Lưu ý quan trọng để con vui khỏe trong mùa lạnh

Vào lúc trời lạnh thế này, ngoài bao nhiêu chuyện phải quan tâm đến, bạn còn đau đầu vì những tên tiểu yêu – đã sụt sịt mũi, ho, sốt như thế mà cứ đòi ra ngoài chơi cơ. Vậy, với quyền lực làm bố mẹ của mình, bạn nên cương quyết giữ con trong nhà hay thuận theo những lời van nài ấy đây?

Sốt

Nếu con bạn đang bị sốt và thấy mệt thì bé phải nghỉ trên giường, không có gì phải bàn cãi nữa cả. Nhưng thật ra bố mẹ không phải hoảng cả lên khi con bị sốt đâu, nếu bé vẫn còn năng lượng và không cảm thấy mệt thì cũng không nên bắt bé nằm dí ở trên giường. Nếu bạn cho con uống thuốc giảm sốt và nhiệt độ cơ thể bé đã giảm đi, thậm chí có thể cho bé ra ngoài chơi một chút – miễn là con không chơi chung với các bạn khác khi đang bị sốt vì có thể lây cho nhau.

cho con vui khoe mua lanh 1

Đừng nghĩ rằng khi con bị sốt thì nhất định phải nằm trên giường mới được (ảnh minh họa)

Đau họng

Nếu con bạn bị đau họng nhẹ và không bị sốt, bé vẫn có thể vui chơi và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên nếu bé bị đau họng nặng hơn, khó nuốt thì phải đi khám bác sĩ.

Ho

Nếu bạn bắt con phải ở suốt trong nhà chỉ vì bé bị ho khan, thì bé sẽ được thấy ánh sáng mặt trời còn ít hơn cả ma cà rồng nữa đấy. Miễn là con bạn trông khỏe, uống nước tốt và thở bình thường thì có thể cho con ra ngoài chơi được. Nhưng nếu con khó thở hoặc bị đau ngực thì phải gọi bác sĩ nhé. Bạn cũng cần biết rằng cơn ho sẽ có thể nặng hơn khi ra ngoài trời lạnh nên bé không nên chơi ở ngoài lâu; ngoài ra cũng phải cho bé ngừng chơi và vào nhà ngay nếu bé bị hụt hơi không thể nói trọn câu.

Sổ mũi

Cũng giống ho, sổ mũi có thể kéo dài nhiều ngày sau khi bệnh ban đầu đã hết. Nếu con sổ mũi có kèm theo sốt, hãy tiếp tục chữa trị cho bé theo hướng dẫn điều trị sốt ban đầu. Còn nếu không, và bé bảo với bạn rằng bé đã sẵn sàng để… chơi, bạn có thể cho bé chơi.

Nước mũi thò lò vàng thật ra không đáng ngại như vẻ ngoài của nó. Nhìn chung nước nhầy mũi có màu đậm hơn sau khi ở trong mũi cả đêm, hoặc sau nhiều ngày bị cảm cúm, đó là sự tiến triển bình thường của virus mà thôi. Tuy nhiên, nếu con chảy nước mũi đặc và có màu xanh hoặc vàng cả tuần liền, bạn hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nhi nhé, vì có thể bệnh của con đã phát triển thành viêm xoang đấy.

Da nhạy cảm

Thời tiết lạnh có thể gây khó cho làn da nhạy cảm mỏng manh của bé, vậy nên bố mẹ càng phải cẩn thận hơn nữa trong các biện pháp phòng ngừa cho con như bôi kem chống nắng (vào mùa lạnh bé vẫn có thể bị cháy nắng), cho con ăn mặc hợp lý, giữ cho da tiếp xúc với không khí lạnh càng ít càng tốt.

cho con vui khoe mua lanh 2

Kem dưỡng thể không phải chỉ dành cho mẹ, đây là thứ rất cần cho con trong mùa lạnh đấy (ảnh minh họa)

Da khô

Cho bé tắm với xà phòng loại dịu nhẹ, ít hương liệu và tránh chà xát mạnh. Sau khi tắm xong, hãy vỗ nhẹ, thấm nhẹ nước khỏi da bé thay vì lau khô mạnh có thể làm da bé bị tấy rát lên (nếu các bé đã tự tắm một mình, hãy dặn con thực hiện theo như thế). Ngoài ra bạn cũng hãy bôi dưỡng ẩm cho con nữa nhé, với các bé còn nhỏ, da nhạy cảm, bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về loại kem dưỡng thể nên sử dụng.

Da nứt nẻ

Hãy ngăn chặn bằng cách cho con đeo khẩu trang và bôi vaseline trên bất cứ phần da nào lộ ra trước khi cho bé ra ngoài chơi. Thậm chí khi ở trong nhà, bố mẹ cũng vẫn nên bôi kem dưỡng ẩm thường xuyên cho con

Nẻ đầu ngón tay, chân

Đầu ngón tay của con bé bỏng có thể bị nẻ khi thời tiết trở lạnh và khô, đặc biệt ở bên phía tay thuận của bé vì phải chịu cọ xát nhiều. Các bác sĩ nhi khoa khuyên bạn sử dụng kem làm mềm hay vaseline thường xuyên, nhất là sau khi rửa tay. Nếu bạn nghĩ con đã đủ lớn để chịu đựng nó, có thể chỉ cần trước khi đi ngủ bôi kem dưỡng ẩm tay và đeo một đôi găng tay vải bông để kem có thể ngấm sâu vào da.

Bỏng lạnh sâu

Gây ra do tiếp xúc lâu với cái lạnh, thường xuất hiện đầu tiên ở những đầu mút lộ ra như mũi, đầu ngón tay, ngón chân… Trông sẽ thấy nơi đó bị đỏ lên và có cảm giác vô cùng lạnh, có thể bị tê hay ngứa ran lên. Trong trường hợp này bạn hãy cho con vào trong nhà, thay quần áo khô, sau đó “đuổi” cái lạnh bằng cách ngâm tay/ chân vào nước ấm (hay áp khăn nhúng nước ấm).

 

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or