Kiềm chế cơn giận mất khôn khi dạy con

Vừa xoa dầu khuynh diệp vào vết bầm trên người bé Bi, chị Thanh (Q4, TP HCM) vừa ân hận ước gì không quá nóng giận với con. Cũng may, Bi mới chỉ tím một bên vai và u trán khi bị mẹ đẩy chứ chưa đến nỗi thương tật phải đi viện.

8-sai-lam-dien-hinh-khi-day-con_1

Chị Thanh vốn rất chiều con nên bé Bi có phần nhõng nhẽo. Tuy nhiên, hôm nay vừa bị sếp mắng ở công ty, về nhà lại nhìn cái xe chồng hứa đem đi sửa hộ vẫn chỏng chơ giữa phòng, còn chồng nhắn tin đi nhậu, chị đâm cáu khi cậu con trai cứ bám lấy mẹ đòi bế.

Ảnh minh họa

Chị kêu mẹ mệt, thằng bé càng gào to: “Mẹ bế, mẹ bế” rồi bám người chị đu lên. Bực mình, chị đẩy bé ra, bé lại chạy vào ôm chặt chân mẹ. Điên tiết, chị đẩy mạnh, bé Bi ngã xuống nền nhà lát đá hoa, đầu và vai đập vào đất. Cậu bé khóc thét lên. Chị giật mình chạy lại ôm con, cuống quýt xin lỗi con để bé ngừng khóc…

Hầu như trong quá trình nuôi dạy con của mình, ông bố bà mẹ nào cũng từng trải qua trạng thái cáu giận vì con nghịch ngợm, làm hỏng đồ đạc trong nhà, nói mãi không chịu nghe, thậm chí con hỏi quá nhiều, hay khi học bài cùng con mà giảng mãi con không hiểu cũng khiến bố mẹ sôi máu.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong buổi sinh hoạt định kỳ mới đây tại TP HCM của CLB Dạy con nên người với chủ đề “Nấu chín cơn giận để dạy con”, số thành viên tham dự bỗng đông bất thường. Đa số các bậc phụ huynh đều thừa nhận trong quá trình nuôi dạy con của mình không tránh khỏi những lúc nổi nóng và la mắng con, dù biết là không nên. Tuy nhiên, áp lực cơm áo gạo tiền rồi những vấn đề khác trong cuộc sống khiến bố mẹ đau đầu dẫn đến không thể nhẹ nhàng với con.

Chị Hương (công tác trong ngành viễn thông, có con gái sắp lên lớp 3 và con trai chuẩn bị vào lớp 5) kể khi chị dò bài cùng cậu anh thì cô em cứ vào gây nhiễu vì bé muốn mình là trung tâm của cả nhà khiến chị rất bực. Chị Xuân Thương (giám đốc một công ty) dễ nổi cáu khi hai cậu con trai 6 và 3 tuổi thường đặt nhiều câu hỏi và bắt mẹ trả lời bằng hết dù chị đang mệt mỏi sau cả ngày làm việc…

Tuy nhiên, rất nhiều người sau những ca nổi nóng với bé đã dần tìm ra bí quyết giúp mình tự kiểm soát cơn giận. Chị Quỳnh Chi (nhà ở quận 10) có hai con 10 và 6 tuổi chia sẻ kinh nghiệm để không nổi nóng khi dò bài cùng con là trước hết phải tạo cho mẹ một tâm lý thật thoải mái. Sau 8 tiếng công sở mệt mỏi, việc đầu tiên chị làm khi về nhà là tắm rửa cho mát mẻ và thư giãn đầu óc. Khi chị có tâm trạng thoải mái thì những sai sót của con dễ được thông cảm hơn.

Chị Chi cũng cho rằng cha mẹ cũng không nên cầu toàn, đừng đòi hỏi con quá nhiều thì sẽ đỡ được cảm giác nóng giận bực mình, vì trẻ nhỏ đương nhiên không thể hiểu nhanh bằng người lớn. Chính chị đã phải mất hai năm trời để rèn luyện tính ngăn nắp, biết sắp xếp bút sách gọn gàng trước và sau khi học bài cho con.

Ngoài ra, để bé có thể tiếp thu tốt khi học ở nhà cùng mẹ, hai mẹ con chị thống nhất một giờ học nhất định trong ngày, cùng nhau biến giờ học thành niềm vui. Bản thân chị cũng phải gạt hết những lo toan khác sang một bên khi đã vào bàn học cùng con.

Anh Minh Luận (một nhà thiết kế) kể cô con gái 11 tuổi của anh rất hiếu động, thích tìm hiểu nên bé đã liên tục hỏi anh rất nhiều điều. Để giảm áp lực cho bố khi con cứ hỏi hoài, anh bảo bé ghi các câu hỏi vào một quyển sổ, sau đó bố giải đáp một thể. Thậm chí, khi nào bí quá, anh còn đề nghị bé ghi câu hỏi rồi tự ghi câu trả lời và sau đó hai bố con cùng so sánh đáp án. Như thế anh vừa không bị áp lực khi con cứ bám theo hỏi hết thứ này thứ kia mà còn tạo cho bé tính tự lập và phát triển khả năng tư duy.

