Mang thai tháng thứ 2: hình thành nhiều bộ phận cơ thể bé, mẹ ‘vất vả’ hơn

Một tháng đã trôi qua, bây giờ bé yêu của bạn đã bước sang tháng thứ hai. Bắt đầu từ bây giờ, trong cơ thể bạn đã có những thay đổi rất đáng kể, có phải bạn đang bối rối vì sự phát triển của bé yêu làm bạn khó chịu… Bài viết sau đây sẽ cung cấp thêm cho bạn những thông tin giúp bạn biết rõ hơn về sự phát triển của bé yêu và những việc bạn cần làm trong tháng thứ hai này.

me-va-be-21

Tuần thứ 5

Lúc này, chiều dài của phôi thai chỉ khoảng 1,25mm. Phôi đã hình thành rất nhiều tế bào. Cuối tuần thứ 5 này, phôi bắt đầu có hình hài, ống thần kinh chạy dọc suốt chiều dài của phôi. Phần này về sau sẽ thành cột sống và não của bé. Phần trên của ống thần kinh đã bắt đầu phẳng ra và sau này sẽ tạo nên phần mặt trước của não. Một hạt nhỏ ở giữa phôi sẽ sớm phát triển thành trái tim của con bạn.

Đây là một giai đoạn phát triển đầu đời của thai nhi, vì vậy phải biết cách bảo vệ sức khoẻ của mình để thai nhi được an toàn và phát triển tốt. Lúc này, thai nhi của bạn đã được 3 tuần tuổi và hiện tượng kinh nguyệt sẽ không xuất hiện nữa. Nếu chưa biết mình có thai, bạn nên sử dụng que thử thai để kiểm tra xem mình có thai hay không.

Khi nghi ngờ mình có thai, bạn cũng nên bắt đầu uống vitamin và axít folic dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra cơ thể bạn có một sự thay đổi nhỏ như: ngực bạn căng và nhức hơn do tuyến sữa bắt đầu phát triển. Phôi thai đang dần lớn lên sẽ gây áp lực lên bàng quang, khiến bạn nhanh buồn đi tiểu hơn bình thường. Buổi sáng ngủ dậy, bạn có thể thấy buồn nôn và dần dần triệu chứng nôn này có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày.

Tuần thứ 6

Sự phát triển của thai nhi

Từ thời gian này trở đi, con bạn sẽ bắt đầu phát triển rất nhanh. Đầu tiên, dây rốn được hình thành và ống thần kinh dọc theo lưng của bé đã hoàn chỉnh. Bộ não bắt đầu phát triển, lấp đầy cái đầu đang hình thành và to dần. Mắt và cả những khe rãnh sau này sẽ trở thành tai trong của bé cũng đang bắt đầu hình thành. Tay chân bắt đầu nhú lên. Nếu sử dụng các phương tiện siêu âm hiện đại, đôi khi chúng ta cũng có thể nghe thấy nhịp tim của bé ở tuần thứ 6 này.

Sự thay đổi cơ thể mẹ

Cơ thể người mẹ không có sự thay đổi nhiều có thể tăng hoặc cân đôi chút do tình trạng ốm nghén xảy ra. Ở giai đoạn này bạn nên ăn nhiều thực phẩm tươi, ngon, giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là sắt, canxi, magie oxit, axit folic, kẽm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cả bạn và thai nhi. Ngoài ra, bạn cần ăn thêm rau xanh, hoa quả để bổ sung chất xơ và nước giúp giảm thiểu bệnh táo bón, tránh bị mất nước khi nôn nhiều; nên chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày; tránh ăn các thức ăn chứa nhiều mỡ, ngấy, cay…

Tuần thứ 7

Sự phát triển của thai nhi

Thời gian đầu của tuần thứ 7, chiều dài từ đầu đến mông của bé ước khoảng 4 – 5mm và đến cuối tuần thứ 7, bé tăng lên gấp đôi về kích thước, đạt từ 1,1 cm – 1,3 cm, cân nặng khoảng 0,8 gram.

