Muốn gia đình đầm ấm dịp Tết Nguyên đán, mẹ phải có chiêu!

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là nhiều gia đình lục đục, xào xáo vì chuyện về nội hay về ngoại, biếu ông bà bao nhiêu, chi tiêu thế nào… Để bạn không bị quấy rầy vì những chuyện vụn vặt, Mẹ&Con mách bạn vài bí quyết dưới đây:

Tết nguyên đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của dân tộc ta. Ngày này người người sum họp, nhà nhà đông vui tạo nên bản sắc văn hóa đặc biệt, đầy thú vị. Song cũng vì tập trung đón năm mới mà nhiều gia đình, nhất là những cặp vợ chồng trẻ bất ngờ xảy ra xích mích, cãi vã.

Đây là ngày hội sum vầy, vì vậy đừng để không khí nhà bạn trầm uất bởi những khúc mắc có thể tháo gỡ. Để gia đình đón Tết hòa thuận, hãy dự liệu những tình huống bất đồng mà vợ chồng bạn có thể gặp, từ đó tìm ra cách giải quyết thấu đáo nhất.

1. Vấn đề chi tiêu

Quả thực, không có thời điểm nào mà các gia đình phải tiêu nhiều tiền như Tết. Nào là tiền mua sắm quần áo, tiền trang trí nhà cửa, tiền làm đẹp, tiền mua đồ cúng, tiền biếu xén… Dù có được thưởng cả lương tháng thứ 13, cộng các khoản chi phí này lại cũng khiến nhiều người đau đầu vì bội chi. Sắm tết không đầy đủ hoặc quá thừa thãi khiến nhiều cặp vợ chồng bất đồng quan điểm, cãi vã lẫn nhau.

Gợi ý: Nếu như mỗi tháng bạn để dành tiền dư ra một chút, cuối năm sẽ không phải bỏ lương, thưởng ra oằn mình gánh mọi chi tiêu. Hai vợ chồng ai muốn mua sắm gì, nên nói với đối phương để cân nhắc chi phí cũng như lợi ích. Hơn nữa, sau Tết bạn còn rất nhiều ngày nữa mới lãnh đợt lương mới và tiền nhà, tiện điện nước… vẫn phải đóng đúng ngày theo quy định. Đừng để bản thân rơi vào tình trạng “rỗng túi” sau Tết.

Tết đến cũng có rất nhiều các mặt hàng giảm giá, kích cầu mua sắm người tiêu dùng. Hai vợ chồng bạn có thể cùng nhau đi lựa những món đồ xả kho, giảm giá… Số tiền tiết kiệm được chắc chắn không hề nhỏ đâu.

Tết sắp tới rồi, đừng cãi nhau bạn nhé. (Ảnh minh họa)

2. Địa điểm đón Tết

Tết năm trước vợ chồng bạn đón Tết ở nhà nội, Tết năm ngoái đón Tết bên nhà ngoại vậy còn Tết năm nay, cả gia đình bạn dự định sẽ đón Tết ở đâu?

Quyết định này không hề đơn giản khi nàng thì thích về quê, chàng thì thích ở lại thành phố còn con cái thì thích đi du lịch… Chín người mười ý, rồi đâu sẽ là địa điểm cả gia đình cùng nhau đón Tết sum vầy?

Gợi ý: Nhất định vợ chồng bạn phải cùng nhau ngồi xuống, đối thoại trực tiếp mới giải quyết được khúc mắc này. Đầu tiên, hãy phân tích ý nghĩa của Tết cổ truyền dân tộc là gì. Với ý nghĩa đó, đâu sẽ là nơi thích hợp nhất để đón Tết?

