Nấu ăn cho trẻ: lỗi ‘khổ lắm nói mãi’

Đây là kiến thức mình cóp nhặt và tích lũy được trên báo Ta và báo Tây sau gần 10 năm nuôi con.

“Mình nuôi con có vẻ không mát tay? Chẳng hiểu tại sao, cháo mình nấu cho con thường được thêm khoai tây hoặc cà rốt và gia vị rất thơm ngon, ấy vậy mà con ăn bao nhiêu đổ lỗ chuột hết, bé không tăng cân, ốm nheo nhách.”

Tình cờ đọc được tâm sự của một người bạn trên Facebook cá nhân, mình chợt nảy ra ý định viết bài này. Biết đâu, có nhiều bà mẹ cũng đang gặp ‘trục trặc’ trong vấn đề ăn uống của con mà không biết nguyên nhân tại sao? Tất nhiên, mình không dám chắc những quan điểm đưa ra dưới đây đều chuẩn 100% bởi nó cũng chỉ là những kiến thức mình ‘cóp nhặt’ và tích lũy được trên báo “Ta” và báo “Tây” sau gần 10 năm nuôi 2 tên ‘tiểu tử’ nhà mình. Nếu các mẹ thấy hay và đúng thì ‘like’ và rút kinh nghiệm, còn nếu không thì hãy coi như chưa đọc.

Nấu ăn cho trẻ: lỗi 'khổ lắm nói mãi' - 1
Khi nấu ăn cho con, mẹ còn mắc rất nhiều sai lầm (Ảnh minh họa).

Sai lầm 1: Cật lực hầm xương

Chăm con đầu lòng, mình rất tỉ mẩn và chu đáo. Đặc biệt là đến thời kỳ con tập ăn dặm. Hầu như ngày nào mình cũng hầm xương lợn hoặc chân gà kèm với cà rốt hoặc khoai tây lấy nước nấu bột cho con. Vì mình được mẹ đẻ ‘xúi’ là những chất bổ sẽ tan hết trong nước và bé sẽ hấp thu được đầy đủ. Thế nhưng, chẳng hiểu sao con mình gầy nhom, đưa đi khám bác sĩ thì bị suy dinh dưỡng nhẹ. Bác sĩ hỏi sơ về chế độ dinh dưỡng ở nhà của bé, mình kể nhiệt tình. Cuối cùng bị mắng và mới ‘sáng mắt’ ra rằng việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương. Do vậy, nên cho trẻ ăn cả xác lẫn nước để đề phòng suy dinh dưỡng và thiếu chất.

Sai lầm 2: “Nghiện” khoai tây, cà rốt

Vì ngộ nhận rằng khoa tây nhiều tinh bột giúp tăng dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn của trẻ; còn cà rốt giàu vitamin A giúp sáng mắt, bổ não… nên mình liên tục ‘nhồi’ vào dạ dày của bé các món chế biến từ khoai tây, cà rốt.

Mãi khi sinh và nuôi dưỡng bé thứ 2, tìm hiểu mình mới biết rằng, thực tế, Khoai tây hay cà rốt chỉ đại diện cho nhóm bột đường chứ không phải là rau cỏ như mình vẫn nghĩ. Vì vậy, bé cưng sẽ rơi vào tình trạng thừa bột đường nhưng lại thiếu vitamin.

Nấu ăn cho trẻ: lỗi 'khổ lắm nói mãi' - 2
Nhiều mẹ có thói quen ‘nhồi’ khoai tây, cà rốt vào bất kỳ món ăn nào của bé (Ảnh minh họa).

Sai lầm 3: Lạm dụng máy xay sinh tố

Cô em chồng mình là minh chứng rõ nét nhất cho sai lầm này. Ai đời, con gái đã gần 4 tuổi, răng cũng mọc “ngay hàng thẳng lối” đâu ra đấy rồi, thế mà ăn bất kỳ món nào mẹ cũng cho vào máy xay nhuyễn, vì cứ ăn lợn cợn là bị nôn. Kết quả là, ‘công chúa’ này còi gần như nhất lớp mẫu giáo. Khuyên bảo thì mẹ cháu gạt đi, nói: “Kệ, rồi đâu khắc có đó”. Chán luôn!

Thực tế, theo bác sĩ dinh dưỡng Đặng Thu Hiền, xay nhuyễn khiến bé chỉ có phản xạ nuốt, bỏ qua giai đoạn nhai, dịch vị không được kích thích, không có cảm giác thèm ăn, lâu dần bé sẽ lười ăn. Vì thế, đừng mẹ nào mắc lỗi ‘vớ vẩn’ này nhé!

Sai lầm 4: Nêm thức ăn cho trẻ như người lớn

Có một sự thật nếu không tìm hiểu kỹ, mình cược rằng nhiều mẹ sẽ không biết. Trẻ nhỏ có cảm giác vị giác tốt hơn người lớn rất nhiều lần. Vì vậy, khi nêm nếm thức ăn cho trẻ, mẹ cần nêm nhạt hơn “lưỡi” của mẹ một chút. Nếu mẹ nêm vừa miệng mình thì có lẽ là quá mặn hoặc quá ngọt so với trẻ. Điều này không tốt tí nào cho hệ tiêu hóa của trẻ đâu.

Sai lầm 5: Quá ưu tiên đạm

“Ôi dào, nhà có điều kiện thì cứ cho con ăn nhiều thịt, trứng, cá… một chút cho bổ dưỡng”, có mẹ nào suy nghĩ hoặc được ai khuyên thế này không? Nếu có, thì hãy xem xét lại ngay nhé! Nhân sâm dù bổ nhưng nếu lạm dụng sẽ gây phản ứng tiêu cực, cũng như thế, thực phẩm cho trẻ dù tốt nếu vượt quá mức cho phép sẽ gây nhiều bệnh trọng. Việc nấu nướng quá ưu tiên đạm dễ khiến bé rối loạn tiêu hóa và nguy cơ bé mắc chúng biếng ăn gia tăng đấy. Vì vậy, muốn tốt cho con, hãy nhớ kết hợp hài hòa chất xơ, chất đạm… trong việc chế biến đồ ăn cho bé.

Sai lầm 6: Nấu món con thích thường xuyên

“Bạn rất thích món gà rán, nhưng ăn liên tục cả tuần lễ, bạn có chán?” Trẻ nhỏ cũng biết thưởng thức và có vị giác riêng. Vì vậy, cũng có món bé thích và món bé không thích. Tuy nhiên, không phải cứ con thích món gì là mẹ liên tục tẩm bổ cho bé bằng món đó. Các mẹ cũng cần biết, mỗi khi chuyển tiếp chế độ ăn cho trẻ, những bữa đầu mới tập có thể trẻ sẽ không thích và ăn rất ít, nhưng sau đó trẻ sẽ dần quen. Do đó, mẹ cần hết sức kiên nhẫn với trẻ.

 

 

theo: eva

2 thoughts on “Nấu ăn cho trẻ: lỗi ‘khổ lắm nói mãi’

Leave a Reply

Or