Làm thế nào để tránh méo, bẹp đầu cho trẻ sơ sinh?

Trẻ bị bẹp đầu, méo đầu là do bố mẹ vô tâm hoặc không có kinh nghiệm, để bé nằm nhiều ở một tư thế.

Nằm ngửa nhiều, xương gáy trẻ sơ sinh mềm, bị đè nén lâu ngày sẽ biến dạng gây bẹp (dân gian gọi là đầu bẹp cá trê). Còn nằm nghiêng nhiều về một phía thì gây méo. Cả hai đều ảnh hưởng tới diện mạo bé sau này.

Cho trẻ nằm thế nào để giảm tình trạng méo đầu?

Các bà mẹ trẻ lưu ý những điều sau để giảm thiểu tình trạng này:

– Trong tháng đầu sau khi sinh, luôn chú ý đổi bên nằm cho trẻ, xen kẽ nghiêng trái, phải và nằm ngửa.

Nhiều trẻ quay đầu rất linh hoạt, lúc quay bên này, lúc quay bên kia, như thế thì khả năng lớn là đầu sẽ tròn. Tuy nhiên, với những trẻ có thói quen thường xuyên ngủ nghiêng đầu về bên trái hoặc bên phải hoặc nằm ngửa thì đầu dễ bị méo hoặc bị bẹp phía sau.

Với những bé này, phải thường xuyên quan sát, nếu bé hay nghiêng bên nào thì phải lấy khăn hay vải cuộn lại chèn vào bên đó cho cao lên để bé phải quay sang bên kia.

tre-so-sinh

– Nhưng không phải bé nào áp dụng chèn kiểu này cũng được, bé sẽ tự chuồi đầu ra khỏi tấm chèn để quay về đúng tư thế bé thuận. Nếu vậy chỉ còn cách đợi lúc bé ngủ thì cưỡng chế quay đầu bé.

– Khi cho bé bú, thường xuyên đổi bên, tránh cho bú mãi một bên. Áp dụng cả với bé bú bình lẫn bú mẹ.

– Có thể đặt bé nằm sấp với sự giám sát của cha mẹ. Tuy nhiên, không nên để bé nằm sấp nhiều vì nó có thể liên quan đến tình trạng đột tử của trẻ sơ sinh. Bạn nên luyện cho bé nằm sấp vài lần mỗi ngày khi bé tỉnh. Bắt đầu với 1-2 phút nằm sấp để bé thích thú với tư thế này. Nằm sấp còn khuyến khích bé phát triển cơ cổ trong giai đoạn đầu đời.

– Sử dụng đồ chơi kích thích bé xoay mặt qua hai bên.

– Theo dân gian, kết hợp mátxa, xoa đầu cho bé cũng có tác dụng nhất định. Dùng tay xoa đều đầu (đỉnh đầu và quanh đầu) theo chiều kim đồng hồ, thì sau này cho dù bé có nằm nghiêng, tình trạng méo đầu cũng không nghiêm trọng lắm.

– Tất cả những việc này phải làm ngay trong tháng đầu tiên sau khi bé ra đời. Đến những tháng sau thì không còn kịp để cải thiện nữa.

–  Nếu tình trạng bẹp đầu trầm trọng, phụ huynh nên cho bé khám chuyên khoa Vật lý trị liệu để phân biệt tình trạng lép đầu do tư thế gây ra hay là do một số bệnh lý khác như vẹo cổ do tật cơ, tình trạng giảm trương lực cơ ở trẻ nhỏ… Nếu bé bị các bệnh lý đó thì ngoài việc đặt tư thế đúng, bé cần phải được tập luyện vật lý trị liệu tích cực và theo dõi lâu dài sau đó.

Trẻ sơ sinh có cần dùng gối?

Nếu muốn mẹ có thể gấp một chiếc tã vải xô ngay ngắn và mỏng thôi để đặt đầu trẻ lên, chứ không cần dùng gối.

Tốt nhất, không dùng gối cho trẻ sơ sinh.

