Mẹ nhàn khi cho con tự bốc ăn dặm

Với nhiều bà mẹ, cho con ăn dặm là việc khá căng thẳng, mệt mỏi nhưng chị Thùy Liên lại cảm nhận “ngày nào cho con ăn cũng là khoảng thời gian vui vẻ và thư giãn”.

Chị Thùy Liên (Thanh Xuân, Hà Nội) có hai con nhỏ, bé Hạt Tiêu 5 tuổi và bé Miso gần 6 tháng tuổi. Với chị, chuyện ăn uống của các con luôn mang lại nhiều niềm vui và những bất ngờ. Dưới đây là chia sẻ của chị về cách cho cô con gái thứ hai – gần 7 tháng tuổi, ăn dặm theo phương pháp BLW (Baby Led Weaning – Ăn dặm bé chỉ huy):

Đầu tiên phải nói với các mẹ là dù con ăn dặm kiểu gì, kiểu Nhật, kiểu Tây hay kiểu ta thì cũng đều ổn cả, miễn là xây dựng cho con được tình yêu ăn uống, đam mê với đồ ăn. Không kiểu ăn dặm nào vượt trội hơn, chỉ là do cách cha mẹ hướng dẫn con thế nào cho đúng.

Với anh Hạt Tiêu, mình có nhiều thời gian nên cầu kỳ với ăn dặm kiểu Nhật. Dù theo kiểu Nhật nhưng chỉ giữ tinh thần, còn lại thì làm theo kiểu ta, tức là giữ nguyên kỷ luật ăn uống, cách tăng độ thô cũng như rèn cho con trải nghiệm với những hương vị mới, còn lại các món ăn thì rất tùy hứng, không nhất thiết phải theo công thức nào.

baby-lead-8550-1437540364.jpg

Ảnh minh họa: Highlandhighlights.

Khi sinh Miso, thời gian eo hẹp dần và lúc này mình cũng mới biết đến BLW (Baby Led Weaning – Ăn dặm bé chỉ huy). BLW trước đây chỉ là cách cho con ăn của những gia đình đông con. Với những con thứ hai hoặc thứ ba, họ ít thời gian hơn nên ít cầu kỳ hơn con đầu, sẵn sàng cho con thử nghiệm các món và dần phát hiện ra, các bé được “thả” lại có thái độ ăn tốt hơn.

Đúng như tên gọi, BLW là khi mẹ hoàn toàn trao quyền kiểm soát bữa ăn cho con. Con ăn bao nhiêu, kiểu gì và như thế nào là tùy con, mẹ chỉ tạo môi trường thuận lợi (ghế ngồi, món ăn phù hợp kỹ năng), còn con sẽ đảm nhiệm xử lý thức ăn. Bữa ăn BLW bé sẽ ăn cùng cả nhà, tiết kiệm thời gian cho mẹ và tạo cảm giác dễ chịu cho con khi không bị đối xử phân biệt, phải ăn riêng rồi lúc cả nhà ăn thì ngồi một góc.

Ưu điểm lớn nhất của BLW là bé rèn luyện được các kỹ năng cầm nắm, cảm nhận kết cấu thô mịn của đồ ăn, ước lượng để xử lý thức ăn trong miệng, kích thích thị giác và khứu giác. Nhờ cầm nắm, xúc giác phát triển, nhờ đó kích thích não bộ. Khuyến khích sự tự tin, độc lập ở trẻ. Quan trọng nhất là bữa ăn sẽ không trở thành áp lực với cả bố mẹ và con.

Những mẹ luôn đặt nặng vấn đề con phải ăn hết một lượng thực phẩm nhất định sẽ khó lòng theo được BLW. Để con ăn dặm BLW hiệu quả, mẹ cần kiên trì và nhẫn nại để theo sát tiến trình thay đổi của con. Có thể con sẽ không ăn được nhiều nhưng kỹ năng sẽ phát triển từng ngày. Dưới một tuổi, sữa mới là nguồn dinh dưỡng chính, sau bữa ăn dặm có thể bổ sung sữa tùy khả năng của con, nên không sợ con đói.

Lúc đầu mới cho Miso ăn dặm, mình khá lo lắng vì con ngồi chưa vững nên khả năng giữ đồ vật kém. BLW yêu cầu bé phải ngồi cứng, ít nhất là đủ 6 tháng tuổi, để tránh rủi ro khi hóc. Con được cho ăn củ quả luộc mỗi khi ngồi vào ghế ăn dặm, nhưng thường con chỉ chơi và ném thức ăn là chính, ít khi đưa được lên mồm. Nhưng sau khoảng 2 tuần thì con bắt đầu nuốt được một chút, bằng chứng là phân của con lợn cợn chút đồ ăn. Hai tuần tiếp theo thì con bắt đầu thành thạo kỹ năng bốc, nắm và đưa vào mồm mút rau củ.

BLW chia làm các giai đoạn kỹ năng: Giai đoạn cầm nắm, giai đoạn bốc nhón và giai đoạn hoàn thiện. Chỉ cần chuẩn bị ghế ăn, yếm nhựa, mảnh nilon trải dưới sàn để tiết kiệm thời gian dọn dẹp. Bỏ qua thìa, bát, cháo, máy xay… Miso có thể ăn với những món như người lớn nhưng nấu mềm hơn và không cho muối hay các gia vị khác.

Các mẹ cũng cần chuẩn bị tâm lý khi BLW là con rất dễ nôn ọe. Nhưng nôn ọe khác với ngạt thở. Con có thể ọe ra là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ con biết nhai và hình thành phản xạ đẩy đồ ăn ra khi quá to. Dần dần não bộ sẽ điều chỉnh để bé nhai đến mức thích hợp mới nuốt. Khi Miso ọe ra, con vẫn tiếp tục ăn món khác thì mẹ thoải mái để con xử lý. Mẹ chỉ can thiệp khi con hóc đến mức khó thở (mẹ có thể tập các bài xử lý khi hóc trên Youtube). Bữa ăn đầu tiên nên là các món mềm như chuối, bí, khoai… hấp hoặc luộc mềm để hạn chế con ọe. Vì vấn đề này mà BLW yêu cầu các bé phải biết ngồi thẳng mới bắt đầu ăn, tránh rủi ro khi hóc.

Nếu các mẹ sợ con không ăn được gì thì có thể kết hợp một bữa đút và một bữa BLW, chỉ giải quyết vấn đề tâm lý cho các mẹ thôi, chứ mình nghĩ là BLW hoàn toàn thì vẫn thoải mái hơn.

Theo vnexpress

Leave a Reply

Or