Mẹ Đỗ Nhật Nam: “Chưa bao giờ nhận con là thần đồng”

Thường xuyên xuất hiện trước báo chí với tư cách mẹ của một thần đồng nhưng chị Phan Thị Hồ Điệp nói đó chỉ là lời tung hô của truyền thông, còn chị chưa khi nào coi con mình là thần đồng.

“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam là một trong những cái tên được cư dân mạng nhắc tới rất nhiều trong thời gian vừa qua. Không khó để nhận ra lý do khiến cậu bé này được ưu ái khoác lên mình danh hiệu thần đồng, bởi một danh sách khá dày dặn những thành tích mà Nam đã đạt được.

Năm 7 tuổi, trong thời gian ngắn, em đã có chứng chỉ tiếng Anh Starters, Movers của ĐH Cambridge với số điểm tuyệt đối, điểm số thi TOEIC đạt mức 940/990, IELTS 6.5/9.0. 7 tuổi đã có sách dịch được xuất bản, 11 tuổi phát hành cuốn tự truyện đầu tiên. Nam nắm trong tay hai kỷ lục “Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam” và “Người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất Việt Nam”.

Ngoài ra, Nhật Nam còn là MC cho chương trình Chúc bé ngủ ngon, Quả chuông nhỏ, Trò chuyện cùng bé, đảm nhiệm vai trò “ca sĩ nhí”, “giáo viên nhí” dạy tiếng Anh cho các bạn nhỏ đang điều trị tại khoa ung bướu bệnh viện Nhi TW.

Kể tới những thành tích của Đỗ Nhật Nam, không thể không nhắc tới công lao của chị Phan Thị Hồ Điệp – mẹ Nam. Làm mẹ của một “thần đồng”, mới nghe thôi cũng đã khiến nhiều bà mẹ khác phải “lắc đầu lè lưỡi”. Nhưng trên thực tế, việc nuôi dạy con của chị Hồ Điệp lại có vẻ khá nhẹ nhàng.

Chị Điệp hào hứng khoe: Thực tế, Nhật Nam còn là thầy giáo dạy tiếng Anh cho mẹ. Một ngày hoạt động của Nam rất nhẹ nhàng chứ không hề khắc nghiệt và kín mít như mọi người vẫn tưởng tượng, ở nhà bố mẹ cũng chỉ nhắc nhở Nam việc tắt đèn đi ngủ thôi chứ không khi nào phải nhắc về việc ngồi vào bàn học.

“Hãy làm thế nào để con cái luôn cảm thấy rằng học cũng là một trò chơi”, đây là thông điệp đầu tiên mà chị Điệp muốn chia sẻ tới các bậc làm cha mẹ về con đường nuôi dạy “thần đồng” của mình.

Do-Nhat-Nam

Mecon.vn đã có cuộc trò chuyện với chị Phan Thị Hồ Điệp để lắng nghe những chia sẻ của chị về việc nuôi dạy con cái:

– Chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về cuốn sách mới “Những con chữ biết hát” của Nam?

“Những con chữ biết hát” ra đời nhờ sự khuyến khích, động viên của cả bố và mẹ. Ban đầu, Nam dự định viết như kiểu nhật kí và hàng tuần đem ra “khoe” bố mẹ về những gì mình viết được trong tuần. Sau thấy Nam say sưa viết nên bố mẹ khuyến khích Nam viết theo những chương mục, viết theo chủ đề. “Những con chữ biết hát” có lẽ không có gì đặc biệt về cách hành văn, cách cấu trúc nhưng hồn nhiên và vui vẻ, giống hệt như tính cách của Nam ngoài đời.

– Tuổi thơ mà Nam miêu tả lại trong cuốn sách này, chị thấy có gì khác so với thực tế?

Hầu như không có gì khác biệt. Một vài chi tiết trong truyện do Nam tưởng tượng ra hoặc thêm suy nghĩ, cảm nhận của mình vào. Còn lại, Nam ghi chép lại bằng trí nhớ và lời kể của bố mẹ nên khá chân thực.

