Mẹ đã biết về còi xương thể bụ bẫm?

Ngay cả những trẻ có vóc dáng to lớn so với bạn đồng trang lứa vẫn có thể bị còi xương. Tình trạng này gọi là còi xương thể bụ và không hề hiếm gặp

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến còi xương, trong đó có rối loạn dinh dưỡng, khi cơ thể không nhận đủ lượng vitamin D, canxi hay phốt phát. Tình trạng này khiến xương yếu, xốp và tăng trưởng chậm, dị dạng xương. Nguyên nhân phổ biến nhất là thiếu vitamin D, chất giúp chuyển hóa canxi và phốt phát trong cơ thể. Thiếu vitamin D, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại hormone kích thích giải phóng canxi và phốt phát từ xương, từ đó khiến kết cấu của xương trở nên kém chắc chắn.

Tình trạng còi xương xảy ra phổ biến nhất trong độ tuổi từ 6 đến 24 tháng. Trẻ nhỏ là đối tượng bị mắc phải tình trạng này nhiều nhất do các bé vẫn đang phát triển.

Còi xương thể bụ bẫm 1

Trẻ bụ bẫm có nguy cơ cao

Thấy con cao to hơn bạn đồng trang lứa, bạn khó có thể tin được bé đang bị còi xương. Nhưng thực tế là, các trẻ càng mau lớn càng có nguy cơ thiếu hụt các chất dinh dưỡng quan trọng dành cho hệ xương. Nếu bố mẹ không chú ý để con tắm nắng đúng và đủ, bổ sung vitamin D, canxi và phốt phát thông qua chế độ ăn uống thì khả năng bé bị còi xương rất dễ

Biểu hiện của bệnh còi xương

Dù ở thể bụ bẫm hay gầy, bố mẹ cũng có thể phát hiện ra các dấu hiệu nhận biết trẻ bị còi xương bao gồm rụng tóc sau đầu (hay còn gọi là rụng tóc hình vành khăn), hay quấy khóc khi ngủ, hay giật mình, thóp rộng và chậm liền lại, chậm biết bò, biết đi, chậm mọc răng. Khi tình trạng này đã xảy ra ở mức nghiêm trọng hơn, những dấu hiệu sẽ rõ ràng và đòi hỏi được can thiệp càng nhanh càng tốt:

  • Hộp sọ có hình dáng bất thường
  • Đau xương, xương mềm ở cánh tay, chân, chậu hay cột sống
  • Vóc dáng thấp, chậm phát triển
  • Gãy xương
  • Chuột rút
  • Dị dạng xương bao gồm: vòng kiềng, cẳng chân hình chữ X, dị dạng xương chậu, cột sống cong, xương ức nhô ra.

Tuy nhiên, để biết chính xác bé có bị còi xương hay không, bạn cần đưa con đến các phòng khám, bệnh viện có đủ trang thiết bị để có thể kiểm tra được tình trạng xương và mật độ canxi, vitamin D hay phốt phát trong cơ thể. Thông thường, trẻ cần được xét nghiệm máu và chụp X-quang xương.

Phòng ngừa 

Chế độ dinh dưỡng đủ các dưỡng chất quan trọng đối với hệ xương sẽ giúp phòng ngừa tình trạng này. Các thực phẩm giàu vitamin D bao gồm sữa mẹ, các sản phẩm sữa, trứng, gan, cá. Nếu cảm thấy cần thiết phải cho con uống bổ sung vitamin D và canxi, bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia để chắc chắn về liều lượng, không nên lạm dụng hay bổ sung không đủ liều vì cả hai điều này đều gây hại cho sự phát triển của bé.

Theo MarryBaby

Leave a Reply

Or