ cửa sổ khi các cánh cửa đang mở).

• Nói với bé những điều được và điều cấm bằng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu với bé, hướng dẫn cụ thể cho bé những điều cấm kỵ, lời nói đi đôi với việc làm (“con chỉ được sang đường khi nắm tay mẹ”).

• Nhấn mạnh những điều tốt chứ đừng nói nhiều đến những điều xấu. Thí dụ, bạn và bé tiến đến gần vũng nước, chắc chắn bé sẽ muốn giẫm chân vào đó. Có thể nói: “Mẹ cấm con không được bước vào vũng nước!”, hoặc có thể nói: “Con giỏi quá, bước qua được vũng nước mà chân vẫn khô!”.

• Đối xử với con một cách tôn trọng và hãy cho bé tự do biểu lộ tính cách.

• Không áp đặt và chỉ giúp đỡ bé khi được yêu cầu. Đừng can thiệp vào khi không cần thiết, hãy tạo không gian tự lập cho bé. Thí dụ, ngày trước bé chỉ biết cầm thìa đập vào bàn, bây giờ bé đã biết đưa thìa vào miệng. Đây chính là thời điểm tạo cho bé thói quen tự xúc cơm.

Những hình phạt không nên có

• Không bao giờ được phạt bé bằng hình thức lao động. Có nghĩa là nếu bé không chịu đi ngủ đúng giờ, đừng bắt bé phải đi dọn đồ chơi.

• Những biện pháp hình thể cũng không đạt được kết quả như mong đợi: những cái tát hay vỗ mông có thể làm bé thấy giá trị của bản thân thấp kém. Ngoài ra, khi bị đau, bé chẳng quan tâm đến việc mình làm sai cái gì. Cái bạn cần là sự cảm thông chứ không phải sự vâng lời.

• Và điều tất yếu là đừng bao giờ dọa bé những câu như: “Mẹ sẽ không yêu con nữa đâu…”, “Biến đi, con là đứa hư”. Đối với bất cứ đứa trẻ nào, đó là những câu đáng sợ nhất. Mà đối với trẻ thì không nên ở bất cứ hoàn cảnh nào để cho trẻ nghi ngờ tình cảm của cha mẹ.

Những điều không nên làm

• “Lên lớp” cho bé bằng những bài phát biểu dài ngoẵng. Bé sẽ không thể theo được suy nghĩ của bạn đâu. Trẻ thơ có tư duy riêng của chúng. Vì vậy, chỉ cần nói rõ và ngắn: “Hãy thả con mèo ra. Con làm nó đau đấy”.

• Nói một đằng, làm một nẻo. Thí dụ bạn cấm con nói bậy trong khi mình lại vô tư thoải mái chửi bậy.

• Thể hiện tính không nhất quán: Lúc thì cấm trò này, lúc lại cho chơi. Bé sẽ bị phân tâm, chẳng hiểu cái gì được làm cái gì thì không.

• Dọa bé: “Cả đời con sẽ không được ra phố nữa”, “Mẹ sẽ không bao giờ mua đồ chơi cho con nữa”.

Ý kiến chuyên gia

• Quá trình dạy dỗ trẻ không thể thiếu hình phạt. Về nguyên tắc, khi phạt con chính là lúc bạn dạy cho con cách chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Hãy tuân thủ một vài quy định đơn giản và bạn sẽ tránh được cảm giác tội lỗi khi phạt con và thấy con khóc vì “sự bất công của thế giới và bố mẹ”.

• Danh sách những điều không được làm không nên vượt quá 7 điều. Như vậy sẽ giúp cho trẻ dễ nhớ và dễ thực hiện. Bạn hãy tưởng tượng nếu có khoảng 20 điều như: “Không được đến đó, không được cầm cái đó, không được…, không được…, v.v.” Bé sẽ không có khả năng đáp ứng các yêu cầu “không” của bạn.

• Những điều cấm cần phải dễ hiểu đối với bé. Hãy giải thích cặn kẽ tại sao không được chơi ở những đoạn phố có xe chạy ngang hoặc vì sao đánh người khác là không được phép.

• Có thể phạt con bằng cách tước đặc quyền. Thí dụ khi chơi ở sân, con đánh bạn khác. Mẹ sẽ phạt không cho con xem hoạt hình vào buổi tối và điều này là công bằng. Chỉ có điều, khi thông báo cho con, bạn phải thực hiện lời nói. Quan trọng nhất là phải có sự dứt khoát và nhất quán: điều gì bị cấm thì không bao giờ được làm, và nếu vi phạm sẽ luôn bị phạt.

Theo Mevabe

One thought on “NÊN PHẠT TRẺ THẾ NÀO?

Leave a Reply

Or