Mẹ biết gì về thiếu máu khi mang thai?

Thiếu máu là tình trạng thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là thiếu máu khi mang thai vì giai đoạn này cơ thể cần lượng máu đặc biệt cao.

Vì sao phụ nữ dễ bị thiếu máu khi mang thai?
Lý do chính là vì nhu cầu về sắt của bạn tăng cao đáng kể khi mang thai. Sắt là yếu tố cần thiết để tạo hemoglobin, loại protein trong hồng cầu giúp mang oxy đến các tế bào trong cơ thể. Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể tăng hơn 50% so với bình thường, điều này có nghĩa là bạn cần thêm sắt để tạo thêm hemoglobin cho lượng máu tăng thêm này. Bên cạnh đó, bạn cũng cần thêm sắt cho thai nhi và nhau thai.

Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ khi mang thai lại không có đủ sắt để đáp ứng nhu cầu tăng cao của cơ thể, đặc biệt là trong sáu tháng cuối của thai kỳ. Khi không đủ sắt để tạo ra lượng hemoglobin cần thiết, bạn sẽ bị thiếu máu.

Mẹ biết gì về thiếu máu khi mang thai?

Bổ sung sắt qua thực phẩm và viên sắt là cách tốt nhất để phòng ngừa thiếu máu khi mang thai

Nguy cơ thiếu máu khi mang thai còn cao hơn nếu bạn bị buồn nôn vào sáng sớm và nôn mửa thường xuyên, nếu có thai nhiều lần trong thời gian ngắn, nếu bạn mang thai nhiều hơn một bé, nếu chế độ dinh dưỡng của bạn có ít sắt hoặc nếu bạn thường ra nhiều máu khi hành kinh trước đây.

Lượng sắt bạn cần sẽ tăng vọt từ 18 lên 27 miligram (mg) mỗi ngày trong suốt thai kỳ. Vì rất khó để nạp đủ sắt qua chế độ ăn uống thông thường, các bác sĩ khuyến khích phụ nữ mang thai uống mỗi ngày một liều 30mg sắt nguyên tố để phòng ngừa thiếu sắt.

Hiện nay thiếu sắt là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến thiếu máu khi mang thai, nhưng nó không phải là nguyên nhân duy nhất. Bạn cũng có thể bị thiếu máu nếu không có đủ acid folic hoặc vitamin B12, nếu mất nhiều máu trong thai kỳ hoặc bị các rối loạn về máu do di truyền như bệnh tế bào hồng cầu lưỡi liềm…

Việc điều trị thiếu máu khi mang thai tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến thiếu máu. Bổ sung sắt không phải lúc nào cũng là giải pháp thích hợp nhất.

Thiếu máu khi mang thai ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé như thế nào?
Bé khá chủ động trong vấn đề này vì bé sẽ lấy lượng sắt cần thiết cho mình nhanh hơn mẹ. Tuy nhiên, thiếu máu ở mẹ có thể ảnh hưởng đến lượng sắt dự trữ của bé khi sinh ra và làm tăng nguy cơ thiếu máu trong những năm đầu đời của bé.

Thiếu máu do thiếu sắt khi mang thai làm tăng nguy cơ sinh non và nhẹ cân. Hiện tượng này cũng tăng nguy cơ thai chết lưu và trẻ sơ sinh chết non. Vì vậy, các bà mẹ mang thai không nên xem nhẹ vấn đề này.

Thiếu máu do thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Nó khiến bạn mệt mỏi và khó chống lại các chứng bệnh viêm nhiễm. Nếu bị thiếu máu trong giai đoạn sau của thai kỳ, bạn dễ gặp các vấn đề về sức khỏe nhất là khi mất nhiều máu khi sinh. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, tim đập nhanh và các triệu chứng khác khiến bạn phải ở trong bệnh viện thêm vài ngày để được truyền máu và theo dõi thêm. Bên cạnh đó, thiếu máu còn có thể làm tăng nguy cơ bị trầm cảm sau sinh.

Phòng ngừa thiếu máu khi mang thai
Trước tiên, phụ nữ mang thai cần uống các loại vitamin cần thiết cho thai phụ và có chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều loại thực phẩm giàu sắt. Thịt đỏ như thịt bò, thịt bê, thịt cừu là lựa chọn tốt nhất, nhưng thịt gia cầm cùng với các loại thịt khác và các loại sò, hến cũng là những nguồn cung cấp sắt dồi dào. Các loại thức ăn giàu sắt có nguồn gốc thực vật bao gồm đậu, đậu hũ, nho khô, chà là, mận khô, mơ, khoai tây nguyên vỏ, bông cải, củ cải đường, các loại rau xanh, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và các loại ngũ cốc tăng cường sắt. Lưu ý rằng cơ thể hấp thu sắt có nguồn gốc động vật dễ hơn so với sắt có nguồn gốc thực vật.

Đặc biệt lưu ý: Không ăn gan để bổ sung sắt. Cần tránh ăn gan trong thời kỳ mang thai vì gan chứa lượng vitamin A khá lớn, có khả năng gây dị tật thai nhi.

Theo Marrybaby

Leave a Reply

Or