Mách mẹ cách phòng bệnh cho trẻ khi dịch sốt xuất huyết vào mùa

Sốt xuất huyết là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ mầm non. Do đó, các bậc phụ huynh cần có biện pháp phòng bệnh cho trẻ trong mùa dịch đang bùng phát hiện nay.

Sốt xuất huyểt: Căn bệnh nguy hiểm với trẻ nhỏ

Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi trùng dengue gây ra. Bệnh lây truyền do muỗi vằn hút máu truyền bệnh từ người này sang người khác. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng nằm có khoảng 300 triệu người nhiễm sốt xuất huyết, tuy nhiên, con số thực có thể lên đến 400 triệu.

Sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn tiến qua 3 giai đoạn là giai đoạn ban đầu, giai đoạn nguy hiểm và cuối cùng sẽ đến giai đoạn hồi phục. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có những biểu hiện như sốt cao đột ngột và liên tục từ 2-7 ngày, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, đau đầu. Vài ngày sau, trên cơ thể trẻ sẽ xuất hiện đốm huyết dưới da, nôn, đi tiêu ra máu… Lúc này được gọi là giai đoạn nguy hiểm.

Mách mẹ cách phòng bệnh cho trẻ khi dịch sốt xuất huyết vào mùa ảnh 1
Chấm xuất huyết xuất hiện trên da trẻ. Ảnh minh họa: Internet

Nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách, sau 48-72 giờ sau giai đoạn nguy hiểm, trẻ sẽ bắt đầu phục hồi. Ở thời điểm này, bé sẽ hết sốt, thèm ăn, tiểu nhiều, số lượng tiểu cầu trở về bình thường, đồng thời, số lượng bạch cầu tăng.

Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý, sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu nếu chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết thì phụ huynh hoàn toàn có thể chăm con tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Nhưng điều này không có nghĩa các biến chứng sẽ không xảy ra. Do đó, bạn cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sát sao để có những xử trí kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.

 

Khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như mệt mỏi, người lờ đờ, nôn ói, chảy máu nhiều, tay chân lạnh, đau bụng… thì bạn nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để cấp cứu vì bệnh đang trở nặng hơn.

Phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm và có khả năng bùng phát thành dịch lớn. Dịch thường bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến hết tháng 11. Trẻ em, đặc biệt là đối tượng trẻ mầm non có nguy cơ nhiễm bệnh cao do sức đề kháng còn yếu và chưa có khái niệm phòng bệnh cho bản thân.

Vì vậy, phòng bệnh cho trẻ là điều hết sức cần thiết mà các bậc phụ huynh cần làm để bảo vệ con khỏi bệnh nguy hiểm này. Trao đổi với báo Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) chia sẻ, vệ sinh môi trường xung quanh là yếu tố tiên quyết trong việc phòng bệnh sốt xuất huyết cho trẻ nhỏ.

Bạn cần quét dọn sạch sẽ nhà ở, đậy kín các lu, bể chứa nước để muỗi vằn không có cơ hội chui vào đẻ trứng. Ngoài ra, có thể thả cá hoặc mê-zô vào các thau bể đựng nước để tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy.

Thu gom các vật dụng phế thải quanh nhà như chai lọ, vỏ xe cũ, mảnh chai… đồng thời, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Mách mẹ cách phòng bệnh cho trẻ khi dịch sốt xuất huyết vào mùa ảnh 2
Cho trẻ ngủ mùng cả ban ngày lẫn đêm để tránh muỗi. Ảnh minh họa: Internet

Cho trẻ ngủ mùng cả ban ngày lẫn đêm để tránh muỗi, phòng ngủ cần khô ráo thoáng mát. Không cho trẻ ngủ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh bị muỗi tấn công. Có thể sử dụng thuốc bôi chống muỗi cho trẻ, đặt nhang muỗi vào mùa mưa.

Nên mặc quần áo dài tay cho con, nhất là vào sáng sớm và hoàng hôn vì đây là khoảng thời gian muỗi hoạt động tích cực nhất. Khi trẻ có dấu hiệu nhiễm bệnh sốt xuất huyết thì phụ huynh cần cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà để không lây bệnh cho bạn bè.

Theo Phunusuckhoe.vn

Leave a Reply

Or