Hướng dẫn chế độ ăn dặm khoa học cho trẻ

Giai đoạn ăn dặm là một trong những mốc thời gian rất quan trọng với bé. Để giúp các mẹ và bé có một giai đoạn ăn dặm hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản cũng như một số lưu ý cần thiết về quá trình ăn dặm để giúp bé phát triển một cách toàn diện nhất trong giai đoạn này:

Hướng dẫn chế độ ăn dặm khoa học cho trẻ 1

1, Tại sao không nên cho bé ăn dặm sớm?

Những lý do không nên cho em bé ăn dặm sớm là:

  1. Hệ tiêu hóa của bé chưa sẵn sàng: Hệ tiêu hóa của bé chưa hoàn thiện, không tiết ra đủ chất nhầy, dịch tiêu hóa, enzyme để tiêu hóa hết những thực phẩm mà bạn cho bé ăn.
  2. Khả năng tiêu hóa chưa tốt: Hệ tiêu hóa của bé không đủ sức phân cắt hết protein, tinh bột thành các mảnh nhỏ để sử dụng.
  3. Bé dễ bị sặc, nghẹn: Khi thực phẩm đặc, lưỡi chưa đẩy được thực phẩm vào đúng đường tiêu hóa.
  4. Thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng: Khi ăn dặm sớm, lượng sữa mẹ nạp vào giảm sẽ khiến bé bị thiếu nhiều dưỡng chất.
  5. Dễ nhiễm bệnh đường hô hấp: Khi ăn dặm sớm, bé tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh sẽ gây ho, sốt, nhiễm cúm và viêm đường hô hấp trên.
  6. Dễ ăn quá đà: Do còn quá nhỏ nên bé chưa biết từ chối ăn dẫn đến việc ăn quá no gây khó thở, nôn, trào ngược, viêm thực quản.
  7. Rối loạn tiêu hóa: Thức ăn khó tiêu hơn sữa mẹ và có thể chứa vi khuẩn gây bệnh nên làm bé bị rối loạn tiêu hóa.
  8. Tổn thương dạ dày: Nếu cho ăn dặm sớm, khi dạ dày co bóp, thực phẩm đặc có kết cấu hoàn toàn khác sữa sẽ cọ xát vào thành dạ dày và gây tổn thương.
  9. Bé chậm lớn: Bé không thể hấp thụ dinh dưỡng triệt để từ thức ăn nên sẽ bị thiếu dưỡng chất. Cùng với việc dễ mắc bệnh khiến trẻ chậm lớn.
  10. Bệnh lý tương lai: Việc ăn dặm sớm có thể sẽ khiến bé mắc phải một số bệnh lý về sau như chàm eczema, hen, dị ứng thực phẩm, đái tháo đường, thừa cân béo phì và cao huyết áp…

Việc cho trẻ ăn dặm sớm còn có nguy cơ dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn vì cơ thể thiếu vi chất dinh dưỡng thêm vào việc hệ tiêu hóa chưa tốt sẽ khiến cho trẻ không muốn ăn, chán ăn, bỏ ăn.

2, Vậy khi nào thì bắt đầu cho bé tập ăn dặm?

Theo Tổ chức Y tế Thế Giới WHO, thời điểm thích hợp bắt đầu cho bé tập ăn dặm là từ 6 tháng tuổi trở lên kết hợp với bú sữa mẹ. Tuy nhiên vì hệ tiêu hóa của bé lúc 6 tháng tuổi vẫn chưa hoàn thiện nên thức ăn dặm phải dễ tiêu hóa, dễ hấp thu và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết đảm bảo bé phát triển toàn diện trong những năm tháng tiếp theo của cuộc đời. Thực phẩm phù hợp cho bé trong giai đoạn tập ăn này thường là các loại ngũ cốc phổ biến như lúa mì, gạo, các loại củ quả trái cây giàu carbonhydrate cùng với sữa. Đặc biệt, trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có nguy cơ thiếu máu rất cao, vì vậy thức ăn của bé nên có đầy đủ vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt để giúp bé phát triển tốt cân nặng, chiều cao, sức đề kháng và trí tuệ. Ăn dặm sớm hoặc muộn đều làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ. Các mẹ lưu ý:

  • Với bé từ 6-8 tháng tuổi: Cho bé ăn từ 2-3 lần/ngày. Thức ăn mềm, mịn, dễ tiêu hóa.
  • Với bé từ 9-11 tháng tuổi: Cho bé ăn tăng lên từ 3-4 lần/ngày. Thức ăn mềm và hơi lợn cợn để bé tập nhai.
  • Với bé từ 12-24 tháng tuổi: Ngày 3-4 bữa thức ăn mềm như cháo hoặc bột, có thức ăn băm nhỏ…

3, Những hướng dẫn cơ bản khi cho trẻ ăn dặm

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên các mẹ nên áp dụng những nguyên tắc khi cho trẻ ăn dặm là:

3, Những hướng dẫn cơ bản khi cho trẻ ăn dặm 1

  1. Nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Do đó, nên tiếp tục cho trẻ bú mẹ càng lâu càng tốt sau khi cho trẻ ăn thức ăn dặm bổ sung.
  2. Cho bé ăn đa dạng và đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: nhóm tinh bột (có trong gạo, bột mì, ngô, khoai, sắn…), nhóm chất đạm (có trong thịt, cá, trứng, sữa…), nhóm chất béo (có trong dầu ăn, bơ, mỡ…), nhóm vitamin và khoáng chất (có trong rau quả và trái cây)
  3. Cho bé ăn tăng dần: Từ ít đến nhiều; từ loãng đến đặc, sệt; từ mịn đến thô; từ một nhóm đến nhiều nhóm thực phẩm.
  4. Chọn thực phẩm phù hợp cho bé ăn dặm: Các thực phẩm ăn dặm cho bé cần dễ tiêu hóa, dễ hấp thu, an toàn và đảm bảo vệ sinh cho bé.
  5. Tránh ép bé ăn: Do dạ dày bé nhỏ hơn 5 lần so với người lớn vì vậy đừng làm quá tải dạ dày bằng cách ép bé ăn nhiều, thay vào đó hãy lựa chọn thức ăn giàu dinh dưỡng phù hợp với dung tích dạ dày nhỏ của bé.

4, Các loại thực phẩm tốt cho trẻ khi ăn dặm

  • Khi mới bắt đầu cho trẻ ăn dặm, các mẹ chỉ nên cho bé ăn đơn giản với số lượng ít. Các thực phẩm như ngũ cốc, chuối, bơ, táo, lê, bí ngô, khoai tây, bột gạo lứt là những thực phẩm rất giàu vitamin và khoáng chất giúp bé tăng trưởng tối đa trong giai đoạn này. Với những thực phẩm này, mẹ cần đảm bảo xay nhuyễn, mịn để trẻ dễ ăn. 
  • Khi trẻ đã làm quen tốt với các loại trái cây và rau, mẹ có thể giới thiệu thêm vào khẩu phần ăn của con một số loại thịt như thịt bò, thịt lợn hoặc thịt gà. Các mẹ phải đảm bảo rằng thịt phải tươi sống để đảm bảo sức khỏe cho bé. Với nguyên liệu nấu ăn mới này, mẹ nên xay nhuyễn và chế biến cùng với rau hay một số loại trái cây như táo, lê. 

 

cho-be-an-dam-9-11-thang-tuoi

  • Khi trẻ sắp mọc răng, mẹ có thể thử cho bé ăn cá, đỗ cùng với một số trái cây khác như dâu, cam quýt, các loại hạt cây (quả óc chó, hạnh nhân). Việc đa dạng các món ăn hàng ngày sẽ giúp trẻ không bị nhàm chán mà vẫn đảm bảo hấp thu được đầy đủ dinh dưỡng từ những dưỡng chất trên.

Tóm lại, ăn dặm có thể được coi là một bước ngoặt trong tiến trình phát triển của con. Trong giai đoạn này, nếu không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, trẻ sẽ dễ bị còi xương, chậm phát triển. Việc ăn dặm cũng có những nguyên tắc nhất định, do đó các mẹ cần nắm rõ những thông tin trên để giúp bé yêu hấp thụ tối đa dưỡng chất trong giai đoạn này nhé.

(Theo tài liệu giáo dục được tư vấn chuyên môn bởi PGS.TS.BS Đặng Thị Hà – Trưởng khoa Phụ Sản BV ĐHYD TP.HCM – Cơ sở 2)

Leave a Reply

Or