Nếu năm trước đã đón Tết với ông bà nội, năm nay đừng nên “bỏ bê” ông bà ngoại. Còn khi muốn “đổi gió” ngày Tết bằng cách đi du lịch, hãy xem kĩ lại khả năng tài chính, sức khỏe của các thành viên trong gia đình, thời tiết điểm đến cũng như lịch học, lịch làm việc trở lại của vợ chồng con cái. Hai vợ chồng cũng có thể đưa ra những thỏa hiệp để rắc rối được giải quyết nhanh hơn, chẳng hạn đón Tết ở nhà một, hai ngày sau đó sẽ đi du lịch Tết

3. Trang trí nhà cửa

Trong dịp Tết nguyên đán này, nên trang trí nhà cửa lộng lẫy, hoành tráng hay giản dị, ấm cúng? Ông xã muốn sơn lại tường nhà cho mới những bạn thấy hiện tại nhà mình vẫn ổn. Ông xã thích chơi hoa mai, trong khi bạn thích chơi hoa đào… Phải làm sao?

Gợi ý: Có thể trong gia đình bạn, mỗi người sẽ có những ý tưởng khác nhau. Ai cũng muốn nhà mình thật đẹp trong ngày Tết, song hãy liệt kê các chi phí khác phải chuẩn bị cho dịp này có còn dư tiền không? Và số tiền (nếu dư) này liệu có đủ để trang trí nhà cửa như vợ hoặc chồng bạn mong muốn?

Hơn nữa, Tết âm lịch chúng ta chỉ được nghỉ 7 ngày. Việc đi chơi, thăm bà con họ hàng hay về quê cũng chiếm phần lớn quỹ thời gian. Chỉ còn dăm ba ngày ở nhà, bỏ một số tiền lớn trang trí quả thực cũng hơi lãng phí.

Bên cạnh đó, hai vợ chồng cũng nên nhượng bộ nhau một chút. Chẳng hạn nếu chồng thích hoa đào, vợ thích hoa mai thì vợ chồng bạn vẫn có thể dành một số tiền vừa phải để sắm những cây đào, cây mai “mini”. Cách này vừa được lòng vợ mà lại không sợ mất lòng chồng.

4. Phân công lao động

Đón Tết, rất nhiều việc lặt vặt trong nhà sẽ phát sinh. Chẳng hạn như lau chùi toàn bộ nội thất, đánh bóng từng khung cửa hay quét mạng nhện toàn bộ căn nhà… Giải quyết tất cả chỉ trong một hai ngày khiến bạn cảm thấy mọi việc đổ dồn hết lên đầu, ngộp thở vì không biết khi nào mới hoàn thành xong nhiệm vụ?

Gợi ý: Lưu ý chăm lo, giữ gìn nhà cửa trước đó sạch sẽ. Điều này vừa giúp ngôi nhà của bạn không bị xuống cấp, vừa giúp tiết kiệm thời gian dọn dẹp. Bên cạnh đó, hãy phân công công việc hợp lý cho từng thành viên. Tuổi lớn làm việc lớn, tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Người có sức khỏe tốt đảm nhiệm những công việc lớn như sửa lại cánh tủ bị hư, người chân yếu tay mềm hơn thì giặt giũ chăn, ga, gối, đệm còn các con thì lau chùi bàn ghế, giường chiếu…

8. Thói quen ăn uống

Một trong những điều khiến các chị rất không hài lòng ở chồng dịp Tết, đó là vấn đề nhậu nhẹt. Trong khi các bà vợ bày tỏ nhã ý tốt cho chồng bằng cách cấm cản, thì các anh lại cố tình gạt phăng điều đó và sa vào bia rượu với lý do “Cả năm trời mới có một cái Tết”. Vợ không cho chồng “vui với anh em bạn bè vài chén”, chồng bực tức gắt gỏng, la mắng. Chẳng lẽ hai người cứ “choảng” nhau trong ngày vui năm mới?

Gợi ý: Đề cập vấn đề này khi cả hai còn tỉnh táo và giữ lời hứa. Thống nhất chỉ nên uống ở đâu, uống với ai, uống bao nhiêu… Khẳng định những hậu quả có thể ghánh chịu khi không kiềm chế được bản thân và nhấn mạnh về vấn đề an toàn cho cả gia đình sau đó.

