Làm gì khi hai con xung đột kịch liệt?

Nếu bạn có nhiều hơn một đứa con, những cuộc cãi vã, tranh giành, thậm chí đánh nhau giữa các con là một thực tế hàng ngày mà cha mẹ phải đối mặt.

 Bạn sẽ làm gì lúc đó? Xông vào phân xử? Mặc kệ? Cho cả hai đứa một trận? Tất cả các cách này đều có thể áp dụng, nhưng để giải quyết dứt điểm các “tranh chấp”, bạn nên thuộc lòng những nguyên tắc dưới đây:
1. Lắng nghe và ghi nhận tình cảm của tất cả bọn trẻ
Được người khác lắng nghe và thoải mái bày tỏ cảm xúc của mình sẽ giúp con bạn nói ra được sự giận dữ và thất vọng mà bé cảm thấy đối với anh/chị/em.
Khi con còn bé, chúng thường “đấu tranh” để nhận được sự chú ý của cha mẹ vì vậy hãy dành thời gian để ngồi cùng con, lắng nghe một cách tích cực (và không thiên vị), con của bạn sẽ biết rằng cha mẹ chúng đã nghe và tôn trọng chúng.
Đặc biệt, nếu bạn “lắng nghe chủ động” thì hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều. Chẳng hạn, trước khi con chia sẻ với bạn về việc bị em gái làm hỏng món đồ chơi mà bé thích, bạn có thể chủ động bắt chuyện với bé rằng: “Mẹ biết con đang tức giận vì em vừa làm hỏng con búp bê yêu quý của mình, hãy nói với mẹ vì sao chuyện lại xảy ra như thế”.
2. Đừng biến mình thành trọng tài
Nếu bạn mất quá nhiều thời gian để làm trọng tài cho những cuộc tranh giành nảy nửa của con thì thật không hay chút nào. Khoảng thời gian đó bạn có thể tiết kiệm để hoàn thành những kế hoạch dạy con khác tốt hơn.
Bạn sẽ nhận ra rằng, nếu cứ đứng giữa 2 đứa trẻ và diễn xuất như một trọng tài thì không giúp giải quyết bất cứ điều gì và những tranh luận vẫn sẽ kéo dài. Vì vậy, ngoại trừ một số vấn đề đặc biệt, hãy để các con học cách giải quyết bất đồng xảy ra giữa bọn trẻ, chúng cần tìm cách để chấm dứt “chiến tranh”. Qua những trường hợp như thế này, kỹ năng sống của trẻ sẽ dần cải thiện.
Trong trường hợp bạn phải tham gia vào những cuộc tranh luận của lũ nhóc thì hãy cố gắng để giải quyết vấn đề một cách công bằng và vô tư nhất có thể.
Tuy nhiên có một điểm bạn cũng cần lưu ý, đó là khi là người đứng giữa, bạn luôn cần phải công bằng nhưng cũng không nên khuyến khích trẻ luôn phải phân định về việc ai đúng hay “sai”. Đừng để bọn trẻ nghĩ rằng tất cả mọi thứ luôn luôn phải là “công bằng” và “bình đẳng” – đôi khi điều mà một đứa trẻ cần nhiều hơn đó là tình yêu thương và sự nhường nhịn.
Bạn làm gì khi hai con đánh nhau "sứt đầu mẻ trán"? 1
Đôi khi cha mẹ không nên giải quyết xung đột giữa các con mà nên để chúng học cách tự giải quyết. (Ảnh minh họa)
3. Anh chị em không cần phải ở bên nhau mọi lúc
Những đứa trẻ là anh em/chị em không có nghĩa là lúc nào cũng cần phải “tập hợp” chúng bên nhau. Nếu trẻ em luôn bận rộn và năng động với các ý tưởng, hoạt động và lịch trình hàng ngày, chúng sẽ ít có thời gian tranh giành nhau. Đây là lý do tại sao anh chị em có xu hướng xung đột trong khoảng thời gian nghỉ hè hoặc khi không có gì thú vị để làm.
Thỉnh thoảng bạn nên cố gắng sắp xếp ngày chơi riêng biệt hoặc các hoạt động cho mỗi đứa trẻ. Hãy tạo cho chúng cơ hội được làm những việc riêng, đặc biệt là nếu chúng đang có rất nhiều mâu thuẫn.
Đôi khi “đi theo con đường riêng” thực sự là cách tốt nhất để xử lý các mối quan hệ căng thẳng. Bằng cách khuyến khích và giúp đỡ con của bạn phát triển các mối quan hệ bên ngoài gia đình như bạn bè cùng lớp, bạn hàng xóm… sẽ  giúp con có ít áp lực hơn về mối quan hệ anh chị em.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn cố tình làm chúng xa cách nhau. Những hoạt động vui chơi của gia đình cũng nên có thường xuyên để chúng cùng tham gia. Các hoạt động gia đình vui vẻ có thể giảm bớt xung đột và tạo thêm sự liên kết giữa bọn trẻ.
4. Thiết lập những quy tắc 
Bạn thừa biết rằng việc chấm dứt hẳn những xung đột giữa các con là điều không thể, và tất nhiên bạn cũng không thể cấm chúng không được cãi nhau, không được tranh giành. Vậy thì hãy thiết lập ra những quy tắc “chiến tranh” để những cuộc xung đột không có kết thúc quá tệ.
Có những hành vi không thể chấp nhận được dù giữa bọn trẻ đang có những tranh luận đó là: nói tục, chửi thề và đặc biệt là bạo lực. Bạn cần phải nghiêm khắc với những trường hợp này, cho bọn trẻ thấy rõ hậu quả của việc vi phạm vào những hành vi đó. Điều này dạy cho trẻ có trách nhiệm với hành động của mình.
Bạn cũng có thể tổ chức các cuộc họp gia đình hàng tuần trong đó bạn lặp lại các quy tắc khi tranh luận và xem xét thành công trong việc giảm xung đột.  Sử dụng các cuộc họp gia đình thường xuyên giúp trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình, cũng như lập kế hoạch các sự kiện trong tuần cho lũ trẻ tham gia.

 

theo: kienthucgiadinh

Leave a Reply

Or