Mẹ bầu ngồi như thế nào mới đúng?

Có con là niềm vui lớn nhất cuộc đời của mẹ nhưng trong suốt 9 tháng mang con trong bụng, mẹ cũng phải chịu đựng biết bao nhiêu vất vả, mệt mỏi vì những thay đổi về nội tiết tố và cơ thể.

Đặc biệt, ở những tháng cuối thai kỳ, khi con ngày càng lớn và khỏe mạnh thì mẹ cũng mệt mỏi hơn khi phải mang chiếc bụng to nặng trong mỗi công việc hàng ngày. Lúc này, tư thế ngồi, đứng của mẹ cũng hết sức quan trọng vì ngồi sai tư thế sẽ khiến mẹ bị đau lưng và thậm chí còn ảnh hưởng đến bé ở trong bụng nữa. Vậy mẹ bầu nên ngồi như thế nào mới đúng?

me-bau-ngoi-nhu-the-nao-moi-dung

1/ Hãy chọn ghế đúng, an toàn cho mẹ, tốt cho con:

Khi bụng bắt đầu to, từ tháng thứ 5-6 trở đi, mẹ cần phải chú ý không được ngồi ghế quá cao hoặc quá thấp nữa vì khi đó, việc đứng lên ngồi xuống sẽ rất khó khăn, dễ té ngã. Tốt nhất, mẹ nên chọn các loại ghế cho chiều cao ngang tầm đầu gối của mình (với phụ nữ Việt Nam, sẽ vào tầm 40-50cm). Chiều cao ghế này sẽ giúp mẹ dễ dàng đứng lên, ngồi xuống chỉ với những điểm tựa nhỏ mà không tốn quá nhiều sức lực. Đồng thời, khi ngồi, đầu gối sẽ vuông góc với cẳng chân, tạo thế ngồi thẳng thoải mái, không bị mỏi.

Bên cạnh đó, mẹ cần chú ý lựa chọn các loại ghế có lưng dựa vuông góc, không lựa các loại ghế bành có lưng ngửa để tránh việc bị đau lưng. Mẹ cũng nên chọn các loại ghế không tay vịn để việc đứng lên ngồi xuống thoải mái hơn, nhất là ở những giai đoạn cuối thai kỳ khi bụng quá to.

Một điểm quan trọng mà nhiều mẹ bầu hay quên: hãy chọn ghế cứng, đừng chọn ghế mềm. Vì ghế mềm sẽ làm mông bị lún xuống, cột sống sẽ không thẳng và gây đau lưng, cũng như ảnh hưởng đến tư thế thai nhi.

2/ Tư thế ngồi hợp lý:

Điều quan trọng mẹ cần phải nhớ: khi mang thai, chúng ta giống như đeo một vật nặng trước bụng, vật nặng này sẽ làm mất trọng tâm cơ thể khiến ta dễ té ngã; để giữ mình không té, mẹ phải dùng cột sống để chống đỡ nên cột sống rất dễ bị đau. Nếu chúng ta khom lưng, cuối người về trước thì cột sống phải chịu một áp lực rất lớn để kéo người thẳng lại như cũ.

Ngửa ra sau khi đi hoặc khi ngồi, tưởng như sẽ giúp mẹ thoải mái hơn và vững hơn nhưng thực ra không phải. Tư thế này, sẽ khiến vùng thắt lưng chịu nhiều lực hơn và mẹ sẽ hay bị đau thắt lưng. Để hạn chế tổn thương cột sống, giảm đau lưng và đảm bảo an toàn cho bé, mẹ phải giữ lưng mình thẳng, mọi lúc, kể cả lúc ngồi.

Chính vì vậy, tư thế ngồi đúng sẽ là: mẹ giữ thẳng lưng, tiến đến sát và quay lưng lại với ghế, sau đó đặt mông xuống ghế trong khi lưng vẫn giữ thẳng, khi mông đã chạm ghế thì mẹ mới điều chỉnh vị trí để lưng chạm vào lưng ghế và giữ tư thế ngồi thẳng. Khi đứng lên: mẹ dùng 2 tay đặt lên đùi, chân vuông góc với mặt sàn, sau đó dùng lực tay từ từ nâng cơ thể lên trong khi vẫn giữ lưng thẳng. Lưu ý: mẹ không nên đứng dậy quá nhanh sẽ gây chóng mặt và đau lưng.

3/ Những tư thế ngồi cần tránh khi mang thai:

Tuyệt đối không ngồi vắt chéo chân vì tư thế ngồi duyên này sẽ làm hạn chế sự lưu thông máu, giãn tĩnh mạch ảnh hưởng tới bé. Đặc biệt, tư thế này càng khiến máu dồn về phía chân khiến tình trạng phù chân càng nặng.

Không ngồi cuối người, gập bụng vì sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi.

Không ngồi nửa mông, nhiều khi vội quá chúng ta lại ngồi nhanh rồi đứng nhanh. Đây là điều cần tránh vì nó không chỉ nguy hiểm mà việc ngồi nửa mông còn tăng áp lực lên cột sống khiến mẹ bị đau lưng hơn.

Ngồi ghế không có lưng tựa hoặc ngồi ngửa người ra sau sẽ khiến cột sống đau hơn.

Mong rằng những chia sẻ trong bài viết này sẽ giúp các mẹ có thêm những thông tin bổ ích để bảo vệ bản thân và thai nhi, vượt qua 9 tháng vất vả và chờ ngày khai hoa nở nhuỵ thật an toàn. Trong những bài viết kế tiếp, BSnhi sẽ tiếp tục chia sẻ về các tư thế đứng và nằm phù hợp cho mẹ bầu.

Chúc bé khỏe mẹ vui! ^^

Theo bsnhi

Leave a Reply

Or