Không cho con đi tiêm vắc xin, cha mẹ đã vô tình khiến bé gái 14 tháng tuổi mất mạng vì bệnh bạch hầu

Căn bệnh bạch hầu đã cướp đi sinh mạng của bé gái 14 tháng tuổi chỉ trong ít ngày. Đáng nói đây là căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin, nhưng rất tiếc gia đình bé đã không chịu làm việc này trước đó.

 
 

Bé gái 14 tháng tuổi ở bang Johor (Malaysia) đã thiệt mạng sau khi bị bệnh bạch hầu(Diphtheria) – một căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Nguyên nhân được xác định là gia đình đã không chịu tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu cho bé.

Lãnh đạo cao cấp của Bộ Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết: “Bé gái bị sốt và đau họng hôm 4/10. Bé đã được đưa vào một phòng khám tư để điều trị ban đầu vào ngày 11/10.

Ngày hôm sau, bé nhập khoa cấp cứu của một bệnh viện do khó thở và biếng ăn. Sau đó, bệnh nhân được chuyển vào khoa nhi và khoa chăm sóc nhi đặc biệt hôm 13/10. Nguyên do là cô bé trở nên rất yếu, phải sử dụng máy thở“.

Bản báo cáo cho biết thêm, bé gái xấu số đã qua đời hôm 15/10 do mắc bạch hầu quá nặng khiến gây nên tình trạng suy đa tạng.

Không cho con đi tiêm vắc xin, cha mẹ đã vô tình khiến bé gái 14 tháng tuổi mất mạng vì bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Mẫu phết tế bào trong họng bé cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium.

Người ta đã tiến hành xét nghiệm họng của bé và mẫu phết tế bào trong họng cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium. Cho tới thời điểm này, Bộ Y tế Malaysia vẫn đang chờ toàn bộ kết quả xét nghiệm.

Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng cấp do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium gây ra. Bệnh lây nhiễm qua các hạt tiết của một cơn ho hay hắt hơi từ người nhiễm bệnh hoặc người mang vi khuẩn. Bệnh bạch hầu thường xuất hiện nơi cổ họng và amidan, biểu hiện bằng lớp màng màu xám dày, có thể nhìn thấy được.

Từ vụ việc đau lòng trên, Tiến sĩ Noor Hisham kêu gọi người dân thực hiện lịch tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt những mũi tiêm ngừa các bệnh truyền nhiễm như bạch hầu. Theo ông, những mũi tiêm này có thể dễ dàng tiếp cận tại các cơ sở y tế công và tư. Tiến sĩ nhấn mạnh: “Không tiêm vắc xin cho con sẽ khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn, đồng thời, đặt cả cộng đồng (những người sống quanh trẻ) vào vòng nguy hiểm“.

Không cho con đi tiêm vắc xin, cha mẹ đã vô tình khiến bé gái 14 tháng tuổi mất mạng vì bệnh bạch hầu - Ảnh 2.

Tiêm vắc xin để ngừa bệnh, đặc biệt những bệnh truyền nhiễm, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng (Ảnh minh họa).

Tiến sĩ khuyên các bậc cha mẹ vẫn chưa tiêm vắc xin cho con mình nên thực hiện việc này theo đúng lịch tiêm của Bộ Y tế Malaysia. Với những trẻ chưa tiêm vắc xin, phụ huynh có thể đưa trẻ tới bất cứ cơ sở y tế nào gần nơi cư trú nhất để tiêm phòng.

Tiêm vắc xin để ngừa bệnh, đặc biệt những bệnh truyền nhiễm, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Nó có thể giúp hệ miễn dịch của chúng ta chiến đấu với bệnh tật. Không những thế, tiêm vắc xin còn đảm bảo an toàn cho những người xung quanh. Nhờ đó, họ sẽ không bị lây nhiễm bệnh.

Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một tình trạng nhiễm vi khuẩn nghiêm trọng ảnh hưởng đến lớp màng nhầy ở cổ họng và mũi. Mặc dù bệnh bạch hầu rất dễ lây lan từ người sang người, nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng việc sử dụng vắc xin

Bệnh thường truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc thông qua việc tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn, ví dụ như cốc hoặc khăn giấy đã qua sử dụng. Bạn cũng có thể bị nhiễm bạch hầu nếu bạn ở gần những người bệnh mà họ lại ho, hắt hơi hoặc xì mũi.

Triệu chứng của bệnh bạch hầu

Triệu chứng của bệnh bạch hầu thường sẽ xuất hiện trong vòng 2-5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn. Một số người sẽ không biểu hiện bất cứ triệu chứng nào trong khi một số người khác sẽ xuất hiện các triệu chứng nhẹ và thường bị nhầm là nhiễm cảm lạnh thông thường.

Triệu chứng dễ nhận thấy và phổ biến nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amiđan. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm:

– Sốt.

– Ớn lạnh.

– Sưng các tuyến ở cổ.

– Ho như chó sủa.

– Viêm họng, sưng họng.

– Da xanh tái.

– Chảy nước dãi.

– Có cảm giác lo lắng, sợ hãi nói chung.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển, bao gồm:

– Khó thở hoặc khó nuốt.
– Thay đổi thị lực.

– Nói lắp.

Phòng tránh bệnh bạch cầu

Vắc xin phòng bệnh bạch hầu thường được tiêm phối hợp với vắc xin phòng uốn ván và ho gà (vắc xin DPT) trong chương trình tiêm chủng mở rộng hoặc phối hợp trong vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu – uốn ván – ho gà – viêm gan B – Hib). Vắc xin DPT thường sẽ được tiêm mũi đầu tiên khi trẻ đủ 2 tháng tuổi. Mũi tiêm thứ 2 và thứ 3 sẽ được tiêm khi trẻ đủ 3 tháng và 4 tháng (tức là mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tháng). Vắc xin DPT sẽ được tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

Nguồn: Viện Y học ứng dụng

Theo Helino

Leave a Reply

Or