Lời khuyên cho mẹ bầu phòng và chữa đau mắt đỏ

Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhiều người đã phải nghỉ làm, trẻ con phải nghỉ học ở nhà vì bệnh đau mắt đỏ. Trong số, bệnh nhân không ít người là bà bầu cũng bị “dính”, gây tâm lý lo sợ và ảnh hưởng tới thai nhi.
Bệnh đau mắt đỏ lây lan rất nhanh dễ bùng phát thành dịch do lây truyền qua đường hô hấp, đường tiếp xúc, đồ dùng cá nhân (khăn mặt), nguồn nước… Bệnh dễ lây ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa rõ ràng tức là còn ở trong thời gian ủ bệnh. Thậm chí, ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp. Điều lo lắng nhất là bà bầu dính đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi

ba-bau-bi-dau-mat-1

Ngay cả thuốc nhỏ mắt cũng cần xem hướng dẫn có dùng được cho bà bầu hay không – ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hoàng Cương, BV Mắt Trung ương, người bệnh không nên tự ý tra thuốc bừa bãi, bệnh không khỏi mà còn nặng lên. Nhiều người thường hay mua hai loại thuốc là Clodexa và Nemydexa mà không biết các thuốc này có chứa chất gây giảm miễn dịch mắt. Ngoài ra, có trường hợp không phải bị đau mắt đỏ thông thường mà do vi khuẩn, viêm loét giác mạc thì nhỏ thuốc vào càng làm bệnh trở nên trầm trọng hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Bác sĩ cũng khuyến cáo chị em bầu: “Xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng để chữa bệnh đau mắt đỏ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc. Khi xông hoặc đắp xong, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh. Nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì các loại lá này chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. Bệnh viện đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ”.

Với bà bầu, bác sĩ khuyến cáo không nên đến nơi có người đang đau mắt đỏ, vì bệnh này rất dễ lây. Mặc dù nước muối sinh lý không có tác dụng điều trị đau mắt đỏ nhưng bà bầu có thể sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và gỉ mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Với người chưa mang bệnh thì sử dụng nước muối sinh lý có tác dụng rất tốt trong việc phòng ngừa đau mắt đỏ.

Nếu chẳng may bị bệnh đau mắt đỏ trong thời kỳ mang thai nhất thiết phải đi khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt, tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc. Bà bầu cần đeo kính râm, khẩu trang và rửa tay thường xuyên, không dụi tay lên mắt để ngăn chặn bệnh nặng lên và giảm thiểu khả năng lây bệnh cho những người xung quanh.

Cách phòng bệnh

Đau mắt đỏ tuy là bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Mầm bệnh có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. Cụ thể như sau:

Khi không có dịch: 

– Luôn đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.

– Dùng riêng khăn, gối, chậu rửa mặt.

– Giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.

– Không dùng tay dụi mắt.

Khi đang có dịch:

– Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

– Rửa mắt hàng ngày bằng nước muối sinh lý (nước muối 0,9%), ngày ít nhất 3 lần vào các buổi sáng, trưa, tối.

– Không dùng chung thuốc nhỏ mắt, không dùng chung đồ đạc với người đau mắt.

– Hạn chế tiếp xúc với người bị đau mắt.

– Hạn chế đến những nơi đông người đặc biệt là những nơi có nhiều mầm bệnh như bệnh viện…

– Hạn chế sử dụng các nguồn nước bị ô nhiễm, hạn chế đi bơi.

 

 

theo: kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or