Đó là vì cột sống trẻ sơ sinh thẳng, nên khi nằm, lưng và gáy cùng ở trên một mặt phẳng. Vả lại, trẻ sơ sinh đầu rất to so với cơ thể, tương đương với chiều rộng của vai, nên khi nằm nghiêng cũng rất tự nhiên, không cần dùng gối.

Nếu đầu trẻ được đệm cao lên, trái lại còn dễ khiến đầu và cổ bị cong, ảnh hưởng tới sự hô hấp và nuốt sữa của trẻ, thậm chí còn gây nên những hậu quả lớn hơn.

Đôi khi, để đề phòng trớ sữa, nếu đệm cao thì đệm cả nửa người phía trên của trẻ lên một chút, chứ không đệm cho riêng đầu.

Tránh xa gối lõm!

Đây là loại gối được nhiều cửa hàng bán đồ sơ sinh quảng cáo là “gối chống bẹp đầu”. Tuy nhiên, trên thực tế đây lại là một trong những thủ phạm gây bẹp đầu cho trẻ sơ sinh. Chị Lê Thanh Hải (làng Lủ, Kim Giang, Hà Nội) chia sẻ: “Hồi mới sinh đứa đầu tiên, tôi nghe nói nằm nghiêng trái hay nghiêng phải nhiều cháu sẽ méo trái hoặc méo phải nên tôi mua gối lõm, nghĩ là lõm ở giữa thì cháu không quay bên nào được, đầu sẽ tròn. Ai ngờ con nhà tôi cũng ngoan, cứ thường xuyên nằm ngửa, kết quả là đầu bẹp cá trê. Đúng là tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa. Giờ cháu đã 5 tuổi, tóc dày che đầu, trông cũng không đến nỗi bẹp như hồi nhỏ, nhưng nói chung nhìn kỹ là phát hiện thấy ngay”.

Vậy bao giờ mới nên cho trẻ dùng gối?

Phải đến tháng thứ 3 sau khi chào đời mới nên cho trẻ dùng gối. Đến thời điểm đó bé mới bắt đầu tập ngóc đầu lên, trụ xương sống cổ mới bắt đầu lượn về phía trước. Hơn nữa, đến giai đoạn này tốc độ phát triển của thân bắt đầu nhanh hơn đầu, vai dần dần rộng ra.

Thời điểm này không dùng gối có thể khiến tư thế ngủ không thoải mái, bé quấy khóc. Đồng thời, nếu không có gối, đầu ở vị trí thấp, máu sẽ đọng lại ở não nhiều hơn, sẽ khó ngủ.

Đầu đã méo rồi, có điều chỉnh được?

Khi trẻ sơ sinh sắp đầy tháng, nhiều người bỗng dưng phát hiện ra rằng không hiểu sao lúc nào nằm ngủ, đầu trẻ cứ quay về một phía cố định đến nỗi méo cả đầu. Nhưng đến lúc này, đặt đầu trẻ nghiêng sang trái hay phải để điều chỉnh cũng chỉ uổng công vô ích. Nếu muốn đầu trẻ phát triển cân đối không bị lệch, thì phải tiến hành điều chỉnh tư thế nằm ngay trong tháng đầu mới có tác dụng.

Đầu trẻ em trong tháng đầu mới sinh phát triển nhanh hơn bất cứ lúc nào trong cả cuộc đời, vòng đầu tăng những 3 cm. Xương sọ cũng phát triển nhanh như vậy và đâu cứ phải phát triển sang hai bên như nhau. Ấy là do sức mạnh bên trong quyết định chứ đâu phải do áp lực bên ngoài. Trong quá trình phát triển không đều sang hai bên ấy, bé luôn ngả đầu về một phía để ngủ, đó là để đảm bảo thăng bằng đầu của bé.

Nhiều bà mẹ còn lo méo đầu ảnh hưởng đến trí tuệ. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng hiện tượng này không có gì nguy hại hay ảnh hưởng đến trí não của bé, chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ mà thôi.

 

theo: mecon

Leave a Reply

Or