– Nhiều bà mẹ biết câu chuyện về gia đình chị, đã không khỏi ao ước có một cậu con trai thông minh như bé Nam. Chị có hay phải nghe những lời “ghen tị” đáng yêu đó từ mọi người?

Mọi người thường chia sẻ niềm vui với tôi và gia đình tôi. Chị thực sự coi đó là những “tài sản” tinh thần giúp mình thấy cuộc sống này thật dễ thương.

– Nhiều người nghĩ rằng việc dạy dỗ một “thần đồng” là cả một vấn đề khó khăn, nhưng điều này có vẻ không đúng lắm với chị. Bí quyết của chị là gì vậy?

Vì tôi chưa bao giờ coi Nam là một thần đồng. Tôi chỉ dạy Nam theo những gì mình quan sát, học hỏi, ghi chép và bằng trái tim của người mẹ, vậy thôi. Trong quá trình dạy Nam, sách chính là một người thầy của tôi. Tôi đọc tất cả các loại sách liên quan đến những vấn đề mình quan tâm, rút ra những kết luận của riêng mình. Nếu không có sách, chắc tôi sẽ lúng túng lắm, lúng túng không chỉ trong việc dạy mà còn cả việc nuôi nấng và chăm sóc Nam nữa.

– Giả sử chị viết một cuốn sách về nuôi dạy thần đồng, thì chắc sẽ ăn khách không kém sách của con trai. Chị có khi nào từng nghĩ về việc này không?

Rất nhiều người cũng khuyên tôi nên viết sách. Nếu tôi viết, chắc không phải là sách để nuôi dạy thần đồng mà chỉ là sách để chia sẻ những kinh nghiệm nho nhỏ trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng Nam. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được mọi người đón nhận điều đó. Bản thân Nam cũng luôn khuyến khích mẹ viết sách. Tới đây, tôi sẽ suy nghĩ nghiêm túc về việc này.

– Điều quan trọng nhất trong việc dạy dỗ con nên người, theo chị là gì?

Đạo đức. Theo tôi, điều đó còn quan trọng hơn cả trí tuệ. Bởi nó quyết định sự thành công của mỗi con người.

– “Tiên học lễ, hậu học văn”, với Nhật Nam chị cũng dạy dỗ cháu như thế chứ?

Đúng như thế. Vợ chồng tôi rất nghiêm khắc trong việc giáo dục và hình thành tính cách của Nam. Hiện tại, điều tôi thấy hạnh phúc không hẳn vì những thành công về mặt trí tuệ mà Nam đạt được mà điều quan trọng là Nam sống thiện, hài hòa, trung thực, hiếu đễ và luôn lạc quan. Những phẩm chất đó, ngoài sự rèn luyện tự thân còn là quá trình vun đắp của bố mẹ, thầy cô. Quả thực, tôi rất rất quan tâm đến điều đó.

– Nhiều bà mẹ đang thắc mắc: chế độ ăn của Nhật Nam chắc phải có gì khác biệt nên cháu mới thông minh như vậy? Chị có tiết lộ gì không?

Hoàn toàn không có gì khác biệt. Nam ăn uống dễ, ăn gì cũng thấy ngon. Tôi cố gắng cân đối thực đơn để Nam ăn được phong phú các loại thực phẩm, trong đó ưu tiên cho sữa và cá, đặc biệt là các loại cá biển. Chỉ vậy thôi!

Bé Đỗ Nhật Nam

– Năm nay Nhật Nam 12 tuổi, chị đã sẵn sàng nói với con về những tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì chưa?

Tôi đã nói chuyện về giới tính với Nam từ rất lâu rồi, có lẽ là từ khi Nam mới 6-7 tuổi. Tôi nghĩ đợi đến khi con 12 tuổi mới nói chuyện về giới tính là hơi muộn. Về điều này có rất nhiều chuyện thú vị. Hiện Nam đang ghi chép lại theo đúng “lời hứa” cuối cuốn sách “Những con chữ biết hát”. Hy vọng sẽ đem lại niềm vui cho mọi người.

