Mùa mưa, phòng dịch đau mắt đỏ cho bé

Các bác sỹ chuyên khoa mắt khẳng định: Thời tiết mưa nắng bất thường tạo điều kiện cho bệnh đau mắt đỏ phát triển. Mùa mưa đang đến, các phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng kiến thức về phòng và chữa bệnh cho con.

Triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ thực chất là viêm kết mạc cấp, đây là bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi thời gian trong năm. Bệnh tăng mạnh nhất vào mùa mưa, khoảng tháng 7 – 9. Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ biến chứng khoảng 20% chủ yếu là viêm giác mạc. Nếu không điều trị kịp thời có thể để lại sẹo giác mạc, gây giảm thị lực.

Trẻ bị đau mắt đỏ có biểu hiện quấy khóc, hay dụi mắt, nhìn mi mắt có biểu hiện sưng nề, mắt đỏ, ra nhiều dử mắt và sung rất nhanh, có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc, kèm theo sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày.

1364525791-bedaumat

Nguyên nhân gây bệnh

– Nguyên nhân chủ yếu là do vi khuẩn và vi rút gây ra, phổ biến là loại vi rút Adeno. Đau mắt đỏ do virút rất dễ lây lan qua môi trường, sự tiếp xúc gần và thường xuyên như trong gia đình, lớp học… bệnh lây qua các tia bọt bắn ra khi nói chuyện, hay trẻ có bệnh dụi mắt rồi dùng tay đó quệt, bôi ra các vật dụng như: Bàn ghế, bát đũa, nắm tay nhau… rồi lây bệnh sang trẻ khác.

– Thời tiết nắng nóng, các bể bơi, không khí nhiều bụi bẩn……tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các vi khuẩn, virus gây viêm kết mạc. Song, bệnh không lây nhiễm nếu không có sự tiếp xúc trực tiếp chất tiết của mắt người bệnh với mắt người lành.

Cách xử lý bệnh đau mắt đỏ

Khi nghi ngờ trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ nên đưa ngay các em đến cơ sở Y tế để được khám, tư vấn và điều trị, không tự ý dùng thuốc. Vì nếu dùng thuốc bừa bãi dễ dẫn đến những biến chứng làm cho bệnh trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, các mẹ không nên dùng các bài thuốc dân gian để chữa bệnh, giống như một số gia đình chọn cách xông thuốc, xông lá trầu không hoặc lá dâu tằm bừa bãi để chữa đau mắt đỏ, vì làm như vậy có thể gây bỏng kết mạc, giác mạc; gây phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu mắt.

Khi điều trị, chỉ cần nước muối sinh lý 0,9%, kháng sinh nhỏ mắt. Việc dùng các thuốc chống viêm hay kháng virut phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt. Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh do vi rút gây nên. Vì thế, việc khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng miễn dịch, dinh dưỡng, vệ sinh của từng trẻ, hoặc có các viêm nhiễm phối hợp hay không… Cha mẹ cần dùng thuốc đúng theo chỉ định của bác sỹ, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, các loại Vitamin tăng sức đề kháng cho cơ thể non nớt của bé. Trẻ bị bệnh cần được cách ly với trẻ không có bệnh.

Đeo kính râm bảo vệ mắt cho bé khi ra ngoài. (ảnh minh họa)

Phòng bệnh đau mắt đỏ

Vệ sinh cẩn thận là cách tốt nhất để kiểm soát lây lan đau mắt đỏ . Một khi trẻ đã được chẩn đoán là đau mắt đỏ, các mẹ cần thực hiện các bước sau:

– Không để trẻ dụi mắt bằng tay.

– Lau rửa dịch dử mắt 2 lần một ngày bằng khăn giấy hoặc cotton ẩm, sau đó vứt ngay.

– Giặt ga giường, vỏ gối, khăn tắm trong nước tẩy và ấm.

– Tránh dùng chung các vật dụng như khăn mặt, chậu rửa.

– Rửa tay sạch trước và sau khi tra thuốc mắt.

– Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn.

 – Trẻ cần được nghỉ ở nhà để điều trị, cách ly với trường học để tránh lây bệnh.

– Khi cho trẻ ra ngoài cần đeo kính râm để tránh ánh nắng mặt trời, gió và bụi bẩn.

– Tránh nhỏ cortisol, uống, tiêm kháng sinh liều cao khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì các thuốc này có thể làm tăng nguy cơ các phản ứng có hại, gây bệnh nặng, dai dẳng, gây biến chứng, thậm chí dẫn đến mù loà.

– Những trẻ đã khỏi bệnh cũng không nên chủ quan vì tuýp virus gây bệnh có thời gian miễn dịch rất ngắn (chỉ trong vòng hai tháng). Vì thế, nếu không giữ gìn cẩn thận, có người mắc bệnh đến 2 lần trong một đợt dịch.

– Việc điều trị đau mắt đỏ sớm sẽ không gây tốn kém và làm mất thời gian nếu được điều trị kịp thời. Trường hợp để lâu có thể dẫn đến biến chứng vĩnh viễn cho mắt.

Theo Mecon

Leave a Reply

Or