Mẹ sẽ thôi làm khổ con bằng những chỉ số thiên tài

Không biết có lúc nào các con mệt mỏi vì bị mẹ so sánh không? Chứ mẹ thì hăm hở lắm.

Khi còn nhỏ, mẹ rất ghét bị so sánh, nào so sánh với thằng cu hàng xóm mập ú “ăn nhoen nhoẻn dễ nuôi, cái gì cũng nuốt ực ngon lành” lúc mẹ đang nước mắt ngắn dài ôm bát cơm to trệu trạo; nào so sánh với cô bạn cùng lớp thông minh “môn nào cũng 10, đi họp phụ huynh bố mẹ nó mặt cứ song song với trần nhà, sướng thế chứ” khi mẹ đang gặm ngón tay vì môn thể dục lẹt đẹt, cảm thấy mình là đứa trẻ kém cỏi nhất thế giới…

Thế nên, ngay từ lúc còn bé kin kin bằng ấy, mẹ đã tự lẩm nhẩm trong đầu rằng, sau này, khi có con, mẹ sẽ để con của mẹ “tha hồ thoải mái”, không có tên hàng xóm hay đứa bạn học nào có thể xen vào câu chuyện vui vẻ hàng ngày của mẹ con mình.

 Mẹ sẽ thôi làm khổ con bằng những chỉ số thiên tài 1

Suy nghĩ ấy vẫn thường trực trong đầu mẹ đến tận lúc bố con cầm tay mẹ luồn vào chiếc nhẫn áp út, đến tận lúc mẹ sung sướng (và đôi chút hoang mang) cầm trên tay chiếc que thử thai hai vạch đỏ chót… Mãi đến tuần siêu âm thứ 12, khi mẹ hí hửng cầm tờ giấy đo chỉ số của con… so với các mẹ khác, rồi tiu nghỉu khi thấy chân con ngắn hơn chân bạn ấy 2mm, thì mẹ biết, suy nghĩ thường trực mà mẹ hay lẩm nhẩm trong đầu khi còn “bé kin kin” đang bay mất dần.

Từ đó cho đến khi con ra đời, lớn từng ngày thành một cô bé vui vẻ và lém lỉnh, mẹ gia nhập một diễn đàn phụ nữ lớn, chăm chỉ đọc những “mẹo” về cách dạy con thiên tài. Hình như bà mẹ trẻ nào cũng mắc bệnh của mẹ, hay lấy con ra so sánh với mọi chỉ số, chiều cao cân nặng, so với đứa bé cùng tháng tuổi, so sánh với con của  bạn bè, xem đứa nào lớn nhanh, đứa nào có “tố chất” hơn.

Không biết có lúc nào các con mệt mỏi vì bị mẹ so sánh không? Chứ mẹ thì hăm hở lắm.

 Mẹ sẽ thôi làm khổ con bằng những chỉ số thiên tài 2

Mẹ hơi lo vì so với các bạn, con hơi thiếu tập trung và thừa năng lượng. Mẹ đọc được rằng trí thông minh và sự tập trung sẽ phát triển tốt khi các con vẽ tranh, tranh vẽ càng đúng như hướng dẫn con càng rèn luyện được trí nhớ tốt, nên vội vã mang áp dụng cho con gái. Mẹ mua cho con một hộp chì màu và tập giấy vẽ, hướng dẫn cẩn thận: “Con hãy vẽ buổi sáng ở khu phố nhà mình nhé. Chỗ này con vẽ cây trứng cá này, chỗ này con vẽ ngôi nhà, còn chỗ này vẽ mặt trời nhé!”.

Con háo hức lắm vì lần đầu tiên có cả bộ 24 màu đẹp như thế cơ mà, hì hụi ngồi vẽ. Mẹ lôi ipad ra đọc tiếp “35 mẹo nuôi con thông minh” cho đến khi nghe con bảo “Xong rồi mẹ ơi, con vẽ xong rồi!”.

Mẹ hồi hộp lại gần, trên tờ giấy chẳng có ngôi nhà, chẳng có mặt trời, chỉ có những nét nguệch ngoạc hồng rực diễn tả một cái cây bé tý và con chó to đùng… đang tè.

Mặt mũi méo xệch, mẹ hỏi: “Sao con lại vẽ thế”, con líu lo, mắt sáng rực: “Sáng nào con béc-dê nhà bạn Bo cũng tè ở cây nhà mình, con ghét nó lắm. Ngày nào nó cũng tè như thế thì cái cây có bị còi đi không mẹ?”.

Bố con đang chăm chú quan sát cười phá lên, vỗ đùi đen đét. Con thấy thế cũng cười khanh khách phụ họa. Thôi, thế là bài học trí nhớ của mẹ thất bại rồi.

Ấy thế mà lạ làm sao là mẹ chẳng hề buồn, mẹ bỗng nhiên lo về cây trứng cá, liệu nó có còi đi không nếu sáng nào cũng xơi một bãi nước tè của con béc-dê to tướng?

 Mẹ sẽ thôi làm khổ con bằng những chỉ số thiên tài 3

Mẹ mỉm cười nhìn hai bố con đang cười toe toét, bắt đầu lẩm nhẩm trong đầu: Con có thể không vượt qua những bài trắc nghiệm IQ, EQ như bạn Bí, có thể hơi thiếu tập trung và thừa năng lượng hơn bạn Bo, có lẽ chỉ số thông minh không bì được với những đứa trẻ thiên tài. Nhưng, mẹ nghĩ, có khi sống cuộc sống vui vẻ đơn giản sẽ hạnh phúc hơn.

Thế nên, từ hôm nay, mẹ sẽ yêu thương chấp nhận cá tính con như con vốn thế. Và mẹ sẽ thôi làm khổ mình và làm khổ con bằng những chỉ số của thiên tài.

 

 

theo: afamily

Leave a Reply

Or