– Có khi nào Nam tâm sự với chị những câu chuyện xung quanh lứa tuổi dậy thì?

Tôi luôn luôn làm điều này, hàng ngày, bất cứ khi nào có thể. Chuyện bạn bè, chuyện những thay đổi về cơ thể, chuyện những rung động đầu đời…, nói chung là không né tránh bất kì chủ đề nào liên quan đến tuổi dậy thì.

– Chị sẽ truyền đạt với con chuyện tế nhị mà rất cần thiết này như thế nào?

Điều này mà tôi chia sẻ ở đây thì sẽ “lộ bí mật” cuốn sách của Nam mất. Cho tôi xin phép không trả lời nhé.

– Làm mẹ của một “thần đồng”, chị đã từng trải qua không ít ngọt bùi và cả sóng gió từ dư luận. Cho đến bây giờ, chị vẫn cảm thấy hạnh phúc với “danh hiệu” này chứ?

Tôi chưa bao giờ nhận danh hiệu là mẹ của một thần đồng. Nam không có những tố chất đặc biệt khác thường. Khi còn nhỏ, cháu cũng không phát triển vượt trội so với độ tuổi. Những gì Nam đạt được hôm nay là nhờ sự nỗ lực, kiên trì rèn luyện. Nó khiến tôi cảm thấy yên tâm, vững tin vào những gì mình đang có. Như bất kì bà mẹ nào khác, tôi hạnh phúc với tình yêu của mình. Dù có thể hoàn hảo hay chưa hoàn hảo nhưng nó là máu thịt của mình, là phần xương thịt của mình nối dài với thời gian.

– Trong mắt mọi người, Nhật Nam là một thần đồng. Còn trong mắt chị thì sao?

Nam là một cậu bé luôn vui vẻ, hồn nhiên, hậu đậu và vụng về. Trong học hành, Nam có tư chất của nhà nghiên cứu. Khi đã định làm điều gì, Nam đặt hết tất cả ý chí và nghị lực của mình để hoàn thành công việc. Ngoài ra, Nam là người trung thực, cháu không bao giờ thỏa hiệp để làm những việc mà mình cho rằng không đúng, không hay.

Sách mới của Nhật Nam.

– Nhắc tới Nam, mọi người hay nhắc tới công lao dạy dỗ của người mẹ là chị. Vậy còn công sức của bố – tức chồng chị thì sao?

Chính phẩm chất nghiên cứu mà chị nhắc đến ở trên là do Nam được thừa hưởng từ bố. Ngoài ra, người Nam thần tượng chính là bố. Bố mang đến cho Nam những hiểu biết về khoa học, về các vùng miền văn hóa trên thế giới, về ngôn ngữ. Trong việc dạy dỗ Nam, vợ chồng tôi luôn đồng quan điểm: nhẹ nhàng mà nghiêm khắc, khoan hòa mà không nhân nhượng. Bố Nam chính là một người ban cùng giới thú vị nhất của con.

– Cả hai anh chị đều là giảng viên, nếu được chọn, anh chị muốn con đi theo nghề nào nhất?

Vợ chồng tôi mong muốn Nam sẽ thành một giảng viên tại một trường đại học danh tiếng. Chúng tôi mong muốn Nam sử dụng lợi thế ngôn ngữ của mình trong công việc. Từ nay đến lúc Nam trưởng thành, tôi rất muốn Nam sẽ biết nhiều ngoại ngữ để vừa giảng dạy, vừa làm công việc nghiên cứu ngôn ngữ. Hiện tại, Nam đang học thêm tiếng Pháp, tuy mới chỉ học hơn 1 tuần nhưng cháu đã đọc và dịch được những câu chuyện ngắn. Trong tương lai, chắc chắn Nam sẽ không chỉ dừng lại ở việc biết 2 ngoại ngữ. Cả hai vợ chồng mong Nam sẽ trở thành một “công dân toàn cầu” theo đúng nghĩa của từ này.

– Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Theo Mecon

One thought on “Mẹ Đỗ Nhật Nam: “Chưa bao giờ nhận con là thần đồng”

Leave a Reply

Or