Hãy đón năm mới theo cách để cả nhà cùng hòa thuận, êm ấm. (Ảnh minh họa)

6. Quà biếu

Đây là vấn đề mang nhiều tính chất nhạy cảm. Có thể ai cũng muốn biếu tặng “người nhà mình” những món quà có phần nhỉnh hơn, song điều này thật không công bằng với đối phương và gia đình của họ. Hai vợ chồng dễ tranh cãi gay gắt về việc ai sẽ là người được tặng quà, và tặng quà gì, giá trị của món quà…

Góp ý: Trước khi quyết định mua quà, hãy đặt đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Bạn không thể biết hết sở thích của tất cả mọi người xung quanh, vì vậy cần nghe lời đóng góp chân thành của vợ/ chồng mình. Hơn nữa, quà biếu ngày Tết cũng chiếm một phần kinh phí không nhỏ. Hai vợ chồng hãy bàn bạc với nhau để tìm ra điều thích hợp nhất.

7. Chăm sóc con cái
Các con của bạn sẽ được nghỉ học kha khá trong ngày Tết đấy. Mà nếu như vậy, vợ chồng bạn sẽ khá vất vả vì vừa phải trông nom con cái, vừa phải lo nhà cửa ngày Tết. Chưa kể nhiều khi lũ trẻ hiếu động sẽ “quậy banh nóc nhà”, phá tan nát hết những thứ bạn đã sắp sếp chỉn chu? Và thế là vợ chồng bạn bực bội, giận cá chém thớt cãi nhau khiến không khí căng thẳng bao trùm?

Gợi ý: Nếu con bạn còn quá nhỏ, cách tốt nhất vẫn là nhờ sự trợ giúp của gia đình hai bên. Nếu con bạn đã lớn, biết nhận thức, hãy cho bé tham gia vào việc chuẩn bị nhà cửa đón Tết để chúng cảm thấy mình có ích. Từ đây, tụi nhỏ cũng mất đi ý định nghịch ngợm, phá phách thành quả chung của cả nhà bởi ở đó có sự góp sức của mình.

8. Tôn giáo, phong tục vùng miền

Hai vợ chồng theo hai tôn giáo, vùng miền khác nhau có thể sẽ có những kiêng cữ, món ăn, thói quen, tín ngưỡng trong cúng lễ khác nhau… từ đó nảy sinh đụng độ. Mặc dù ít vợ chồng bạn đã giải quyết các vấn đề về tôn giáo này trước khi lấy nhau, song Tết đến lại nảy sinh những vấn đề khác biệt, phải làm sao đây?

Gợi ý: Nếu tôn giáo bất ngờ trở thành vấn đề khó khăn trong ngày Tết, hãy cố gắng thỏa hiệp dựa trên tinh thần tích cực bởi dù sao, vợ chồng bạn cũng chung sống êm ấm với điều đó nhiều năm nay.

Bên cạnh đó nên tuân thủ theo phong tục, tập quán ở địa phương mà hai bạn sẽ đón Tết. Chẳng hạn quê chồng thuộc miền Tây, khi đón Tết ở đó người vợ nên nhập gia tùy tục theo cách của người dân nơi đây. Ví dụ quê vợ ở miền Bắc, người chồng cũng nên vui vẻ, hài hòa với phong tục đón Tết cổ truyền lâu đời ở vùng đất này mặc dù còn nhiều lạ lẫm. Đừng lấy làm khó chịu khi mọi việc không tuân theo ý mình. Càng biết nhiều, bạn sẽ càng tích trữ trong đầu những kiến thức quý giá.

Chúc cả gia đình bạn sẽ đón một cái Tết nguyên đán đầy ắp tiếng cười!

Nguồn: mevacon

Leave a Reply

Or