Tuy nhiên, với những đứa trẻ chưa biết chữ thì cha mẹ có thể áp dụng cách của chị Bích (Q7, TP HCM). Cô con gái 4 tuổi của chị nói cũng rất nhiều và hỏi liên tục. Thậm chí một câu hỏi, bé hỏi đi hỏi lại nhiều lần, đến khi thuộc lòng câu trả lời của mẹ, bé vẫn chưa chán hỏi. Rồi từ trả lời này của mẹ bé lại liên tưởng sang câu hỏi kia. Để chấm dứt chuỗi câu hỏi dài dằng dặc của bé, chị vẫn trả lời nhưng kèm điều kiện: “Con chỉ được hỏi 3 câu”.

Thường thì bé không đồng ý ngay mà luôn chèo kéo thêm 1, 2 câu nữa, và cuối cùng, mẹ con chị thường thống nhất ở mức 5 câu. Sau đó, bé có hỏi thêm mà chị không trả lời bé cũng không khóc lóc ăn vạ vì đã đồng ý với mẹ rồi.

Trong bài chia sẻ của mình, chuyên gia đào tạo Bùi Trọng Giao (Chủ tịch CML Group, Giám đốc đào tạo BNI Việt Nam) cho rằng khi nóng giận, người ta có thể làm bất cứ điều gì từ phá hỏng đồ đạc quý đến làm tan nát cả sự nghiệp, gia đình.

Hậu quả của những cơn giận là rất khó lường. Nếu cha mẹ nóng giận với con, bé sẽ bị tổn thương về thể chất và tinh thần. Khi bị nhiếc móc vô cớ, bé cảm thấy oan uổng, sợ hãi, uất ức. Khi bị cha mẹ đánh đập, bạo hành, bé sẽ bị đau đớn, tàn tật.

Còn bản thân cha mẹ nếu nổi nóng cũng có thể phải gánh chịu những hệ lụy nghiêm trọng đến tính mạng sức khỏe của mình. Bởi khi chúng ta nóng giận, chất adrenalin và catecholamine được giải phóng sẽ làm tăng huyết áp, đổ mồ hôi, đau đầu… Những ai đang bị bệnh ở gan hay tim sẽ có nguy cơ bệnh nặng hơn. Trong một bộ não của con người có ba lớp, não người (có lý trí), não thú (cảm xúc) và não bò sát (bản năng), và khi adrenalin được giải phóng quá nhiều, nó sẽ làm mờ các lớp não, khiến chúng ta có xu hướng hành động theo bản năng…

Ông Giao cũng phân tích các nguyên nhân cha mẹ giận con bao gồm: Cái tôi của cha mẹ lớn (Chẳng nhẽ mình thế này mà không bảo được con); Kỳ vọng vào con nhưng gặp điều không như ý; Thiếu sự thấu hiểu cả về con cái cũng như nguyên nhân và hậu quả của cơn giận; Bế tắc về phương pháp giáo dục; Môi trường sống nhiều áp lực….

Biểu hiện của cơn giận là vẻ mặt đỏ bừng hoặc tái, mắt trợn ngược, mày nhíu, lời nói thì quát tháo, la hét, mắng chửi, nguyền rủa hay có các động tác quăng quật, đập phá, đánh đập, sát thương…

Để giải quyết các cơn nóng giận, theo ông Giao, chúng ta có thể kìm nén cơn giận kiểu “chồng giận thì vợ bớt lời”, tuy nhiên nếu để lâu nó có thể gây hiện tượng lò xo bị nén, khi giọt nước tràn ly, cơn giận sẽ được phản ứng dữ dội hơn; Có thể nuốt giận vào trong nhưng mãi không giải quyết cũng có thể gây ra các bệnh trầm cảm, nội tiết; Có thể trút giận vào đối tượng thứ ba như đánh đập hình nộm, tuy nhiên giận nhiều quá sẽ thành vết hằn, đến lúc nào đó ta sẽ đánh người thật.

Cách tốt hơn cả là hãy pha loãng cơn giận: Uống một cốc nước lọc, pha loãng chất độc làm mờ não để tĩnh tâm hay bấm huyệt hợp cốc (an thần) trên bàn tay để tự bình tĩnh. Và đặc biệt là giải pháp để nấu chín cơn giận: “Tắt CPU”: Hãy ngừng thở 30 giây: ngừng suy nghĩ, ngừng cảm nhận, ngừng hành động… Sau đó, “Restart”: Hít thở sâu, thở điều hòa trở lại; “Sắp xếp lại các files”: trả lời 3 câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra, Có thật không, có đáng không, và Phản ứng ra sao.

Và quan trọng hơn, ta nên giải quyết tận gốc cơn giận bằng cách Hiểu được luật nhân quả; Tập cho mình cách sống đơn giản (không đòi hỏi những gì quá khả năng); Sống yêu thương; Tìm cho mình một người hỗ trợ (vợ/chồng) khi phải chịu nhiều áp lực hoặc khi nổi nóng; Tự học, đọc các tài liệu về xử lý nóng giận…

Chuyên gia cũng bổ sung, sự nóng giận hoàn toàn khác với sự nghiêm khắc khi dạy con. Giận quá mất khôn, nóng giận là khi chúng ta không thể kiểm soát được bản thân mình còn nghiêm khắc là khi chúng ta giáo dục con có chủ định, phương pháp, và chúng ta lường được kết quả của sự việc.

Theo Vnexpress

8 thoughts on “Kiềm chế cơn giận mất khôn khi dạy con

Leave a Reply

Or