Làm sao để con không quá bám mẹ?

Nhiều bà mẹ phải khổ sở vì khi được khoảng 2 – 3 tuổi, bé cứ bám chặt lấy mình dù ở nhà hay khi gặp người lạ, hoặc trong một đám đông nào đó. Trẻ bám mẹ một cách thái quá sẽ khiến cho bạn không có phút nào được thoải mái làm các việc khác và còn ảnh hưởng đến khả năng tự lập của bé sau này. 

Vì sao trẻ hay bám mẹ?

Bám mẹ là đặc điểm tự nhiên của các bé. Vì người mẹ luôn là người gần gũi và chăm sóc bé nhiều nhất. Chính vì thế bé thấy được cảm giác an toàn và hạnh phúc khi được bên mẹ mà không phải những người thân khác trong gia đình.

Hơn nữa, có nhiều bé được nuông chiều, bao bọc thái quá, ít có cơ hội vui chơi, tiếp xúc; bản tính trầm, chậm, rụt rè cũng có xu hướng bám mẹ.

bamme-9f263

Ảnh hưởng của việc trẻ quá bám mẹ

Các chuyên gia tâm lý cho biết, thói quen bám mẹ ở các bé là quá trình phát triển tâm lý bình thường. Nhưng trong một số trường hợp, nếu bé bám lấy mẹ mọi lúc, mọi nơi: Bạn vừa quay vào bếp, bé đã khóc lớn và không chịu ăn; bạn chào bé đi chợ, bé cũng nặc nằng đòi theo… có thể bé đã quá phụ thuộc vào mẹ và không chịu rời mẹ…nửa bước. Bé sẽ xuất hiện cảm giác lo lắng, bất an khi không có mẹ bên cạnh.

Yếu tố này hoàn toàn không có lợi cho sự phát triển độc lập của bé. Bám mẹ trở nên thái quá sẽ khiến bé thiếu tự tin, khả năng hòa nhập yếu nên cũng không tốt cho bé. Khi đó, bé sẽ thiếu tính tự lập, không biết tự sắp xếp cuộc sống nên dần dần sẽ nảy sinh tâm lý thụ động, ỷ lại.

Càng lớn bé sẽ càng tách ra khỏi sự bao bọc của mẹ. Khi ấy, bé dần phát triển thành một cá thể riêng với suy nghĩ và hành vi của bản thân. Sự dựa dẫm quá lớn vào mẹ sẽ cản trở sự tự tin của bé.

Giải pháp cho các bà mẹ

Dù yêu thương bé nhưng bạn không nên ở bên cạnh bé 24/24 giờ mỗi ngày. Trường hợp bạn ở nhà nội trợ, bạn cũng nên tập tách bé. Chẳng hạn, trong lúc bé vui chơi hoặc xem tivi ngoài phòng khách, bạn có thể lau chùi, dọn dẹp phòng bếp bên cạnh.

Thay vì quấn quýt với bé, người mẹ cần tạo cho con khoảng trống để hòa nhập xã hội. Ban đầu, sẽ rất khó cho cả mẹ và bé khi phải “tách” nhau; vì thế, người mẹ cần sử dụng biện pháp “cai” bé từ từ. Tránh đột ngột quá khiến cho bé hụt hẫng, thất vọng hay hoảng loạn.

Từ hai tuổi trở đi, bé có thể tự tham gia vui chơi cùng một nhóm bạn, vừa là học nói, vừa là hình thành khả năng thích nghi xã hội. Không nên sợ con khóc, lo con bị bạn bắt nạt mà “cách ly” bé với bạn chơi. Hãy để cho bé hòa đồng bằng cách đưa bé đến nơi có nhiều bé cùng tuổi khác. Cũng có thể mời những bé hàng xóm đến nhà chơi, mỗi bé cầm một món đồ chơi. Thông qua đó, cha mẹ có thể dạy cho bé cách chia sẻ và hòa đồng.

Đơn giản hơn, có thể đưa cho bé một ít kẹo (bánh) và đề nghị: “Con mang kẹo mời bạn đi”. Lúc đầu, bé tỏ ra rụt rè nhưng các bé sẽ hòa nhập khá nhanh. Khi các bé đã quen với nhau, mẹ sẽ có thời gian làm việc khác. Nếu bé bị ngã, bị bạn chơi đánh (cấu, cắn…), cha mẹ cũng không nên hoảng sợ.

Khoảng 2 tuổi, bé bắt đầu nhận thức thế giới xung quanh và biết cách thể hiện tình cảm. Khi bị ngã, bé có thể khóc thét lên, chạy đến mẹ hoặc cứ nằm im như thế, chờ mẹ đến nâng dậy; khi bị bạn chơi cắn, bé sợ hãi, không dám chơi tiếp hoặc kéo tóc lại người bạn “xấu” kia. Cha mẹ cần hướng nhận thức của bé về bản thân, về thế giới xung quanh, về cách ứng xử nào là phù hợp, cách nào không phù hợp. Tuy nhiên, dù có sự cố nào xảy đến, cũng không nên cấm đoán con vui chơi.

Bạn không nên giúp những việc bé có khả năng: Nếu bé muốn bạn bóc hộ vỏ bánh, bật hộ tivi, bạn nên đề nghị bé tự làm sau khi đã hướng dẫn cho bé… Những lúc nhờ được người thân trông bé, bạn nên tranh thủ ra ngoài và hứa với bé, bạn sẽ quay về nhà ngay.

Nếu đã đi làm trở lại, thời gian đầu, bạn nên hạn chế việc liên tục gọi điện về nhà thăm hỏi bé. Bạn có thể giao ước với bé ngay từ đầu: “Mẹ đi làm đến chiều tối mới về. Con ở nhà ngoan nhé”. Bé sẽ quen dần với việc vắng bạn và thấy thoải mái dù không có bạn ở bên.

Nếu bé bám mẹ quá mức, quấy khóc hoặc hoảng loạn khi vui chơi, có thể bé đang gặp rắc rối về tâm lý hoặc thần kinh. Khi đó, bé cần được đưa đi khám để có biện pháp can thiệp thích hợp.

 Theo Mangthai

Leave a Reply

Or