Muốn trẻ nghe lời răm rắp, bố mẹ cần biết đến phương pháp “nhại” lại

Thêm một phương pháp dạy con nghe lời, trở thành người tốt hơn bằng cách thức đơn giản mà hiệu quả đến từ Nhật Bản bố mẹ nên học hỏi.

Cũng là một phương pháp thuộc hệ thống phương pháp giáo dục Shichida, phương pháp Yamabiko đến từ Nhật Bản được biết đến rộng rãi và được rất nhiều bậc cha mẹ Nhật áp dụng cho con mình.

Phương pháp Yamabiko hay còn biết đến như phương pháp echo – tiếng vọng là phương pháp được dùng khi bố mẹ nói chuyện với trẻ, với việc lặp lại những gì con nói và thêm vào câu hỏi. Cụ thể, người lớn sẽ trả lời trẻ bằng chính những câu nói của trẻ, rồi sau đó khéo léo thêm vào những câu hỏi mang tính gợi mở.

Muốn trẻ nghe lời răm rắp, bố mẹ cần biết đến phương pháp nhại lại - Ảnh 1.

Phương pháp Yamabiko là phương pháp được dùng khi bố mẹ giao tiếp với trẻ (Ảnh minh họa).

Yamabiko là phương pháp mà người lớn sẽ bỏ hẳn những câu mang tính mệnh lệnh dành cho trẻ, thay vào đó là thể hiện sự lắng nghe những lời nói, tâm sự và suy nghĩ của con bằng cách lặp lại những lời nói trước của con và thêm các câu hỏi gợi mở phía sau. Nó đặc biệt hiệu quả khi bố mẹ muốn giao tiếp và hiểu được con mình nhiều hơn. Khi bạn nhìn nhận cảm xúc của con, trái tim con sẽ rộng mở và con sẽ giãi bày với bạn thêm nhiều điều khác nữa. Cách trò chuyện này còn giúp con hình thành thói quen sắp xếp suy nghĩ và diễn đạt một cách rõ ràng.

Muốn trẻ nghe lời răm rắp, bố mẹ cần biết đến phương pháp nhại lại - Ảnh 2.

Phương pháp này sẽ khiến trẻ mở lòng hơn, từ đó giúp bố mẹ hiểu con hơn (Ảnh minh họa).

Ví dụ, khi con có vẻ lười biếng việc học và bạn muốn tìm hiểu lý do vì sao con không muốn học, muốn nghe con chia sẻ để tìm ra giải pháp, bố mẹ hãy nói chuyện với con sử dụng phương pháp Yamabiko. Có thể là như sau:

Bố/mẹ: “Con hãy nói bố mẹ nghe vì sao con lười học thế?”.

Con: “Con không thích học bài!”.

Bố/mẹ: “Thế à, con không thích học thật à?” – Rồi thêm các câu hỏi tích cực: “Vậy con muốn làm gì?”.

Con: “Con muốn đi chơi.”

Bố/mẹ : “Con muốn chơi à ? Tại sao con lại muốn đi chơi?”.

Cứ như vậy, dùng phương pháp Yamabiko lặp lại những gì trẻ đã nói và tiếp tục hội thoại theo cách đó. Nhờ phương pháp này, đối thoại giữa bố mẹ con được hình thành, con có thể từ từ mở lòng tâm sự với bố mẹ, giúp bố mẹ hiểu con nhiều hơn.

Muốn trẻ nghe lời răm rắp, bố mẹ cần biết đến phương pháp nhại lại - Ảnh 3.

Hãy thể hiện sự lắng nghe và quan tâm đến những suy nghĩ, tâm tư của trẻ khi nói chuyện cùng với trẻ (Ảnh minh họa).

Từ đó cũng có thể thấy, phương pháp này còn có thể giúp bố mẹ thuyết phục và khuyến khích con thay đổi trở thành một người tốt hơn, biết nghe lời hơn. Bố mẹ hãy thử tham khảo cách thầy giáo Nhật Bản này vận dụng phương pháp Yamabiko để trò chuyện và thay đổi một cậu bé từ một học sinh hay xao nhãng việc học thành một học sinh chăm học với khả năng tập trung cao:

“Khi tôi còn là thầy giáo dạy mẫu giáo, vào một kỳ nghỉ hè năm nọ, tôi đã gặp một cậu bé đang học lớp 1. Đó là một đứa trẻ ngang bướng, luôn bị ông nội mắng mỏ là đứa trẻ hư hỏng. Cháu luôn tự ý làm những gì mình muốn, không chịu học hành và tôi quyết định sẽ giúp cậu bé thay đổi với phương pháp Yamabiko.

Tôi hỏi cậu bé: “Con trai, lớn lên con sẽ làm gì?”.

Cậu suy nghĩ một lát rồi đáp: “Con muốn trở thành cầu thủ bóng chày”.

Oa, đó là một giấc mơ đẹp! Trẻ có mơ ước, cần dạy trẻ làm thế nào để đạt được mơ ước đó. Đó là có một số việc bắt buộc phải làm được và một số việc không được phép làm. Có như vậy thì giấc mơ mới trở thành hiện thực. Tôi áp dụng phương pháp Yamabiko:

“Con muốn trở thành cầu thủ bóng chày ư? Vậy con thích làm người ném bóng hay người bắt bóng”.

“Con thích làm người đánh bóng”.

“Rất tốt. Cầu thủ đánh bóng phải có khả năng bắt được trái bóng từ người ném. Đó là công việc cần có sự tập trung cao” – một dịp tốt để dạy cho trẻ về sự cần thiết của năng lực tập trung.

Tôi tiếp tục: “Nếu không có sự tập trung thì sẽ không trở thành cầu thủ đánh bóng xuất sắc được. Vì thế, chúng ta sẽ phải học về sự tập trung con ạ. Con có muốn học cách tập trung không?”.

Đến lúc này, cậu trả lời ngay: “Con muốn!”.

“Vậy hãy ngồi vào đây, cầm lấy tờ giấy này để học cách tập trung nhé!”.

Cuối cùng, cậu bé cũng đã chịu ngồi yên và học hành rất chăm ngoan”.

Qua đó có thể thấy, với những người tiếp xúc với trẻ mà không gắt gỏng, biết khéo léo nói chuyện với trẻ, thể hiện sự sẵn sàng lắng nghe trẻ, thì trẻ sẽ mở lòng, trở nên ngoan ngoãn và biết nghe lời hơn. Và phương pháp Yamabiko chính là cách để bố mẹ có thể làm được điều đó.

 Theo afamily

Leave a Reply

Or