Chồi của chân bắt đầu xuất hiện, nó giống như một vây cá nhỏ, ngắn. Chồi của tay dài hơn một chút và đã phân chia thành phần bàn tay và cánh tay. Chân và tay đã hình thành nên các hình bẹt mà sau này các ngón chân, ngón tay sẽ thay thế.Tim lớn dần lên trong cơ thể bé và bắt đầu phân chia thành hai buồng tim: trái và phải. Cuống phổi đã xuất hiện bên trong phổi, đây chính là bộ phận dẫn khí vào bên trong phổi. Các bán cầu mà sau này sẽ hình thành nên não cũng đang lớn lên.

Tròng mắt, lỗ mũi, ruột, tuyến tụy đang bắt đầu phát triển. Sự tạo hình của khuôn mặt, lỗ miệng, tai, lỗ mũi và đặc biệt là các sắc tố trong mống mắt con bạn đang diễn ra.

Dây rốn để cung cấp dưỡng chất và truyền đi các chất thải ra khỏi cơ thể bé phát triển từ chỗ mà phôi bám vào thành tử cung. Lúc này, ống tiêu hóa và phổi của em bé cũng đang tiếp tục hình thành

Sự thay đổi cơ thể mẹ

Thời gian này một màng nhầy sẽ hình thành ở cổ tử cung của bạn giống như một cái nắp để bảo vệ bé. Đến lúc bạn trở dạ sinh bé, nắp nhầy này sẽ mất đi. Thời kỳ này bạn hãy dùng vitamin bổ sung đặc biệt, thêm thành phần vitamin B12 và axít folic để hỗ trợ cho sự phát triển hệ thần kinh của con bạn, phòng chống các dị tật ở ống thần kinh. Các vitamin bổ sung đặc biệt B6 cũng giúp bạn đỡ nghén hơn.Tuy nhiên, việc dùng thuốc cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tuần thứ 8

Sự phát triển của thai nhi

Tuổi thai nhi của bạn lúc này được tính là tuần thứ 6 và chiều dài từ đầu đến mông của bé vào khoảng từ 1,4 cm – 2cm. Kích thước này của thai nhi gần bằng một hạt đậu nhỏ. Lúc này, não đã thành hình rõ, tuyến sinh dục đang phát triển để hình thành bộ phận sinh dục nam hoặc nữ. Ở phần trung tâm, động mạch chủ và cuống phổi đã hình thành, có biểu hiện đặc trưng riêng. Các ống nối từ cổ họng đến phần chức năng của phổi được phân nhánh, giống như cành cây.

Hệ thống tiêu hóa tiếp tục phát triển. Hậu môn được hình thành và ruột ngày càng dài hơn. Tuần này, bộ xương của bé bắt đầu hình thành. Các khớp khuỷu tay và các rãnh ngón chân đang bắt đầu lộ rõ. Ngón chân, ngón tay đang bắt đầu tạo hình. Cổ tay và khuỷu tay bắt đầu tạo thành chỗ gấp khúc hai cánh tay. Cánh tay kéo dài hơn, chúng chúc xuống phần khuỷu tay và hơi cong xung quanh phần tim. Khuôn mặt, mũi, môi trên của bé cũng đang được hình thành. Da đã bắt đầu phát triển trên mắt, tạo thành mí mắt. Đặc biệt, máu bắt đầu chảy trong một hệ thống tuần hoàn sơ khai. Lúc này, bé bắt đầu có một số cử động

Sự thay đổi của cơ thể mẹ

Tử cung của bạn ngày một to lên, khiến bạn có cảm giác bị thiết chặt, hoặc co cơ trong suốt thời gian thai kỳ. Tuy nhiên, nếu bạn bị co cơ, lại kèm theo xuất huyết thì nên đến bác sĩ để được tư vấn.

Trong tuần thai này, một số phụ nữ lại có những cơn đau nhức, ngắt quãng ở phần hông, phía dưới lưng và bên cạnh đùi khi thai phát triển. Nguyên nhân của hiện tượng này là do áp lực của dây thần kinh từ phía tử cung đang lớn dần. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý để giảm thiểu các cơn đau này.

Theo Hanhphucgiadinh

Leave a Reply

Or